+
Aa
-
like
comment

J-11 Trung Quốc vờn nhau với máy bay ném bom hạt nhân của Mỹ tại Biển Đông

Duân Đặng - 25/12/2020 05:28

Sáng 23.12, hai oanh tạc cơ B-1B của Mỹ đã cất cánh từ căn cứ Andersen ở đảo Guam thực hiện sứ mệnh ở Biển Đông.

Đường bay mà tôi thu thập được cho thấy hai oanh tạc cơ đã bay qua eo Ba Sỹ, vòng qua quần đảo Hoàng Sa và xuống quần đảo Trường Sa trước khi bay qua Biển Sulu và Biển Celebes để trở lại Guam.

Đáng chú ý, có lúc hai oanh tạc cơ áp sát đảo Phú Lâm ở quần đảo Hoàng Sa với khoảng cách xấp xỉ 30 hải lý và cách căn cứ Du Lâm ở Tam Á chưa đến 100 hải lý. Đây là những khoảng cách rất gần đối với oanh tạc cơ.

Theo một nguồn tin, Trung Quốc đã triển khai 2 chiến đấu cơ J-11B cất cánh từ đảo Phú Lâm để ứng phó với chuyến bay của oanh tạc cơ Mỹ.

Truyền thông Đài Loan cũng cho biết ngày 23.12 có nhiều hoạt động của máy bay Mỹ ở khu vực eo Ba Sỹ và tây nam Đài Loan, với sự xuất hiện của 2 máy bay tuần tra P-8A, 2 máy bay trinh sát RC-135W và CL-600, 4 máy bay tiếp liệu KC-135.

Sứ mệnh của máy bay ném bom Mỹ được tiến hành một ngày sau khi 4 oanh tạc cơ H-6K của Trung Quốc và 2 oanh tạc cơ Tu-95 của Nga tập trận chung ở Biển Nhật Bản và Hoa Đông.

Nó cũng diễn ra chỉ một ngày sau khi tàu sân bay Sơn Đông của Trung Quốc đến Tam Á.

B-1 Lancer là máy bay ném bom chiến lược siêu thanh cánh cụp cánh xoè của Không quân Hoa Kỳ, sử dụng bốn động cơ phản lực General Electric F101-GE-102, tốc độ bay tối đa lên đến 1.448 km/h (Mach 1,25), có khả năng mang tên lửa hành trình AGM-86B và tên lửa tấn công tầm ngắn AGM-69 cùng nhiều loại bom khác. Năm 2017, Không quân Hoa Kỳ đang sở hữu 62 chiếc Lancer, số máy bay này dự kiến sẽ hoạt động đến năm 2030.

Phiên bản B-1A được phát triển vào đầu năm 1970, nó được dự kiến sẽ đạt vận tốc Mach 2 ở độ cao lớn, vì vậy phần vỏ của nó phải làm bằng hợp kim titan và do đó làm giá thành tăng lên tới 70 triệu đô la theo thời giá năm 1975 (tương đương gần 500 triệu đô la thời giá năm 2020). Mặt khác, hợp kim titan khi đó chỉ có duy nhất một nước chế tạo được là Liên Xô, cũng có nghĩa là Hoa Kỳ phải nhập khẩu nguyên liệu chế tạo từ Liên Xô, và nếu xảy ra chiến tranh giữa hai bên thì Mỹ sẽ không thể chế tạo tiếp B-1A. Do vậy, việc sản xuất hàng loạt B-1A đã bị hủy bỏ và chỉ có bốn nguyên mẫu được chế tạo.

Năm 1980, dự án B-1 lại được để ý đến do nó được phát hiện có khả năng đánh bom xâm nhập thấp chớp nhoáng. Do những khó khăn của việc chế tạo B-1A, các yêu cầu thiết kế đối với phiên bản B-1B đã được giảm xuống, vận tốc tối đa của B-1B chỉ đạt Mach 1,25.

B-1B đã được phê duyệt và bắt đầu phục vụ trong Không quân Hoa Kỳ vào năm 1986 như là một kiểu máy bay ném bom hạt nhân chiến lược tốc độ cao. Vào những năm 1990, nó đã được chuyển đổi sang sử dụng ném bom thông thường. B-1 được sử dụng trong chiến đấu lần đầu tiên năm 1998 trong Chiến dịch Cáo sa mạc. Nó tiếp tục hỗ trợ quân đội Mỹ và NATO ở Afghanistan và Iraq.

Duân Đặng

* Bài viết sử dụng thông tin và nhận định chủ quan của tác giả

Bài mới
Đọc nhiều