+
Aa
-
like
comment

JD SUPRA đánh giá gì về quan hệ thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ?

Lan Hoa - 15/04/2022 12:41

Cách đây một phần tư thế kỷ, vào ngày 11/7/1995, cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã tuyên bố trạng thái bình thường hóa và chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Không ai có thể ngờ rằng, từ hai “cựu thù”, đến ngày hôm nay hai nước đã khép lại quá khứ đau thương, vượt qua rất nhiều khó khăn thử thách để trở thành những đối tác thương mại hàng đầu của nhau trong lĩnh vực kinh tế.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và cựu Tổng thống Donald Trump trong chuyến thăm Việt Nam.

Mới đây, Việt Nam rất vinh dự khi được JD SUPRA – trang thư viện tài liệu nổi tiếng uy tín trên thế giới – đăng tải một phần quá trình hình thành và phát triển mối quan hệ thương mại kinh tế Việt Nam – Hoa Kỳ. Chúng ta cùng nhìn lại quãng thời gian này dưới ngòi bút của báo chí quốc tế, để đưa ra cái nhìn toàn diện và định hướng được sự phát triển cho mối quan hệ này trong tương lai sắp tới.

Ngược dòng thời gian, quan hệ thương mại kinh tế Việt Nam – Hoa Kỳ bắt đầu được xây dựng chính thức từ năm 2001, khi cả hai nước cùng ký Hiệp định Thương mại song phương (BTA) và Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2007.

Trong năm 2001, Việt Nam lần đầu tiên đạt mức tăng trưởng GDP bình quân trên 6% / năm nhờ đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực sản xuất. Đây chính là tiền để xúc tiến các hoạt động xuất khẩu sang thị trường khó tính như Hoa Kỳ. Đến thời điểm tháng 3/2022, Hoa Kỳ đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, trong khi Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 9 của Hoa Kỳ.

Quan hệ kinh tế Việt Nam – Hoa Kỳ dưới thời tổng thống Donald Trump được đánh giá theo hướng tích cực

Ngày 6/7/2018, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức “khởi động” cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc. Cuộc chiến này đã để lại rất nhiều hệ lụy và ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế của nhiều quốc gia. Tuy nhiên, Việt Nam lại là quốc gia ngoại lệ khi được hưởng lợi về kinh tế từ cuộc chiến tranh này. Theo số liệu thống kê, thặng dư thương mại hàng hóa của Việt Nam với Hoa Kỳ đã tăng từ 31,98 tỷ USD năm 2016 lên 39,49 tỷ USD vào năm 2018 và tăng 39% vào năm 2019. Người Mỹ đã mua hàng Việt nhiều hơn do hàng hóa của Trung Quốc bị áp thuế quá cao.

Nhưng điều này lại mâu thuẫn với các chính sách thương mại phát triển sản xuất hàng tiêu dùng trong nước của ông Trump. Nhận ra điều bất ổn, Hoa Kỳ đã ngay lập tức đưa Việt Nam vào danh sách giám sát về thao túng tiền tệ. Cựu Tổng thống Donald Trump đã gọi Việt Nam là “kẻ lạm dụng tồi tệ nhất đối với mọi người” tại hội nghị thượng đỉnh G20 năm 2019 ở Nhật Bản. May mắn thay, chỉ 6 tháng sau đó, USTR đã quyết định ngừng thực hiện thuế quan đối với hàng hóa của Việt Nam. Bộ Tài chính Hoa Kỳ cũng đã loại bỏ cụm từ “thao túng tiền tệ khỏi Việt Nam” như bước ngoặt cho thấy mối quan hệ kinh tế giữa hai nước đang dần tăng cao, phá bỏ mọi rào cản.

Quan hệ kinh tế Việt Nam – Hoa Kỳ dưới thời tổng thống Joe Biden có dấu hiệu chững lại

Tổng thống Joe Biden nhậm chức vào ngày 20/1/2021, kế nhiệm cựu Tổng thống Donald Trump. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, quan hệ kinh tế thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ có dấu hiệu bị chững lại. Trong khi nền kinh tế Mỹ đã được khôi phục gần như hoàn toàn vào năm ngoái thì hiện tại Việt Nam mới đang bắt đầu thực hiện các chính sách để phục hồi lại hoạt động sản xuất kinh tế. Thời gian gần đây, Mỹ đã không nhắc đến Việt Nam khi đề cập các vấn đề về Biển Đông, quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ cũng không còn nằm trong các chương trình nghị sự của chính quyền Biden trong bối cảnh đại dịch toàn Covid-19 còn đang diễn ra rất phức tạp.

