Kẻ vô não đưa nhóm du khách tẩu thoát khỏi Đà Nẵng trước giờ giãn cách xã hội
Trong khi cả nước đang hướng về Đà Nẵng với những lời động viên, chia sẻ. Hầu như tất cả người dân Đà Nẵng đang nêu cao tinh thần cảnh giác, phối hợp thực hiện nghiêm túc quy định cách ly và các khuyến cáo phòng chống dịch Covid-19 thì lại có một nhóm người vô ý thức, coi thường quy định phòng chống dịch, coi mạng sống của chính mình và cộng đồng khi cố “tẩu thoát” khỏi Đà Nẵng trước giờ giãn cách xã hội.
Dư luận lại “dậy sóng” trước thông tin một đoàn du khách nửa đêm “tẩu thoát” khỏi Đà Nẵng đến Huế trước vài giờ công bố dịch Covid-19 và thực hiện giãn cách xã hội. Tài khoản FB mang tên Phuong Sentourist đã đăng tải thông tin trên được cho là hướng dẫn viên của Công ty Du lịch Sentourist, Bình Dương. Cụ thể nam thanh niên đã khoe khoang “chiến tích” của mình như sau: “Nửa đêm bỏ khách sạn 4 sao đưa đoàn tẩu thoát khỏi Đà Nẵng một cách an toàn. Và khách đang ở Huế. Cầu mong Cô vi đừng theo đoàn con ra Huế mộng mơ”. Một số hình ảnh kèm theo cho thấy đoàn khách khá đông đã đến tham quan những địa điểm danh thắng, di tích ở Hội An, Đà Nẵng, Đại nội Huế. Dòng trạng thái trên mạng xã hội như một lời kể công đầy tự hào của người hướng dẫn viên.
Chưa rõ vì lý do thiếu kinh nghiệm nên đã trở thành “con rối” bị số đông du khách chi phối hay do người hướng dẫn viên này đã quá chủ quan cộng tâm lý coi thường dịch bệnh nên đã bày trò cho hành khách của mình, vẫn tiếp tục “cố đấm ăn xôi”. Nhưng dù vì lý do gì thì đó vẫn là một lối ứng xử ích kỷ, thiếu trách nhiệm, thiếu ý thức. Mặc dù, Bộ Quy tắc đạo đức nghề và ứng xử của hướng dẫn viên du lịch không hề đề cập cụ thể việc người hướng dẫn viên phải hành động ra sao trong giai đoạn dịch bệnh. Tuy nhiên, người hướng dẫn viên du lịch, đối với công việc của mình, cần có ý thức và trách nhiệm bảo vệ môi trường xã hội, giữ gìn an ninh an toàn, trật tự công cộng và vệ sinh chung. Còn đối với khách du lịch, hướng dẫn viên cần thường xuyên hướng dẫn, nhắc nhở, khuyến cáo các du khách tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam, pháp luật tại nơi đến trong quá trình dẫn tour. Đợt bùng phát dịch lần này dù không ai mong muốn nhưng không phải không thể phòng chống được. Bởi hướng dẫn viên hay người dân cũng đã được trang bị những kiến thức cơ bản về phòng chống dịch Covid-19.
Chưa bàn về việc hướng dẫn viên du lịch và đoàn khách trên sẽ bị xử lý như thế nào nhưng trong tình hình dịch bệnh trở lại phức tạp, chỉ cần một số người hành xử ích kỉ như vậy có thể gây ảnh hưởng tới nỗ lực phòng chống dịch bệnh của toàn thể xã hội. Thử hỏi khi họ chạy trốn họ có nghĩ đến những người đang bạc tóc suy nghĩ kế sách chống dịch hay không? Biết bao nhiêu y bác sĩ dồn sức, thức trắng đêm với các bệnh nhân. Biết bao nhiêu người cả mấy tháng ròng đương đầu với dịch, từ công an, bộ đội, dân quân tự vệ, bảo vệ dân phố ăn đất nằm sương. Chưa kể, chúng ta đã có bài học trong thời gian giãn cách xã hội lần đầu tiên vào tháng 4/2020. Đó là hệ quả rất nhiều doanh nghiệp phá sản, người lao động mất việc, nền kinh tế “lao đao”, du lịch “mất mùa”, trường học gián đoạn, áp lực xã hội gia tăng… Vì vậy hãy bỏ cái suy nghĩ ích kỷ, vô não ấy đi mà lấy lại quyền sống không chỉ cho mình mà cho cả xã hội. Cũng hy vọng virus Corona không đi theo đoàn này thật, bằng không thì hậu quả không thể gánh vác được.
Trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành hơn nửa năm nay, nhiều người dân đã có ý thức tự giác khai báo y tế, tự giác cách ly nếu nghi ngờ mình có khả năng tiếp xúc với người bệnh. Hầu hết khi Chính phủ công bố có ca nhiễm trong cộng đồng thì mọi người chủ động đeo khẩu trang khi đến chốn đông người. Đồng thời, người dân chủ động theo dõi và cập nhật thông tin thông qua Internet, báo đài, truyền thông, tin nhắn, ứng dụng về tình hình phòng, chống, lây lan dịch bệnh để kịp thời phối hợp. Người dân tích cực chấp hành các khuyến cáo của ngành y tế, không đăng tải những thông tin không chính xác, bịa đặt về tình hình dịch bệnh, lan truyền những biện pháp phòng ngừa không đúng, gây hoang mang dư luận.
Hạ Trắng (TH)