Israel chia sẻ bài học đắt giá về việc tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em
Trang Bkookings cho biết tại Israel, hầu hết trên 12 tuổi và một số trẻ nhỏ hơn đã được tiêm một liều vaccine COVID-19. Trong đó, một số ít trẻ đã được tiêm nhắc lại.
Kể từ cuối tháng 8/2021, chị Talia Shmuel đã đưa con trai 5 tuổi đến một phòng khám y tế ở Jerusalem, Israel, để tiêm mũi vaccine COVID-19 đầu tiên. Chị Talia Shmuel cho biết, con trai mình bị dị tật tim bẩm sinh và khí quản bị thu hẹp nghiêm trọng, khiến cậu bé đặc biệt dễ mắc COVID-19.
“Bất cứ khi nào con bị ốm, thì thường chuyển thành viêm phổi. Và con tôi bị ốm rất nhiều”, bà mẹ ba con chia sẻ.
Theo chị Talia Shmuel, trường hợp con trai chị còn nhỏ nên cần được Bộ Y tế Israel cho phép đặc biệt để tiêm phòng COVID-19. Và Shmuel tự tin rằng, đây là quyết định đúng đắn: “Vợ chồng tôi đều làm trong lĩnh vực phân tích nghiên cứu. Chúng tôi đã xem xét từng con số thống kê và theo dõi dữ liệu liên quan. Chúng tôi đã kiểm tra nhiều nguồn dữ liệu khác nhau và từng con số, trong đó có cả những tác dụng phụ của vaccine. Tuy nhiên, nếu mắc COVID-19 con trai tôi sẽ gặp nhiều vấn đề nghiêm trọng hơn”.
Phân vân với quyết định có tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ hay không?
Kể từ tháng 7/2021, Israel cũng đã cung cấp vaccine COVID-19 cho trẻ em từ 5-11 tuổi “trong những trường hợp đặc biệt” – là trẻ mắc các bệnh phổi mãn tính nặng và suy tim sung huyết.
Khi vaccine Pfizer-BioNTech được chứng minh là an toàn cho trẻ em, không ít phụ huynh sẽ phân vân với quyết định có tiêm cho trẻ hay không? Bởi thực tế, trẻ em có xu hướng ít bị ảnh hưởng bởi COVID-19, hay khi trẻ có phản ứng sau tiêm vaccine cũng sẽ khiến quyết định này trở nên khó khăn hơn.
Đến nay, chiến dịch tiêm chủng vaccine COVID-19 cho trẻ em tại Israel diễn ra khá suôn sẻ. Hơn một nửa số trẻ em từ 12-15 tuổi tại nước này đã được tiêm vaccine. Cũng có một số người biểu tình phản đối, song hầu hết các bậc phụ huynh tại Israel đều sẵn sàng cho trẻ tiêm vaccine. Theo số liệu cụ thể của Bộ Y tế Israel, đến tháng 10/2021, đã có 53,7% trẻ em từ 12-15 tuổi và 64% thanh thiếu niên từ 16-19 tuổi tại nước này đã được tiêm một mũi vaccine COVID-19.
Khi được hỏi ý kiến về việc tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em ở độ tuổi nhỏ hơn, một số phụ huynh cũng tỏ ra đồng tình bởi lo ngại trước nguy cơ trẻ bị lây nhiễm, việc bị cách ly tạm thời hay kiệt sức vì cách ly thường xuyên và lo lắng trẻ học ở nhà sẽ bị tụt hậu hoặc không có đủ điều kiện để con học online… Đặc biệt, sự lây lan nhanh chóng biến thể Delta đã làm dấy lên những lo ngại về khả năng phong tỏa trong tương lai.
