+
Aa
-
like
comment

Kế hoạch 5 năm của Chính phủ kiến tạo đã làm đến đâu?!

05/07/2019 17:20

Hội nghị trực tuyến Chính phủ hôm 4/7 vừa qua với địa phương đã có 15 địa phương phát biểu ý kiến, số kiến nghị tại hội nghị tới 76 vấn đề, số kiến nghị từ báo cáo của 63 tỉnh, thành phố đến 367 vấn đề. 

Kế hoạch 6 tháng cuối năm và quyết tâm “về đích” vượt chỉ tiêu kế hoạch 5 năm

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, đây là phiên họp rất quan trọng nhằm đánh giá kết quả 6 tháng đầu năm, tình hình triển khai Nghị quyết 01, 02 của Chính phủ.

Đánh giá tình hình kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm, Thủ tướng cho rằng có 6 điểm sáng, mặt được chủ yếu. Đó là GDP của quý 2 và 6 tháng tăng trưởng chưa phải cao, tuy nhiên so với các thời kỳ trước, vẫn là kết quả đáng ghi nhận trong bối cảnh tình hình thế giới có diễn biến bất lợi. Con số tăng trưởng GDP 6,76% là kết quả khả quan, trong đó ngành chế biến chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng chính.

Thứ hai là môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện, được các tổ chức đánh giá cao. Thứ ba, chính sách tài khóa, tiền tệ, giá cả tiếp tục được điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ, góp phần kiểm soát lạm phát. Thứ tư, thu chi ngân sách diễn biến theo hướng tích cực, lần đầu tiên có số thu 6 tháng đầu năm đạt trên 53% so với dự toán. Thứ năm, các cân đối lớn và ổn định kinh tế vĩ mô được bảo đảm trong bối cảnh thị trường quốc tế nhiều biến động. Thứ sáu, hội nhập quốc tế và đối ngoại đạt nhiều kết quả quan trọng. Đây là cơ hội lớn cho chúng ta, vấn đề là chúng ta làm gì, nội lực thế nào để tận dụng cơ hội này, Thủ tướng nêu vấn đề.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 đầu năm 2019.

Người đứng đầu Chính phủ cũng chỉ ra các rủi ro, thách thức, tồn tại cần lưu ý thời gian tới mà đầu tiên là rủi ro, thách thức từ bên ngoài như kinh tế thế giới nhạy cảm, nhiều rủi ro. Các động lực tăng trưởng chính đang có dấu hiệu chậm lại. Áp lực lạm phát còn hiện hữu. Các hiện tượng thời tiết cực đoan ảnh hưởng tiêu cực đến nông nghiệp. Giải ngân vốn đầu tư công, vốn ODA tiếp tục là điểm nghẽn. Vì vậy, “tất cả Bộ trưởng, Chủ tịch, cơ quan thuộc Chính phủ đều phải kiểm điểm việc này và sẽ có chế tài nghiêm để xử lý vấn đề giải ngân”. Nêu rủi ro từ căng thẳng thương mại Mỹ – Trung, Thủ tướng cho rằng cần theo dõi, phối hợp, có động thái chính sách nhằm hạn chế tối đa rủi ro. Thủ tướng cho biết ông vừa ký “Đề án tăng cường quản lý Nhà nước về chống lảng tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ”. Các bộ, cơ quan liên quan cần cương quyết xử lý vi phạm.

Từ các phân tích trên, Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm chỉ đạo điều hành nhất quán của Chính phủ: Kiên quyết không lùi bước trước khó khăn, thách thức, kiên định với mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, phát huy hơn nữa tinh thần vượt khó, đổi mới sáng tạo, chủ động, linh hoạt thích ứng với tình hình.

Để quyết tâm phấn đấu hoàn thành toàn diện kế hoạch 2019 của cả nước, của từng bộ, ngành, địa phương, góp phần thực hiện thành công kế hoạch 5 năm 2016-2020. Thủ tướng nhấn mạnh: “Cho nên, dứt khoát không có chuyện điều chỉnh bất cứ một chỉ tiêu nào đã giao cho các đồng chí”.

Thủ tướng quyết tâm phấn đấu năm 2019 đạt tăng trưởng kinh tế 6,6-68% so với năm 2018. Tập trung ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi. Thủ tướng hoan nghênh kết quả bước đầu trong nghiên cứu vaccine phòng chống dịch này.

Ngoài ra, Thủ tướng còn lưu ý không chỉ lo tăng trưởng kinh tế, phát triển môi trường xã hội, mà còn phải lo cả vấn đề môi trường, đặc biệt là vấn đề xã hội, đảm bảo tam giác phát triển kinh tế – xã hội – môi trường.

Từ xây dựng Chính phủ kiến tạo đến phấn đấu chỉ tiêu kế hoạch 5 năm

Quyết tâm phấn đấu hoàn thành toàn diện kế hoạch 2019 của cả nước, của từng bộ, ngành, địa phương, góp phần thực hiện thành công kế hoạch 5 năm (2016 – 2020). Là những gì mà Thủ tướng đã nhấn mạnh trong buổi họp trực tuyến với các địa phương trong thời gian vừa qua.

