+
Aa
-
like
comment

Kê khai tài sản: Vũ khí quan trọng trong phòng chống tham nhũng

23/02/2024 14:55

Trong quá trình điều tra vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản có liên quan đến ông Đỗ Hữu Ca, quá trình khám xét nơi ở, lực lượng chức năng phát hiện trên 40 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cùng lượng lớn tiền, vàng, ngoại tệ, trang sức… Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh tách riêng để xác minh khối tài sản lớn thu được tại nơi ở của cựu giám đốc Công an TP Hải Phòng Đỗ Hữu Ca.

Thực tế cho thấy, bên cạnh công tác đấu tranh chống các tội phạm tham nhũng, tiêu cực thì việc phòng trừ, ngăn chặn từ sớm các hành vi tham nhũng tiêu cực là rất quan trong, mà trong đó việc kê khai tài sản của cán bộ, công chức chính là công cụ hữu hiệu nhất cho đến thời điểm này.

Không thiếu quy định về kê khai tài sản

Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định cán bộ, công chức không chỉ kê khai tài sản của mình mà còn phải kê khai tài sản của người thân. Cụ thể, tại Điều 33, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập như sau: Người có nghĩa vụ kê khai phải kê khai tài sản, thu nhập và biến động về tài sản, thu nhập của mình, của vợ hoặc chồng, con chưa thành niên theo quy định của Luật này.

Người có nghĩa vụ kê khai phải kê khai trung thực về tài sản, thu nhập, giải trình trung thực về nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm theo trình tự, thủ tục quy định tại Luật này và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc kê khai tài sản, thu nhập.

Không chỉ phải kê khai tài sản lần đầu hay hằng năm, cán bộ, công chức còn phải có nghĩa vụ kê khai tài sản mọi biến động về tài sản, thu nhập của vợ hoặc chồng, con chưa thành niên.

Tài sản, thu nhập phải kê khai bao gồm: Quyền sử dụng đất, nhà ở, công trình xây dựng và tài sản khác gắn liền với đất, nhà ở, công trình xây dựng; Kim khí quý, đá quý, tiền, giấy tờ có giá và động sản khác mà mỗi tài sản có giá trị từ 50.000.000 đồng trở lên; Tài sản, tài khoản ở nước ngoài; Tổng thu nhập giữa 02 lần kê khai.

Căn biệt thự của gia đình cựu giám đốc Công an TP Hải Phòng Đỗ Hữu Ca tại phường Đằng Lâm, quận Hải An từng bị Cơ quan điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh khám xét, tạm giữ nhiều tài sản.

Điều 36, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định 03 phương thức và thời điểm kê khai tài sản, thu nhập là kê khai lần đầu, kê khai bổ sung và kê khai hằng năm. Theo đó, mỗi hình thức kê khai lại áp dụng với đối tượng cán bộ, công chức nói riêng.

Điều 10, Nghị định số 130/2020/NĐ-CP, ngày 30/10/2020 của Chính phủ hướng dẫn cụ thể về người có nghĩa vụ kê khai 02 trường hợp theo quy định tại Điểm b, Khoản 3, Điều 36 của Luật Phòng, chống tham nhũng gồm:

(1) Các ngạch công chức và chức danh sau đây: (a) Chấp hành viên; (b) Điều tra viên; (c) Kế toán viên; (d) Kiểm lâm viên; (đ) Kiểm sát viên; (e) Kiểm soát viên ngân hàng; (g) Kiểm soát viên thị trường; (h) Kiểm toán viên; (i) Kiểm tra viên của Đảng; (k) Kiểm tra viên hải quan; (l) Kiểm tra viên thuế; (m) Thanh tra viên; (n) Thẩm phán.

(2) Những người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý từ Phó trưởng phòng và tương đương trở lên công tác trong một số lĩnh vực được xác định trong danh mục tại Phụ lục III được ban hành kèm theo Nghị định số 130/2020/NĐ-CP.

(3) Người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Có thể thấy, đây là các đối tượng có cơ hội tham nhũng, có nguy cơ tham nhũng cao hơn so với các nhóm khác nên phải kiểm soát thu nhập, tài sản hằng năm.

Để thực hiện kế hoạch xác minh, tại Khoản 3, Điều 15, Nghị định 130/2020 nêu rõ: Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày kế hoạch xác minh được ban hành. Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập tổ chức lựa chọn ngẫu nhiên người được xác minh. Việc lựa chọn được thực hiện công khai bằng hình thức bốc thăm hoặc sử dụng phần mềm máy tính.

Các quy định hiện hữu cho thấy hầu hết các cán bộ công chức giữ các vị trí quản lý, lãnh đạo cơ quan nhà nước, tổ chức sự nghiệp đều có trách nhiệm phải kê khai và chịu sự giám sát về tài sản thu nhập. Thế nhưng, so với sự chặt chẽ trong công tác kê khai tài sản thì việc kiểm soát, xác minh kê khai chưa được sự quan tâm đúng mức. Các hình thức kiểm tra, giám sát chỉ dừng ở mức độ lựa chọn ngẫu nhiên hoặc khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Bên cạnh đó là hình thức xử lý khi kê khai tài sản thu nhập không đầy đủ, thiếu trung thực cũng còn rất nhẹ. Theo Nghị định số 130/2020/NĐ-CP, người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập mà kê khai không trung thực, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực thì tùy theo tính chất, mức độ mà bị xử lý theo quy định tại Điều 51 của Luật Phòng, chống tham nhũng.

