+
Aa
-
like
comment

Kẻ ‘thách thức pháp luật’ trong buổi livestream của Nguyễn Phương Hằng là ai?

17/11/2021 09:22

Trong buổi livestream của bà Phương Hằng xuất hiện nhân vật phát ngôn “…báo chí của cộng sản chung với phản động để đánh một Nguyễn Phương Hằng…” có dấu hiệu vi phạm pháp luật là ai? 

Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ TT-TT) vừa có công văn gửi Sở TT-TT tỉnh Bình Dương về việc xác minh, xử lý phát ngôn vi phạm trên mạng xã hội đối với bà Nguyễn Phương Hằng.

Long Ngô, người phát ngôn 'có dấu hiệu vi phạm pháp luật' trong buổi livestream của Nguyễn Phương Hằng là ai? - ảnh 1
Long Ngô (khoanh tròn), người nói rằng “…báo chí của cộng sản chung với phản động để đánh một Nguyễn Phương Hằng…” trong buổi livestream của bà Nguyễn Phương Hằng hôm 14.11

Theo công văn của Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, ngày 14.11, bà Nguyễn Phương Hằng (Tổng giám đốc khu du lịch Đại Nam) đã tổ chức buổi gặp gỡ và giao lưu khán giả tại khu du lịch Đại Nam, tỉnh Bình Dương; đồng thời phát trực tuyến (livestream) trên mạng thông qua nhiều kênh Facebook, YouTube…

Tuy nhiên, đáng chú ý, trong các phát ngôn của các khách mời tham dự buổi livestream có nội dung cho rằng “…báo chí của cộng sản chung với phản động để đánh một Nguyễn Phương Hằng…”.

Từ đó, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử đề nghị Sở TT-TT tỉnh Bình Dương kiểm tra, xác minh và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật (nếu có).

“Mày biết tao làm ở đâu không?”

Buổi livestream của bà Phương Hẳng ngày 14/11.

Trong buổi livestream ngày 14.11 của bà Nguyễn Phương Hằng tại khu du lịch Đại Nam, một khách mời chính thức xưng là Long Ngô ngồi trên sân khấu với nhiều người khác được cho là để “giao lưu”. Buổi livestream được phát trên nhiều kênh với hàng ngàn người xem, tương tác; đồng thời có hàng ngàn người có mặt trực tiếp dưới sân khấu. Long Ngô đã cầm micro nói rằng, “…báo chí của cộng sản chung với phản động để đánh một Nguyễn Phương Hằng…”.

Sau đó, trong một video được đăng trên một số trang mạng xã hội, Long Ngô còn livestream vu khống một số tờ báo “mang mác tờ báo của Nhà nước, của Đảng đi đánh cá nhân…”. Cũng trong video này, Long Ngô còn xưng đang cộng tác với một tờ báo của quân đội về “phòng chống diễn biến”… (?).

Đáng chú ý, trong video này, Long Ngô gọi người nghe là “mày”, “chúng mày” và xưng là “tao”, “chúng tao”… và nhiều lần phát ngôn với giọng điệu thách thức: “Khiêng được tao thì nó đã khiêng đi lâu rồi”, “Chúng mày tưởng khôn hơn chúng tao”, “Mày biết tao làm ở đâu không?”…

Không những trong clip nói trên, mà ở nhiều clip khác, cũng bằng giọng điệu như vừa kể, Long Ngô rất nhiều lần thóa mạ, vu khống một số cơ quan báo chí.

Để tìm hiểu người nói “Mày biết tao làm ở đâu không?” như trong video, PV đã liên hệ với Công an tỉnh Đồng Nai và được biết người này tên thật là Ngô Thanh Long (36 tuổi, ngụ xã Trung Hòa, H.Trảng Bom).

Chiều 15.11, trao đổi với PV, một cán bộ Công an tỉnh Đồng Nai cho biết, Ngô Thanh Long đã bỏ nhà đi từ nhiều năm nay và không khai báo gì, do vậy hiện tại Long đang ở đâu và làm công việc gì thì cơ quan chức năng không nắm rõ.

Công an cần xử lý kịp thời để ngăn chặn hành vi nguy hiểm cho xã hội

Theo phân tích của luật sư (LS) Đặng Xuân Cường (Trưởng ban hình sự, TAT law firm, Đoàn LS TP.Hà Nội), trong trường hợp công an đang xác minh nhiều đơn thư tố giác tội phạm của nhiều cá nhân đối với hành vi livestream được cho là vi phạm pháp luật của người bị tố cáo, không nhất thiết Sở TT-TT địa phương phải giải quyết. “Công an tỉnh cũng có thể xem xét, giải quyết, gộp chung vào những hành vi livestream của người bị tố cáo, nếu người đó trước đây có dấu hiệu vi phạm”, LS Cường nêu và phân tích thêm: “Cùng một đối tượng livestream, với hàng loạt hành vi tương tự nhau, liên tục kéo dài, và chưa có dấu hiệu kết thúc, Công an cần xử lý kịp thời để ngăn chặn những hành vi nguy hiểm cho xã hội”. Cũng theo LS Cường, quá trình xác minh, nếu cho rằng người bị tố giác không có dấu hiệu của tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo Điều 331 của Bộ luật Hình sự 2015 thì công an có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính hoặc chuyển hồ sơ sang Sở TT-TT đề nghị xử phạt; còn nếu cho rằng có dấu hiệu tội phạm thì công an thụ lý, khởi tố vụ án, khởi tố bị can.

Thanh An

Bài mới
Đọc nhiều