Jakarta, thủ đô chìm nhanh nhất thế giới

Theo các nghiên cứu mới nhất, Jakarta, thủ đô Indonesia đang là một trong những đô thị chìm nhanh nhất thế giới. Thành phố này đang chìm dần và có nguy cơ biến mất trong vài thập kỷ tới. Vậy câu hỏi đặt ra “Tại sao, nguyên do nào khiến Jarkarta chìm nhanh?”.

Theo các chuyên gia tại Viện Công nghệ Bandung, hơn 95% phần lãnh thổ phía bắc Jakarta sẽ bị nhấn chìm vào năm 2050. Tất cả bởi vì người dân tiếp tục khai thác nước ngầm trong khi nước bề mặt ô nhiễm nặng còn nguồn cung nước máy không đảm bảo.

Theo CNA, việc khai thác nước ngầm quá mức là nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng sụt lún đất. Tại Jakarta, nơi chủ yếu nằm trên nền đất và trầm tích lỏng lẻo với độ liên kết kém, việc khai thác nước ngầm đang khiến thành phố chìm dần với tốc độ lên tới 26 cm mỗi năm, khiến thủ đô Indonesia trở thành một trong những siêu đô thị chìm nhanh nhất trên thế giới.

Chúng ta biết rằng biến đổi khí hậu làm tăng nhiệt độ trung bình của toàn bộ hành tinh do sự nóng lên toàn cầu. Nhiều thập kỷ cạn kiệt nhiên liệu hóa thạch và sử dụng quá mức nguồn cung cấp nước dưới đất, cũng như mực nước biển dâng cao và các kiểu thời tiết đang ngày càng tạo ra một vết lõm ở các khu vực ven biển. Có vẻ như các khu vực khác nhau ở phía đông Jakarta đang bắt đầu biến mất do mực nước biển dâng cao.

Theo các nghiên cứu, Bắc Jakarta đã chìm 2,5m trong 10 năm và đang tiếp tục chìm sâu thêm 25cm mỗi năm ở một số nơi, cao hơn gấp đôi mức trung bình toàn cầu với các siêu đô thị ven biển.

Phần còn lại của Jakarta cũng đang chìm, mặc dù với tốc độ chậm hơn. Ở phía Tây Jakarta, mặt đất bị chìm khoảng 15cm mỗi năm, khoảng 10cm ở phía Đông, 2cm ở miền Trung Jakarta và 1cm ở Nam Jakarta. Các thành phố ven biển trên toàn thế giới bị ảnh hưởng do mực nước biển dâng cao và do biến đổi khí hậu gây ra.

Mực nước biển dâng cao xảy ra do sự giãn nở nhiệt – nước mở rộng do nhiệt thừa – và sự tan chảy của băng cực. Tuy nhiên, tốc độ mà Jakarta đang chìm, theo các chuyên gia, là đáng báo động. Nguyên nhân một phần là do người dân khai thác quá mức nguồn nước ngầm.

Ngày nay, hơn 90% khu vực ven biển của Jakarta nằm dưới mực nước biển, khiến thành phố dễ bị ngập lụt ven biển. Sông ngòi cũng không thể xả nước ra biển nếu không có sự trợ giúp của các trạm bơm lớn, làm trầm trọng thêm những trận lũ lụt ở thành phố, ảnh hưởng đến hàng nghìn cư dân mỗi năm.

Dù chính quyền thành phố đã nghĩ ra các giải pháp kỹ thuật và pháp lý, nhưng việc giải quyết vấn đề khai thác nước ngầm dường như nói dễ hơn làm.

“Người dân đã đào giếng và khai thác nước ngầm trong nhiều thế hệ ở Indonesia. Thật khó để thay đổi hành vi này. Thật khó để làm cho họ hiểu được hậu quả của việc này, vì (sụt lún đất) xảy ra dần dần trong suốt nhiều năm”, Nila Ardhianie, nghiên cứu về nước tại Viện Amrta, nói.

Theo dữ liệu từ công ty phân phối nước máy PAM Jaya của thành phố, chỉ có 900.000 ngôi nhà, văn phòng và nhà máy tiếp cận được với nước máy. Phần còn lại trong số 11 triệu dân Jakarta không có lựa chọn nào khác ngoài việc dựa vào nguồn nước ngầm.

Tuy nhiên, những vùng nước này bị ô nhiễm nặng do chất thải công nghiệp và sinh hoạt, khiến nước ngọt bề mặt không an toàn.

Theo một nghiên cứu năm 2019 do Cơ quan Môi trường Jakarta thực hiện, 96% nước từ các con sông ở thủ đô bị ô nhiễm nghiêm trọng do chất thải rắn, kim loại nặng và vi khuẩn.

Chính quyền địa phương gần đây mới thừa nhận những ảnh hưởng tiêu cực của việc khai thác nước ngầm bất hợp pháp. Và đã bắt đầu có những đợt kiểm tra việc khai thác nước ngầm ở Jakarta. Nhưng… biện pháp thật sự để giải quyết vấn đề từ gốc rễ vẫn là vấn đề còn bỏ ngõ.

Không chỉ Jakarta đang chìm mà còn có các trung tâm đô thị khác. Trên khắp thế giới có những thành phố ven biển có mức độ dễ bị tổn thương cao trước các vấn đề về mực nước biển và biến đổi khí hậu. Ít nhất 33 thành phố đang giảm hơn 1 cm mỗi năm, gấp 5 lần tốc độ mực nước biển dâng, dựa trên những ước tính gần đây về mực nước biển dâng toàn cầu.

Các thành phố khác nhau, từ Venice và Thượng Hải, đến New Orleans và Bangkok, Amsterdam cũng đang có nguy cơ bị xóa sổ. Thực chất, ngay cả những quốc gia ở những địa điểm thấp nhất thế giới so với mực nước biển cũng sẽ chịu tình cảnh tương tự vào năm 2100, nếu khí hậu toàn cầu vẫn nóng lên từng ngày.

Tất cả những điều trên đều cho thấy rằng biến đổi khí hậu đã và đang diễn ra thường xuyên và ngày càng trầm trọng hơn. Chúng ta không thể trì hoãn những hành động thực tế chống biến đổi khí hậu, giảm phát thải nhà kính.

Thực hiện: Bảo Trâm

Đồ họa: M.N