Để đảm bảo an toàn, hàng loạt những những gã khổng lồ công nghệ lớn của Mỹ như Apple, Intel… có cơ sở sản xuất linh kiện tại Việt Nam đã yêu cầu công nhân của họ phải chịu sự kiểm tra nghiêm ngặt về chống Covid-19, hoặc buộc phải tiêm chủng sớm hơn phần còn lại của dân số Việt Nam. Rõ ràng, những hãng này muốn đảm bảo rằng linh kiện điện thoại của họ tiếp tục phải được phân phối đúng thời hạn đến khách hàng hoăc chuỗi cung ứng của họ sẽ bị trì hoãn vô thời hạn và phải gánh chịu hậu quả khôn lường.

Những thay đổi lớn trong thói quen của người tiêu dùng trong và sau đại dịch cũng tác động đến sản lượng hàng hóa nhập khẩu của Hoa Kỳ. Do gặp khó khăn trong việc tìm bến bãi, hàng loạt container đi vào hai bến cảng Los Angeles và Long Beach bị tắc nghẽn nghiêm trọng. Từ đây, quá trình xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Hoa Kỳ cũng bị gián đoạn và gặp rất nhiều khó khăn. Vào giữa tháng 10/2021, để xoa dịu cuộc khủng hoảng về chuỗi cung ứng vận tải, Tổng thống Biden đã phải kêu gọi các công ty tư nhân chủ động giải quyết vấn đề tắc nghẽn để khơi thông dòng phương tiện tại đây, kịp thời giải quyết nhu cầu của người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Điều kiện tự nhiên thuận lợi sẽ là yếu tố thúc đẩy quan kệ kinh tế Việt Nam – Hoa Kỳ phát triển hơn nữa trong thời gian sắp tới

Bất chấp những khó khăn của đại dịch Covid-19, Ngân hàng thế giới vẫn dự đoán GDP Việt Nam sẽ tăng lên 5,3% trong năm 2022. Như thế, Việt Nam chính là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới do tính chất ổn dịnh của nền kinh tế và các chính sách phát triển của chính phủ. Theo Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (EVIPA) đã được Quốc hội Việt Nam thông qua vào ngày 8/6/2020, 48% tổng sản lượng xuất khẩu của Việt Nam, chủ yếu là linh kiện điện tử, dệt may, da giày và phụ tùng ô tô sẽ là dành cho thị trường Mỹ.

Không có gì ngạc nhiên khi máy móc và thiết bị điện tử hiện đang là mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam sang Mỹ và cũng là mặt hàng xuất khẩu số 1 của Việt Nam trên toàn thế giới. Mới đây, Vinfast – hãng xe điện lớn nhất của Việt Nam đã ký kết ghi nhớ về việc xây dựng nhà máy với mức đầu tư 2 tỷ USD tại Mỹ. Nếu Vinfast cạnh tranh thành công trên thị trường ô tô tại Hoa Kỳ, việc này sẽ tăng cường hơn nữa mối quan hệ thương mại kinh tế giữa hai quốc gia. Chỉ có thời gian mới trả lời được những gì sẽ diễn ra với kinh tế của hai nước sau đại dịch, nhưng với tình hình này, chúng ta vẫn có cơ sở để hy vọng quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ sẽ vẫn duy trì tốt đẹp và phát triển hơn trước nữa.

Với việc mở rộng thị trường sản xuất xe điện theo hướng thân thiện với môi trường, Việt Nam đã thực hiện Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) mà Thủ tướng Phạm Minh Chính tuyên bố vào tháng 11/2021. Trong bài phát biểu, ông cho rằng Việt Nam có mọi đầy đủ lý do để lo ngại về biến đổi khí hậu, vì 13,2% kim ngạch xuất khẩu có sự góp mặt của ngành nông nghiệp.

Hoạt động sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam chủ yếu diễn ra ở các vùng đất thấp ven biển và đồng bằng, nơi dễ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu. Đặc biệt, lúa gạo là loại nông sản được trồng nhiều nhất ở đồng bằng sông Hồng và Sông Cửu Long. Đây là loại nông sản quan trọng nhất đối với nguồn cung cấp lương thực trong nước và giữ vị trí hàng đầu trong kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Về mặt địa lý, Việt Nam là nước có đường bờ biển dài và rộng, vùng biển Việt Nam nằm tại khu vực có tốc độ phát triển kinh tế cao và là cầu nối giữa nhiều cường quốc kinh tế lớn trên thế giới. Đây là những điều kiện thuận lợi để Việt Nam phát triển ngành hàng hải, công nghiệp tàu thủy và logistics, nhất là khi có tới 114 cửa sông, 52 vịnh nước sâu ven bờ miền Trung và hơn 100 vị trí có thể xây dựng các cảng biển lớn. Đây cũng là tiền để để chính quyền của ông Biden nhìn nhận và đánh giá tiềm năng phát triển kinh tế biển của Việt Nam trong thời gian sắp tới.

Lan Hoa (Theo JD SUPRA)

Bài mới
Đọc nhiều