+
Aa
-
like
comment

Jerusalem Post: Việt Nam! Ngôi sao sáng trên bầu trời Châu Á

Bảo Trâm - 31/08/2020 10:41

Ngày 30/8, trang Jerusalem (trang báo chính thống Israel) đã có bài viết của tác giả LEO GIOSUÈ mang tên “Vietnam: A Bright Star in Asia” (Việt Nam! Ngôi sao sáng trên bầu trời Châu Á) nhằm khen ngợi đường lối đối ngoại, cũng như đánh giá cao những thành tựu ngoại giao và kinh tế Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám (19/8) và Ngày Quốc khánh Việt Nam (2/9).

Bài viết trên trang báo

Mở đầu bài viết, trang Jerusalem đã đánh giá cao việc Việt Nam thực hiện chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, mở cửa, đa phương hóa và đa dạng hóa quan hệ đối ngoại và tích cực hội nhập quốc tế. Chính sách này đã giúp Việt Nam thiết lập được mạng lưới 30 đối tác chiến lược và đối tác toàn diện, tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP). Theo đó, hiệp định tự do thương mại thế hệ mới nhất trên thế giới này giúp hạn ngạch xuất khẩu của Việt Nam tới các nước thành viên như Nhật Bản, Canada và Mexico tăng mạnh so với năm 2018.

Bài viết cũng nhắc lại sự kiện nổi bật vào năm 2019, mở ra kỷ nguyên kinh tế mới cho Việt Nam: ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) với Liên minh châu Âu (EU) và Hiệp định bảo vệ đầu tư với EU (EVIPA), kết thúc đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Đến ngày 8/6, Quốc hội Việt Nam đã thông qua EVFTA và EVIPA. EVFTA được chính thức ký vào tháng 6/2019 sau 6 năm đàm phán và được Ủy ban châu Âu đánh giá là FTA “tham vọng nhất” mà EU từng ký với một quốc gia đang phát triển.

Hình ảnh lễ ký kết Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP)

Tờ Jerusalem Post nhấn mạnh rằng, Việt Nam và Mỹ đã vượt qua thù hận trong quá khứ để bình thường hóa quan hệ vào năm 1995. Năm 2000, ông Bill Clinton trở thành Tổng thống Mỹ đầu tiên thăm Việt Nam sau khi kết thúc chiến tranh. Tháng 6/2005, Thủ tướng Phan Văn Khải gặp Tổng thống George W.Bush tại Nhà Trắng, đánh dấu nhà lãnh đạo Việt Nam đầu tiên thăm Mỹ sau chiến tranh. Việt Nam và Mỹ hiện là đối tác toàn diện.

Lễ ký kết Hiệp định EVFTA

Từ đó, thương mại song phương Mỹ-Việt tăng từ 450 triệu USD năm 1994 lên 77 tỷ USD năm 2019. Trong nhiều năm, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, trong khi Việt Nam là một trong những thị trường tăng trưởng nhanh nhất của Mỹ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Mỹ Donald Trump

Về kinh tế, bài viết trên Jerusalem Post dẫn lại các dự báo của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng thế giới (WB) dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng tích cực trong năm 2020, lần lượt là 2,7% và 4,9%, bất chấp dịch bệnh COVID-19 bùng phát trên toàn cầu. Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng trên 5%.

Bài viết đánh giá rằng nếu thực hiện được mục tiêu tăng trưởng trên, Việt Nam sẽ bảo vệ được vị thế là nền kinh tế tăng trưởng nhất của Đông Nam Á, cũng giống như việc Việt Nam là quốc gia đầu tiên trong khu vực vượt qua được Covid-19.

Theo Jerusalem Post, những nền tảng kinh tế chắc chắn sẽ cho phép kinh tế Việt Nam tăng trưởng trở lại trong năm 2021. Hiện nay, Việt Nam đang có vị thế tốt để thu hút chuỗi cung ứng toàn cầu. Những tập đoàn khổng lồ như Samsung, LG, Intel đều đã thành lập nhà máy sản xuất tại Việt Nam.

Kết bài, trang Jerusalem cho rằng chỉ sau 75 năm, nhờ có những đường lối đứng đắn, tiến hành ngoại nhập tốt mà tương lai tới đây “Việt Nam chính là ngôi sao sáng chói nhất Châu Á”.

Bảo Trâm (Lược dịch theo Jerusalem Post)

Bài mới
Đọc nhiều