+
Aa
-
like
comment

Jakarta Globe nhận định Việt Nam sẽ là cường quốc kỹ thuật số tiếp theo của Đông Nam Á

Bảo Trâm - 08/11/2021 10:21

Trang Jakarta Globe vừa có bài viết với tiêu đề “Vietnam: Southeast Asia’s Next Digital Powerhouse” (Việt Nam: Cường quốc kỹ thuật số tiếp theo tại Đông Nam Á), với những phân tích và nhận định rằng Việt Nam có nhiều dư địa để trở thành cường quốc kinh tế số tiếp theo ở Đông Nam Á.

Theo Jakarta Globe, những năm gần đây, Việt Nam đã trở thành “ngôi sao mới nổi” ở Đông Nam Á, khi trải qua quá trình chuyển đổi kinh tế mạnh mẽ để trở thành một trong những quốc gia có tốc độ phát triển nhanh nhất trên thế giới.

Hơn nữa, môi trường kinh tế thuận lợi cũng đã giúp Việt Nam thúc đẩy phát triển nền kinh tế số, cũng như xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp ngày một mở rộng mạnh mẽ.

Dù chịu ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19, nhưng Việt Nam đã củng cố các xu hướng kỹ thuật số, từng bước đưa vị thế của Việt Nam trở thành cường quốc kinh tế số tiếp theo của Đông Nam Á, trang Jakarta Globe nhận định.

Nhìn lại quá trình phát triển kể từ khi Việt Nam bắt đầu công cuộc Đổi mới và mở cửa nền kinh tế vào năm 1986, Việt Nam đã có những bước phát triển nhanh chóng. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), năm 2020, Việt Nam hiện có hơn 7455 công ty niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán, chiếm 68,6% tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Landmark81
Tính lại GDP cho gần thực tế hơn sẽ giúp chính phủ xây dựng các chính sách, các chiến lược kinh tế phù hợp hơn, giúp các tổ chức quốc tế so sánh các quốc gia đúng hơn, giúp các nhà đầu tư quốc tế thuận lợi hơn trong các quyết định đầu tư, thương mại

Ngoài ra, trong 35 năm qua, nền kinh tế Việt Nam cũng đã phát triển mạnh và thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Việt Nam nằm trong top 5 quốc gia phát triển nhanh nhất thế giới trong 30 năm qua, vượt qua các nước láng giềng, trang Jakarta Globe cho biết.

Từ năm 2009 đến 2019, trung bình GDP của Việt Nam tăng trưởng 7% mỗi năm. Năm 2020, Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên thế giới ghi nhận mức tăng trưởng GDP dương, đạt 2,9%. GDP bình quân đầu người của Việt Nam tăng lên 2.800 USD từ mức 422 USD năm 1986.

Nhìn sâu hơn, Việt Nam đã và đang chuyển hướng từ nền kinh tế phụ thuộc phần lớn vào nông nghiệp sang hướng công nghiệp và dịch vụ, hiện chiếm khoảng 75% GDP của cả nước.

Hơn nữa, trang Jakarta Globe còn cho rằng Việt Nam chính là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài. Hầu hết các doanh nghiệp toàn cầu đều bị thu hút với thị trường này nhờ chi phí lao động thấp và tỷ giá hối đoái ổn định. Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam luôn cố gắng giữ mức lạm phát dưới 4%.

Việt Nam còn được vinh danh là một trong 20 nền kinh tế thu hút FDI hàng đầu thế giới, với dòng vốn đầu tư 16 tỷ USD, vượt qua các nước trong khu vực, chỉ xếp sau Singapore và Indonesia. Năm 2021, bất chấp những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, vốn FDI vẫn tăng trưởng 22% so với cùng kỳ.

Nhìn chung, những yếu tố này đã thúc đẩy xuất khẩu tăng trưởng mạnh mẽ. Trong thập niên qua, tổng giá trị xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước tăng 137%, trong khi của các công ty nước ngoài tăng 422%, trang Jakarta Globe nhận định.

Theo Jakarta Globe, trong tương lai, nền kinh tế số được kỳ vọng sẽ đóng một vai trò không thể thiếu trong việc duy trì đà tăng trưởng của đất nước. Ngay cả khi còn ở giai đoạn sơ khai, nền kinh tế số của Việt Nam đang thể hiện tiềm năng to lớn, bởi những lý do sau.