Người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập mà tẩu tán, che giấu tài sản, thu nhập, cản trở hoạt động kiểm soát tài sản, thu nhập, không nộp bản kê khai sau 2 lần được đôn đốc bằng văn bản thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý bằng một trong các hình thức cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, bãi nhiệm, buộc thôi việc, giáng cấp bậc quân hàm, giáng cấp bậc hàm.

Cần có cơ chế “đóng băng” các tài sản không giải trình được nguồn gốc

Chiều 1/2, tại cuộc họp thông báo kết quả phiên họp 25 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN TC), Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Đặng Văn Dũng điểm lại nhiều điểm nổi bật trong công tác PCTN TC thời gian qua, trong đó, lần đầu tiên 6 cán bộ bị xử lý kỷ luật do vi phạm trong kê khai tài sản, thu nhập.

Thế nhưng, thực tế qua các vụ án tham nhũng, tiêu cực thời gian qua, không ít cán bộ nhúng chàm với xu hướng “sẵn sàng chấp nhận”. Các tội phạm về tham nhũng, tiêu cực có biểu hiện sẵn sàng chấp nhận hậu quả pháp lý đối với hành vi nhận hối lộ, “quà khủng”. Khi các cơ quan chức năng có đầy đủ bằng chứng khiến các đối tượng này không thể chối cãi được thì khi đó họ đành chấp nhận trả lại để nhận về mức án thấp hơn.

Tương tự với việc xử lý sai phạm trong việc kê khai tài sản thu nhập của cán bộ công chức. Bên cạnh những tấm gương sáng sẵn sàng tự nguyện được kiểm soát, xác minh như trường hợp của Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hà Giang Trần Quang Minh xung phong được xác minh tài sản thu nhập. Thì còn đó không ít cán bộ vẫn có thái độ né tránh theo kiểu “trời kêu ai nấy dạ” hoặc sẵn sàng chấp nhận kỷ luật khi bị phát hiện thiếu trung thực.

Với tinh thần tự giác, trách nhiệm nêu gương, ông Trần Quang Minh xung phong được xác minh tài sản thu nhập và đề nghị Hội đồng thực hiện bốc thăm trong danh sách Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy thêm 1 người theo kế hoạch.

Từ đó khiến công tác kê khai tài sản thu nhập chưa phát huy tốt vai trò vũ khí chiến lược trong cơ chế phòng trừ tham nhũng, tiêu cực. Vì vậy, bên cạnh những chế tài hiện hữu, cần có nghiên cứu, bổ sung thêm các hình thức xử lý đối với tài sản không được kê khai, không xác minh được nguồn gốc.

Thực tế cho thấy, việc giải quyết vấn đề tài sản không xác minh được nguồn gốc đã từng được nêu ra trong quá trình xây dựng Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018. Tuy nhiên các giải pháp đưa ra để xử lý loại tài sản này phải đáp ứng được các yêu cầu: phải chặt chẽ về tính pháp lý, không làm ảnh hưởng đến quyền được bảo vệ tài sản của công dân theo Hiến pháp, phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam, bảo đảm tính khả thi, đồng bộ và tránh tính hình thức.

Trong quá trình thảo luận, rất nhiều phương án khác nhau được đưa ra như: Thông qua thủ tục tại Tòa án để thu hồi tài sản này cho nhà nước; thu thuế thu nhập cá nhân; xử phạt hành chính với mức xử phạt nặng; hình sự hóa hành vi làm giàu bất chính….

Qua nhiều phiên họp thảo luận, ý kiến của ĐBQH và cơ quan hữu quan, các chuyên gia, các nhà khoa học pháp lý đều phân tích rất kỹ lưỡng dưới nhiều góc cạnh khác nhau và ý kiến rất phân tán, mỗi phương án đều có những ưu điểm và nhược điểm nhất định. Qua cân nhắc kỹ lưỡng, UBTVQH nhận thấy, không có phương án nào đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu nêu trên.

Việc xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc là vấn đề mới, lần đầu tiên chúng ta đặt vấn đề xử lý đối với loại tài sản, thu nhập này. Ở nước ta, tài sản, thu nhập của người dân, cán bộ, công chức, viên chức được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau và trải qua nhiều thời kỳ lịch sử khác nhau nên nhiều tài sản, thu nhập không còn giấy tờ chứng minh nguồn gốc.

Nhà nước ta chưa kiểm soát được thu nhập của toàn xã hội. Hệ thống thu thuế, đăng ký tài sản, thanh toán qua tài khoản chưa đáp ứng yêu cầu; pháp luật chưa quy định đánh thuế đối với tài sản…

Trong bối cảnh đó thì việc xác định tính hợp lý hay không hợp lý của nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm để đánh thuế hoặc thu hồi là vấn đề rất phức tạp. Mặt khác, đây là vấn đề lớn, có liên quan đến quyền sở hữu tài sản – quyền cơ bản của công dân theo Hiến pháp nên cần được cân nhắc hết sức kỹ lưỡng.

Qua cân nhắc thận trọng, do chưa đủ điều kiện chín muồi, chưa đạt được sự đồng thuận cao nên Quốc hội chưa đưa vào Luật quy định về xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc và nội dung này cần được tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, khi đã đủ điều kiện chín muồi, phù hợp thực tiễn, bảo đảm tính khả thi thì mới quy định vào trong luật.

Thành An

Bài mới
Đọc nhiều