Kê khai tài sản để quyết liệt ngăn chặn suy thoái, tham nhũng
Biện pháp kê khai tài sản, kiểm soát thu nhập đối với cán bộ công chức được coi là giải pháp có ý nghĩa quan trọng trong phòng ngừa tham nhũng. Tuy nhiên, một câu hỏi được đặt ra ở đây là: kê khai tài sản tham nhũng – khó hay dễ?
Thực tế lâu nay ở Việt Nam giải pháp kê khai tài sản này chưa thực sự mang lại hiệu quả vì nhiều lý do khác nhau như: số lượng người phải kê khai tài sản nhiều nhưng việc thẩm tra xác minh lại không được các cơ quan chức năng thực hiện, trong khi chúng ta không buộc phải công khai bản kê khai này. Cán bộ công chức phải kê khai tài sản nhưng chưa buộc cán bộ có chức quyền hoạt động trong lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng kê khai tài sản nên không kiểm soát được tài sản của họ…
Theo ông Nguyễn Túc, phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, việc kê khai tài sản là cần thiết, song vấn đề phải có sự kiểm tra giám sát chặt chẽ, sự trung thực trong kê khai và kiểm soát được nguồn gốc tài sản của đối tượng kê khai.
“Việc kê khai tài sản đặt ra từ lâu nhưng chúng ta vẫn làm còn hình thức, hời hợt nên góp phần cho tham nhũng phát triển. Mình không nên làm tràn lan mà phải chú ý tăng cường giám sát kê khai và thu nhập”- ông Nguyễn Túc nói.
Bên cạnh đó, cho đến hiện nay chúng ta mới quan tâm nhiều đến việc kiểm soát kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức mà chưa thực sự quan tâm đến việc kiểm soát tài sản của những người này. Điều đó có nghĩa rằng, pháp luật mới chỉ quan tâm nhiều đến việc kê khai tài sản đi vào nề nếp, đúng pháp luật mà chưa có biện pháp để bảo đảm việc kê khai đó giúp cho Nhà nước và xã hội kiểm soát được tài sản cũng như sự biến động về tài sản của cán bộ, công chức. Qua đó phát hiện những dấu hiệu bất minh và có biện pháp ngăn chặn sự tẩu tán và cuối cùng là có thể thu hồi tài sản đó khi chứng minh được mối quan hệ của nó với hành vi tham nhũng.
Thực tế rất nhiều người sau khi trở thành cán bộ có chức, quyền thì số tài sản của họ và người thân trong gia đình cứ lớn dần lên qua năm tháng mà chúng ta không thể xử lý được mặc dù biết rõ tài sản đó có nguồn gốc từ tham nhũng.
Chưa hề có việc tài sản của những người bị coi là kê khai không trung thực được đụng đến. Những khối tài sản “sừng sững” mà dường như pháp luật đang bất lực đứng nhìn. Điều đó cho thấy, nhận định việc kê khai tài sản của chúng ta hiện nay mang nặng tính hình thức qua tổng kết Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng lãng phí và 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng, là hoàn toàn chính xác.
Hàng loạt vụ việc được điều tra và điều tra mở rộng mới đây đã hé lộ các phương thức làm thất thoát tài sản của nhà nước. Về phương án xử lý sai phạm, dư luận có thể cảm nhận rõ, sẽ không có vùng cấm, không phân biệt giữa người đương chức và người đã về hưu và thu hồi tài sản tham nhũng đã được coi là một trong những ưu tiên.
Nhiều vụ án tham nhũng với hàng ngàn tỷ đồng mà chúng ta không thu hồi được tài sản, bởi số tài sản này đã bị sang tên cho người khác trong gia đình…Ví như khối tài sản khủng của ông Phạm Sỹ Quý- Giám đốc Sở Tài nguyên môi trường tỉnh Yên Bái, rồi vụ việc bà Hồ Thị Kim Thoa- nguyên Thứ Trưởng Bộ Công Thương và người thân sở hữu hàng trăm tỷ đồng (không nằm trong kê khai tài sản) mà không xử lý họ về hành vi tham nhũng và xử lý được tài sản không chứng minh được nguồn gốc.
Nhiều chuyên gia và người dân đề nghị: Để có thể kiểm soát được thu nhập và tài sản của cán bộ có chức quyền, dự Luật phòng chống tham nhũng sửa đổi nên đưa người thân (vợ, con, bố, mẹ, anh em ruột) của cán bộ có chức quyền vào diện kê khai tài sản bắt buộc.
Công luận có ồn ã về một dinh thự khủng thuộc sở hữu của một ái nữ mới tuổi đôi mươi mà nhiều đại biểu Quốc hội đã nhắc đến đã thể hiện sự bất bình thậm chí có phần bất lực của quy định hiện hành khi họ không thuộc diện phải kê khai tài sản và như vậy cũng có nghĩa họ không có nghĩa vụ giải trình với bất cứ cơ quan nào của Nhà nước về khối tài sản đó.
Tuy nhiên, việc buộc người có chức vụ, quyền hạn kê khai những tài sản của người thân trong gia đình sẽ không khả thi khi mà tài sản đó không thuộc sở hữu của họ.
Về vấn đề này, ông Vũ Mão- nguyên Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại của Quốc Hội nêu thực tế: “Có những người rất trẻ tuổi đã có biệt phủ, rồi khối tài sản lớn, thực chất là tài sản của người bố của họ có quyền lực thu vén được, tham nhũng rồi chuyển cho con. Điều này ai cũng biết nhưng khi xử lý lại gặp khó khăn. Vì vậy nếu chúng ta có quy định về việc người than của họ phải kê khai tài sản thì chúng ta kiểm soát sự chuyển dịch tài sản của từng cá nhân trong gia đình và có cơ sở để thu hồi tài sản nếu họ không chứng minh được nguồn gốc hình thành tài sản đó”
Theo kết quả kiểm toán công tác quản lý, sử dụng đất trong năm 2018, còn nhiều hạn chế, tiềm ẩn rủi ro lãng phí, thất thoát, tham nhũng… Theo ước tính không chính thức từ nhiều chuyên gia tâm huyết, tham nhũng, thất thoát từ đất đai có thể lên tới hàng ngàn tỷ đồng, thậm chí cao hơn gấp rất nhiều lần. Đó là chưa kể, tham nhũng đất đai làm nảy sinh hàng loạt nhũng nhiễu, tiêu cực ở các khu vực khác, đặc biệt là khu vực hành chính công. Những biến tướng xấu này cần phải được loại bỏ tận gốc.
Xét từ góc độ khách quan, hệ thống văn bản pháp luật chưa đồng bộ của Việt Nam đang tạo ra tình trạng, trong mỗi trường hợp áp dụng một luật, sao cho có lợi nhất đối với người sử dụng đất, chủ yếu là đối tượng doanh nghiệp.
Không phải ngẫu nhiên, câu chuyện kê khai tài sản của cán bộ công chức luôn được đề cập khi bàn về việc phòng chống tham nhũng. Sự việc một vị quan chức dính án tham nhũng khai nhận đưa tiền hối lộ cho con gái, nhưng chính con gái vị này lại phủ nhận, buộc chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật là kẽ hở trong việc kê khai tài sản đến cả từ việc người thân của cán bộ phải kê khai tài sản thế nào.
Công tác phòng chống tham nhũng là quan trọng, việc kê khai tài sản là việc hết sức có ý nghĩa, nhưng để làm sao cho việc kê khai tài sản trở nên minh bạch, đúng với chức năng, nhiệm vụ thì còn là một chặng đường dài. Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói nhiều lần: “làm sao để người có ý định tham nhũng không thể tham nhũng được”, “phải chú ý phòng ngừa nguy cơ sai lầm về đường lối, nguy cơ bố trí sai cán bộ, lựa chọn không đúng cán bộ sẽ nguy hiểm dẫn tới hậu quả khó lường”
Hồng Đinh