+
Aa
-
like
comment

Kế sách chống dịch COVID-19 lâu dài từ vaccine ‘made in Vietnam’

27/03/2021 07:52

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 trên thế giới, nhu cầu về vaccine tăng cao khiến nguồn cung vắc xin cho Việt Nam bị ảnh hưởng. Vì thế về lâu dài vaccine nội là kế sách phù hợp và hiệu quả trong việc phòng chống đại dịch.

Tiêm thử nghiệm vắc xin NanoCovax của Việt Nam
Tiêm thử nghiệm vắc xin NanoCovax của Việt Nam

TS Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) cho biết có 4 đơn vị của Việt Nam tiến hành nghiên cứu, phát triển vaccine phòng COVID-19. Trong đó, vaccine NanoCovax của Công ty Naogen đã hoàn thành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1, đang triển khai giai đoạn 2. Vaccine Covivac của Viện Vaccine và Sinh phẩm Y tế (IVAC) bắt đầu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1. Vacccine của Công ty Vacccine và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH) sẽ chuẩn bị thử nghiệm giai đoạn 1 vào tháng 4. Các kết quả nghiên cứu trong phòng thí nghiệm ở giai đoạn tiền lâm sàng của cả 3 vắc xin này đều được đánh giá rất tốt, có triển vọng.

Vaccine NanoCovax sau khi kết thúc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1, 100% người được tiêm đều an toàn, sinh kháng thể với nồng độ cao, có tác dụng bảo vệ tốt và được thử nghiệm hiệu quả trên các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 như chủng phát hiện ở Anh. Theo kế hoạch, cuối tháng 4 sẽ có đánh giá kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 của vaccine NanoCovax. Hiện vắc xin này đang có triển vọng rất lạc quan. Dự kiến đầu tháng 5, vaccine NanoCovax sẽ thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3.

Căn cứ vào kết quả thử nghiệm giai đoạn 1 và giai đoạn 2 đến thời điểm hiện tại, tất cả các chuyên gia, đại diện Bộ Y tế đều cho rằng nếu thuận lợi, thậm chí cuối quý 3 sẽ hoàn thành thử nghiệm giai đoạn 3 đối với vaccine NanoCovax, rút ngắn tiếp 3 tháng so với kế hoạch dự kiến.

“Thông thường, để đánh giá hiệu lực của một vaccine cần 24 tháng, nhưng với đại dịch COVID-19 thì các vaccine sau khi đã đánh giá được tính an toàn, sinh miễn dịch và liều tiêm tối ưu nhất là đã được cấp phép sử dụng trong tình trạng khẩn cấp. Việc nghiên cứu về hiệu quả bảo vệ sẽ được tiếp tuc sau đó vì cần thời gian lâu dài hơn. Thậm chí có nước ngay sau khi thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 đã cho phép tiêm rộng rãi cho người dân”, ông Nguyễn Ngô Quang nói.

Trung tướng, GS.TS Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y cho biết: “Vacccine NanoCovax là vaccine đầu tiên của Việt Nam đã hoàn thiện quy trình nghiên cứu và đạt hiệu quả cao trong thử nghiệm, hứa hẹn sẽ là vaccine phòng COVID-19 “made in Vietnam” đầu tiên đưa ra thị trường. Chúng tôi đang nỗ lực để có thể sản xuất vaccine đáp ứng nhu cầu của người dân trong thời gian sớm nhất…”.

GS.TS Đỗ Quyết chia sẻ, ông rất tin tưởng về tính khoa học của vaccine Nano Covax. Đây là loại vắc vaccine được sử dụng trên công nghệ tái tổ hợp protein, đã được Hội đồng đạo đức y sinh học quốc gia và các chuyên gia hàng đầu thẩm định và thông qua hồ sơ nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng. “Giai đoạn thứ nghiệm lâm sàng đầu tiên được tiến hành đối với các tình nguyện viên dưới 50 tuổi, sức khỏe tốt, không có bệnh nền. Giai đoạn 2 có sự tham gia của người cao tuổi, có bệnh nền. Kết quả đến giờ phút này rất tốt. Từ 25/3 các tình nguyện viên đã bắt đầu được tiêm mũi thứ 2”, Trung tướng Đỗ Quyết cho biết.

Trên thế giới có nhiều chính trị gia đã tiêm vaccine ngừa COVID-19. Mới nhất ngày 23/3, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 của AstraZeneca, nối dài danh sách những nhà lãnh đạo thế giới đã tiêm vaccine. Trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden tiêm liều vaccine thứ 2 ngừa COVID-19 của hãng Pfizer vào ngày 11/1; Thủ tướng Ấn độ Narendra Modi tiêm vaccine Covaxin do Công ty Dược Bharat Biotech và Hội đồng nghiên cứu y tế Ấn Độ đồng phát triển ngày 28/2; Thủ tướng Anh Boris Johnson tiêm liều vắc xin đầu tiên của hãng AstraZeneca vào ngày 19/3…

Khi có nhiều loại vaccine thì việc các nhà lãnh đạo lựa chọn tiêm vaccine nào cũng có ý nghĩa không nhỏ. Các loại vaccine ở đây đương nhiên là các vắc xin đã được cấp phép. Còn đối với vaccine trong quá trình thử nghiệm thì có lúc đã loan truyền thông tin có nhà lãnh đạo tiêm thử nhưng sau đó những thông tin này đã được bác bỏ.

Ở Việt Nam hiện vaccine AstraZeneca đã bắt đầu được tiêm theo thứ tự ưu tiên cho các nhóm đối tượng được Chính phủ quy định. Bộ Y tế cũng mới cấp phép cho vắc xin Sputnik V của Nga nhưng chưa có thông tin cụ thể về việc nhập khẩu loại vaccine này.

Trả lời câu hỏi đã có quan chức cấp cao nào ở nước ta được tiêm vaccine ngừa COVID-19 chưa, GS Quyết cho biết: “Việc tiêm vaccine đã được cấp phép và nhập khẩu thì Bộ Y tế mới là cơ quan nắm rõ. Đối với vaccine Nano Covax mà Học viện Quân y tham gia nghiên cứu thì chúng tôi tiến hành theo đúng quy định và thông lệ quốc tế. Tất cả các tình nguyện viên đều được theo dõi y tế như nhau. Tuy nhiên, trường hợp có tình nguyện viên là người có tầm ảnh hưởng trong xã hội thì chúng tôi sẽ không đưa vào các báo cáo kết quả thử nghiệm để đảm bảo khách quan”.

Khi được hỏi về thông tin trong số những người tham gia tiêm thử nghiệm vaccine tại Học viện Quân y có một lãnh đạo Chính phủ, GS Quyết nói: “Chúng tôi không tiết lộ thông tin cá nhân của những tình nguyện viên”.

Hà Minh

Bài mới
Đọc nhiều