Kế hoạch 5 năm (2016 – 2020) để thực hiện thành công, thì 5 năm trước, sau khi đảm nhận chức vụ Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã bắt tay vào xây dựng một Chính phủ kiến tạo, liêm chính.

Đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV tại Quốc hội, Chính phủ đã nói đến khái niệm “Chính phủ kiến tạo”, một bước phát triển cả về tư duy lý luận, đến những hành động mới mang tính mạnh mẽ, dứt khoát. “Chính phủ kiến tạo” trong suốt 5 năm qua đó không phải chỉ là một “phát ngôn ấn tượng”, mà thực sự đã được xây dựng thành hành động hướng tới vì lợi ích chung của người dân.

Khi luận bàn về một Chính phủ kiến tạo, đã không ít những câu hỏi, sự hoài nghi về việc liệu rằng có thành công. Nhưng kết quả của việc đạt và vượt toàn bộ 12 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó 3 chỉ tiêu đạt và 9 chỉ tiêu vượt các tiêu chí Quốc hội đề ra trong năm 2018 trên mọi lĩnh vực là kết quả là một dấu hiệu ấn tượng.

Cụ thể, thì trong năm 2018, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 7,08%, cao nhất trong 10 năm qua, thuộc nhóm các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao nhất khu vực và thế giới. GDP bình quân đầu người đạt 2.590 USD.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực. Chất lượng tăng trưởng được cải thiện, đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đạt 45,2% (bình quân 3 năm 2016 – 2018 là 43,29%, vượt mục tiêu kế hoạch 5 năm đề ra là 30 – 35%); năng suất lao động tăng gần 6%; hiệu suất sử dụng vốn đầu tư tăng (chỉ số ICOR giảm từ 6,42 năm 2016 còn 5,97 năm 2018). Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện đạt 19,1 tỷ USD, tăng 9,1%.

Với những con số ấn tượng của nền kinh tế trong năm 2018 năm bản lề của kế hoạch 5 năm và với những quyết tâm “về đích” kế hoạch của năm 2019, góp phần thực hiện thành công kế hoạch 5 năm 2016 – 2020. Đây được xem là một trong những vấn đề nhân dân đặc biệt quan tâm.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tạo ấn tượng với những thông điệp và hành động.

Trong suốt hơn 4 năm qua, khi xây dựng Chính phủ kiến tạo, nhân dân thấy được một người đứng đầu thực sự là hành động vì dân, là người công bộc của nhân dân. Ở các vùng kinh tế dù khó khăn hay đang bứt phá phát triển đều có những chuyến thăm, làm việc với địa phương để cùng tìm ra phương án tháo gỡ khó khăn, mở rộng cơ chế cho phát triển. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng được xem là thủ tướng “vi hành” nhiều nhất, ăn cơm với công nhân Đồng Nai, thăm khu nhà trọ của công nhân Hà Nam, vi hành chợ Đồng Xuân lúc 3, 4h sáng; thủ tướng chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp Hải Phòng khi “kêu cứu”,…

Một Chính phủ kiến tạo là một chính phủ vì dân, xây dựng nền hành chính có sự tính thống nhất và thông suốt của nền hành chính quốc gia từ trung ương đến địa phương, ngăn chặn tình trạng “trên nóng dưới lạnh”.

Còn nhớ, năm 1946 khi Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa vừa mới được thành lập, Chính phủ đã đưa ra lời tuyên ngôn mạnh mẽ với 2 nhiệm vụ trong và ngoài cần phải đạt được, đó là: “quyết tâm đi vào mục đích trong thì kiến thiết, ngoài thì tranh thủ độc lập và thống nhất của nước nhà”.

Xuyên suốt quá trình tồn tại của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ 1946 đến 1969, Việt Nam thực sự có được một Chính phủ thật sự hành động vì nhân dân dân. Ngày hôm nay, Chính phủ kiến tạo được nội hàm trong khái niệm và hành động theo một thể thống nhất.

Sự phát triển kinh tế dưới một bộ máy kiến tạo, liêm chính, hành động của 5 năm qua chính là dấu hiệu cho thấy sự bứt phá mà nhân dân Việt Nam đang mong muốn xây dựng, hướng tới. Từ cảm hứng toàn thể đồng bào cùng chung tay với chính phủ hành động, xây dựng đất nước giành độc lập, vượt lên trên chiến tranh. Đến giai đoạn Chính phủ kiến tạo trong thời đại mới, một nền kinh tế bứt phát thành công vượt ra khỏi nhóm quốc gia có thu nhập trung bình thấp, để vươn lên và thành con rồng, con hổ của khu vực là điều hoàn toàn có thể.

(Theo Bút Danh)

Bài mới
Đọc nhiều