Thứ nhất, Chính phủ Việt Nam rất quan tâm, ủng hộ và nỗ lực đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số. Thừa nhận tầm quan trọng của nền kinh tế số, chính phủ đưa ra nhiều sáng kiến để khuyến khích tăng trưởng trong lĩnh vực này.

Năm 2020, Thủ tướng chính phủ ban hành quyết định số 749/QĐ-TTg, phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Quyết định có những mục tiêu cụ thể như cải thiện cơ sở hạ tầng Internet, dịch vụ 5G, số hóa chính phủ và ứng dụng công nghệ cho các lĩnh vực kinh tế – xã hội.

Đến năm 2030, kinh tế số được dự đoán sẽ chiếm 30% GDP của Việt Nam.

Thứ hai, Việt Nam là quốc gia có xu hướng công dân thạo kỹ thuật số gia tăng mạnh mẽ.

Theo số liệu, Việt Nam có 63,1 triệu điện thoại thông minh đang được sử dụng, nằm trong top 10 quốc gia có số lượng smartphone nhiều nhất thế giới. Tuy nhiên, tỷ lệ thâm nhập kỹ thuật số tại đây vẫn đang đứng sau một số nước trong khu vực, với 73%.

Do phần lớn dân số còn trẻ và trong độ tuổi lao động, người tiêu dùng Việt Nam hiểu biết về công nghệ cũng sẽ dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ trực tuyến như mạng xã hội, thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt. Vì vậy, Việt Nam được kỳ vòng sẽ sớm bắt kịp các quốc gia khác trong khu vực, định hình sự phát triển và hướng đi của nền kinh tế số.

Thứ ba, mặc cho những tác động tiêu cực, đại dịch Covid-19 đã giúp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của đất nước. Covid-19 buộc người tiêu dùng phải mua sắm, làm việc trực tuyến,… từ đó tạo thành các thói quen mới và sẽ là bước đệm quan trọng trong việc phát triển kinh tế số.

Nắm bắt cơ hội trong nền kinh tế số, hệ sinh thái khởi nghiệp, Việt Nam đang phát triển nhanh chóng, từng bước định vị để trở thành trung tâm khởi nghiệp tiếp theo ở Đông Nam Á.

Theo Jakarta Globe, Việt Nam là quê hương của rất nhiều tài năng công nghệ và đổi mới sáng tạo. Báo cáo của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) năm 2021 ghi nhận Việt Nam xếp thứ 44 trên 132 quốc gia và nền kinh tế về chỉ số đổi mới sáng tạo hàng đầu, cao hơn các nước trong khu vực như Indonesia, Thái Lan và Philippines.

12 Startup kỳ lân trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam có hai con.

Theo dự báo, Việt Nam sẽ có ít nhất 8 startup “kỳ lân” vào năm 2030. Để tạo điều kiện cho sự tăng trưởng này, Chính phủ đã đưa ra nhiều sáng kiến và thông qua luật hỗ trợ, các ưu đãi về vốn và thuế cho các startup và các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Phát triển kinh tế số cũng là một trong những mục tiêu trọng tâm của Việt Nam những năm tới, nhằm đạt được mục tiêu năm 2045, Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nêu rõ: “Xây dựng khung khổ pháp luật, môi trường thuận lợi thúc đẩy phát triển, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số; hỗ trợ, khuyến khích sự ra đời, hoạt động của những lĩnh vực mới, mô hình kinh doanh mới. Tập trung sửa đổi những quy định mâu thuẫn, chồng chéo, cản trở phát triển kinh tế. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, phân cấp, phân quyền, ủy quyền gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm cá nhân và nâng cao trách nhiệm phối hợp giữa các cấp, các ngành”.

Do vậy, kinh tế số sẽ là một trong những yếu tố chính để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong những năm tới. Được hỗ trợ bởi nền tảng kinh tế vĩ mô vững chắc, chính phủ tiến bộ, dân số trẻ và với đà phát triển ấn tượng hiện tại, Việt Nam có nhiều dư địa để trở thành cường quốc kinh tế số tiếp theo ở Đông Nam Á, trang Jakarta Globe nhận định.

Bảo Trâm (Theo Jarkata Globe)

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều