+
Aa
-
like
comment

Kế hoạch chống ngập cho Sài Gòn

22/06/2020 19:10

Xây dựng hệ thống cống ngầm, nạo vét kênh rạch, kêu gọi đầu tư vào các dự án trọng điểm… là những giải pháp để TP HCM giảm số điểm ngập nước trong mùa mưa.

Ngày 22/6, trả lời PV, ông Vũ Văn Điệp, Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng) cho biết, từ đầu năm đến nay đơn vị sửa chữa hơn 219.000 m lòng cống thoát nước; nạo vét 10 tuyến kênh rạch và cửa xả với chiều dài 322 m, nạo vét hơn 8.500 hầm ga, thay 158 m cống bị hỏng.

27 trạm bơm với 58 máy bơm cố định và di động (công suất 168 m3/giờ đến 84.000 m3/giờ) luôn vận hành khi mưa lớn và xảy ra ngập.

Trung tâm cũng phân công người ứng trực tại các điểm ngập để vớt rác khơi thông dòng chảy, tăng cường nạo vét cửa xả, cống thoát nước. Tại 5 cống ngăn triều chính và 1.077 van ngăn triều nhỏ luôn có người trực đóng mở kịp thời, đảm bảo không bị kênh, hở để giảm ngập.

“Đây là những giải pháp chúng tôi thường xuyên thực hiện để giảm tối đa tình trạng ngập, ảnh hưởng đến người dân”, ông Điệp nói.

Người dân dắt xe chết máy trong cơn mưa lớn chiều 16/6 trên đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh). Ảnh: Hữu Khoa.
Người dân dắt xe chết máy trong cơn mưa lớn chiều 16/6 trên đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh). Ảnh: Hữu Khoa.

Theo Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật, công tác chống ngập của TP HCM đang có hiệu quả, đặc biệt ở khu vực trung tâm. Như cơn mưa lớn nhất từ đầu mùa chiều 16/6 (lượng mưa đo tại trạm Tân Sơn Hòa, Tân Bình đạt trên 120 mm) gây ra 19 điểm ngập nhưng sau khi mưa tạnh 16 điểm nước rút hết. Ba điểm ngập sâu (0,15-0,3 m) còn lại là gần cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh (đường Điện Biên Phủ, Bình Thạnh) và đường Phan Anh (quận Tân Phú) sau 4 tiếng nước rút hết. Ở thời điểm năm 2008, với lượng mưa 112 mm có đến 126 tuyến đường ngập nặng và phải mất 4-5 tiếng nước mới rút.

Kết quả này là do TP HCM trong nhiều năm qua đã đầu tư hàng loạt dự án chống ngập. Trong đó, kinh phí đầu tư ở giai đoạn 2016-2020 là 7.047 tỷ đồng; các dự án chống ngập theo hình thức hợp tác công tư (PPP) gần 10.000 tỷ đồng; dự án cải thiện môi trường nước giai đoạn hai khoảng  9.400 tỷ đồng. Tổng cộng nguồn vốn chống ngập giai đoạn này gần 26.000 tỷ.

Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật rất kỳ vọng dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng hoàn thành vào tháng 10 năm nay sẽ đảm bảo chống ngập trên diện tích 759 km2 với 6,5 triệu dân. Chủ đầu tư cam kết dự án có thể ngăn triều ở mức 3 m thay vì mức 1,5- 1,7 m.

Báo cáo với Thường trực UBND TP HCM mới đây, Sở Xây dựng cho hay chương trình giảm ngập nước giai đoạn 2016-2020 đã xóa sổ 25/36 tuyến đường bị ngập, đạt 69% so với chỉ tiêu đưa ra. Hàng loạt “rốn ngập” được xử lý là trên đường 3 tháng 2, Lê Hồng Phong, Bùng Binh Cây Gõ, bến xe Chợ Lớn, tỉnh lộ 13, quốc lộ 1, Hai Bà Trưng, Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải, Trần Khánh Dư, khu vực phường 17, 21, 25 thuộc quận Bình Thạnh…

Sắp tới, thành phố tiếp tục đưa ra biện pháp chống ngập ở những đường: Tân Quý, Lê Đức Thọ, Phan Anh, Bạch Đằng, Hồ Ngọc Lãm, quốc lộ 1, Ba Vân, Trương Công Định, Bàu Cát, Đặng Thị Rảnh, Dương Văn Cam, Nguyễn Hữu Cảnh, Thảo Điền, Quang Trung, Kha Vạn Cân.

Ngoài ra, thành phố triển khai 54 dự án xây dựng hệ thống thoát nước để bổ sung khoảng 92 km cống các loại và nạo vét hơn 60 km kênh rạch; thực hiện gần 1.500 công trình cải tạo, nâng cấp các tuyến hẻm, đường; khơi thông 193 tuyến kênh rạch.

UBND TP HCM đang làm việc với Ngân hàng phát triển Châu Á xem xét tài trợ dự án Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên; kêu gọi đầu tư cải tạo dự án rạch Xuyên Tâm dài 8,2 km; chuẩn bị  đầu tư các dự án cải tạo khu vực nội đô gồm Bùi Hữu Nghĩa, Văn Thánh; Bà Tiếng, Liên Xã, Ông Búp…

Hà An/VE

Bài mới
Đọc nhiều