+
Aa
-
like
comment

Kê khai tài sản không phải là trò chơi bốc thăm

Phạm Khoa - 21/02/2023 08:08

Việc dùng phương thức bốc thăm để xác định cán bộ phải thực hiện kê khai tài sản đã nhận về khá nhiều chỉ trích và hoài nghi từ người dân. Hoàn toàn có thể xảy ra gian lận từ việc bốc thăm này, và những kẻ tham ô, tham nhũng, vơ vét của công, vẫn có trăm phương ngàn kế để tránh né. Vậy, phải làm sao để không cho lọt lưới các con sâu dân mọt nước này?

Bốc thăm ngẫu nhiên để xác minh tài sản

Theo kiến nghị của cử tri, cần xem xét bỏ quy định bốc thăm, đồng thời nghiên cứu thành lập cơ quan chuyên trách về xác minh tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức. Liệu kiến nghị này có hiệu quả hơn những gì đã và đang diễn ra đối với công tác phòng chống tham nhũng trong đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước?

Nhìn nhận một cách nghiêm túc, việc kê khai tài sản, thu nhập là việc cán bộ, công chức nào cũng phải làm, không ai được miễn trừ, cho nên phương thức bốc thăm trở nên hết sức phiến diện, gây bức xúc không những trong nhân dân, mà ngay cả trong tập thể cán bộ, công chức của tổ chức thực hiện bốc thăm.

Làm sao có thể khẳng định những người đứng ra bốc thăm và những lá thăm là hoàn toàn minh bạch? Chắc chắn, không ai dám khẳng định điều đó. Cũng không ai có thể tin tưởng tuyệt đối việc bốc thăm là không thể can thiệp được, bằng thế lực, hoặc bằng lợi ích vật chất.

Vậy, nếu thay bốc thăm để xác định cán bộ, công chức phải kê khai tài sản, thu nhập cách thành lập một cơ quan chuyên trách làm việc đó thì có tốt hơn không?

Có nhiều cách tiếp cận ý kiến này, tuy nhiên, nếu quan sát kỹ, thì chúng ta đang mắc căn bệnh bày vẽ, đẻ thêm cơ quan chuyên trách, mỗi khi phát sinh một vấn đề chưa được giải quyết tốt. Thử nhìn lại các tổ chức, hoặc các cơ quan chuyên trách, như: Hội Phụ nữ, Hội Bảo vệ trẻ em, Hội Bảo vệ người tiêu dùng, Hội chống hàng gian hàng giả, Công đoàn… thời gian qua xem đã hoạt động hiệu quả, tương xứng với trọng trách và mục tiêu ban đầu thành lập chưa. Chắc chắn là chưa, vì nhiều vụ việc nổi cộm, nhức nhối trong xã hội xảy ra rồi mới thấy các tổ chức, các cơ quan chuyên trách này nhảy vào.

Vậy thì, chúng ta lập thêm một cơ quan chỉ để xác minh tài sản, thu nhập của cán bộ công chức để làm gì, nếu không nói là thừa, và lãng phí tiền của nhân dân.

Hãy làm như các nước tiên tiến khác, mọi cán bộ công chức đều bắt buộc phải tự giác khai báo thu nhập, và tài sản với ngành thuế hàng năm. Khai báo gian lận sẽ bị phạt rất nặng, gấp 5-7 lần số tiền bị phát hiện khai thiếu, khai gian; bị công khai lỗi trốn thuế lên trang thông tin công; và bị cách chức, điều tra hình sự nếu lỗi vi phạm ở mức nghiêm trọng.

Có thể minh bạch hóa việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức bằng các công cụ quản trị số, quy định mức thanh toán bắt buộc phải thông qua tài khoản ngân hàng, kết nối thông tin bất động sản, chứng khoán thay vì thống kê thủ công, dùng con người, để tránh gian lận, thông đồng, cấu kết, bao che tội phạm.

Xã hội càng phát triển, chính phủ điện tử là xu thế bắt buộc, nên quan tâm đến công cuộc số hóa từ khâu tổ chức cán bộ, công chức, đến khâu quản lý hiệu suất công việc và tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức trong tất cả các cơ quan, ban ngành, tổ chức công. Làm được vậy, vừa không lãng phí tiền dân, vừa đảm bảo hoạt động hiệu quả, và tính minh bạch của toàn bộ thể chế.

Phạm Khoa

Bài mới
Đọc nhiều