JP Morgan: Thuế mới của Mỹ sẽ là phép thử liều cao với TQ, 40% nguy cơ kinh tế toàn cầu suy thoái trong 9 tháng tới
Đây là nhận định của chuyên gia kinh tế trưởng kiêm người đứng đầu bộ phận nghiên cứu toàn cầu của JP Morgan.
Khoản thuế mới mà Mỹ nhằm vào hàng hóa Trung Quốc có thể là một đòn đánh mạnh khác với nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Hiện tại, các nhà quan sát chưa thể xác định Bắc Kinh có thể làm những gì để thúc đẩy nền kinh tế của mình.
Kể từ khi cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc nổ ra hơn 1 năm trước, nhà chức trách Trung Quốc đã sử dụng cả chính sách tiền tệ và tài khóa để giảm đến mức tối thiểu những thiệt hại do thuế quan Mỹ đem lại. Những biện pháp này đã hiệu quả ở một số mức độ nhất định, Bruce Kasman, chuyên gia kinh tế trưởng và chánh văn phòng nghiên cứu kinh tế toàn cầu, cho biết.
“Tôi nghĩ rằng rất đáng khích lệ khi thấy họ chuyển biến trên nhiều mặt trận. Chúng cũng mang đến những chuyển biến rõ ràng với nền kinh tế. Tuy nhiên, những gì sắp xảy ra có thể khiến tình hình trở nên phức tạp hơn”, Kasman cho biết.
Hồi đầu tháng 8, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ đánh thuế 10% với 300 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu còn lại từ Trung Quốc vào ngày 1/9. Tuy nhiên, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ sau đó đã loại bỏ một số mặt hàng khỏi danh mục chịu thuế và gia hạn thời gian đánh thuế đến ngày 15/12 với một số sản phẩm khác.
Các chuyên gia kinh tế đều cho rằng thuế quan của Mỹ sẽ làm tổn thương nền kinh tế Trung Quốc. Tăng trưởng của Trung Quốc đang chậm lại với mức tăng trưởng GDP chỉ đạt 6,2% trong quý 2, mức thấp nhất trong 27 năm qua. Chính vì vậy, các biện pháp thuế quan của Mỹ sẽ là thuốc thử liều cao với các chính sách thúc đẩy kinh tế của Bắc Kinh.
Thuế quan không chỉ ảnh hưởng tới riêng mình Trung Quốc. Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung Quốc leo thang làm chậm tốc độ tăng trưởng ở nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới nói riêng và cả châu Á nói chung. Đây sẽ là một trong những rủi ro lớn nhất với tăng trưởng toàn cầu trong thời gian tới.
Theo Kasman, những căng thẳng với kinh tế toàn cầu chắc chắn sẽ làm ảnh hưởng tới kinh tế Mỹ dù ông Trump có muốn hay không.
Chính những mối đe dọa từ bên ngoài đã buộc Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) phải cắt giảm lãi suất trong tháng 7. Các nhà đầu tư cũng liên tục bày tỏ quan ngại về một cuộc suy thoái tiềm năng. Kasman cho rằng, 40% nguy cơ kinh tế toàn cầu sẽ suy thoái trong 6 đến 9 tháng tới.
“Tôi nghĩ rằng chúng ta đang đứng trước nguy cơ suy thoái cao. Theo tôi, lý do là bởi chúng ta đang chứng kiến sự gia tăng của các lực cản trong nền kinh tế toàn cầu: Niềm tin kinh doanh liên tiếp sụt giảm vì những quan ngại địa chính trị, đặc biệt là xung đột thương mại Mỹ – Trung Quốc”, Kasman cho hay.
(Linh Anh/Soha News)