Thông qua các cuộc khảo sát tại Israel, cho thấy 11% trong số 13.864 trẻ em từ 3 đến 18 tuổi đã khỏi bệnh đã có di chứng liên quan đến rối loạn giấc ngủ và có những vấn đề về tập trung…
Nhiều chuyên gia y tế công cộng Israel lại bày tỏ sự thận trọng hơn trong vấn đề tiêm chủng vaccine COVID-19 cho trẻ em. “Tiêm phòng COVID-19 cho trẻ em dưới 12 tuổi đặt ra các vấn đề và câu hỏi khó về y tế, đạo đức và xã hội. Một mặt, việc tiêm phòng cho trẻ em từ 5-12 tuổi có thể rất hữu ích trong việc đối phó với sự lây lan của đại dịch COVID-19. Mặt khác, mối quan tâm tự nhiên là về những hậu quả sức khỏe có thể xảy ra trong tương lai”, ông Adi Niv-Yionary, chuyên gia về chính sách y tế tại Đại học Tel Aviv và thành viên ban cố vấn COVID-19 của Bộ Y tế Israel nhận định.
Nhắc lại những thận trọng này, BS Nicole Ritz tại Bệnh viện Nhi đồng thuộc Đại học Basel (Israel) cho rằng: “Nếu căn bệnh này vẫn lành tính ở hầu hết trẻ em, thì chỉ một nhóm nhỏ trong nhóm đối tượng dễ bị bệnh nặng nếu đi kèm yếu tố nguy cơ như béo phì, tiểu đường hoặc bệnh phổi. Những đối tượng này sẽ có khả năng hưởng lợi trực tiếp từ việc tiêm chủng. Nếu lợi ích duy nhất của việc tiêm chủng cho trẻ em là bảo vệ nhóm người cao tuổi thì vaccine phải cực kỳ an toàn”.
BS Nicole Ritz – một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm ở trẻ em đã từng điều trị cho 20-30 trẻ em và thanh thiếu niên mắc PIMS (hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em – một hội chứng hiếm gặp và nghiêm trọng xảy ra với khoảng 0,5% trẻ em từng mắc COVID-19), đã dẫn chứng báo cáo gần đây của CDC Mỹ về sự an toàn của COVID-19 ở thanh thiếu niên từ 12 đến 17 tuổi, khi theo dõi 8,9 triệu thanh thiếu niên tại Mỹ đã được tiêm vaccine Pfizer-BioNTech.
Theo đó, Hệ thống Báo cáo Sự kiện Có hại của Vaccine (Vaers) đã nhận được hơn 9.000 báo cáo về các sự kiện bất lợi sau khi tiêm chủng. Cứ 1.000 người tiêm chủng thì có một người có vấn đề. Hơn 90% các tác dụng phụ này là các biến cố không nghiêm trọng như chóng mặt và nhức đầu. Hoặc 9,3% còn lại gặp các tác dụng phụ nghiêm trọng, bao gồm đau ngực, nôn mửa, sốt và viêm cơ tim, nhưng không có báo cáo nào về trường hợp tử vong do viêm cơ tim.
Song sự xuất hiện của biến thể Delta và Omicron khiến một số nhà nghiên cứu thay đổi quan điểm của họ về việc tiêm chủng cho trẻ em. BS về bệnh truyền nhiễm Monica Gandhi tại Đại học California, San Francisco, Mỹ cho biết: “Với sự gia tăng của biến thể Delta, việc tiêm chủng cho trẻ từ 5-11 tuổi đang trở nên cấp thiết hơn khi các thử nghiệm lâm sàng chứng minh vaccine an toàn và hiệu quả”.
Đầu năm 2021, khi trả lời phỏng vấn BBC, BS Monica Gandhi cũng cho rằng, không thấy cần thiết phải tiêm chủng cho trẻ em nhỏ tuổi, nhưng Delta và Omicron đã thay đổi bức tranh toàn cảnh của đại dịch COVID-19: “Với khả năng lây truyền cao hơn, tôi sẽ ưu tiên tiêm chủng cho trẻ nhỏ hơn để giúp bảo vệ những người trong gia đình và đặc biệt là người lớn tuổi”.
Đối với các bậc phụ huynh, thật khó để đưa ra quyết định trước hàng loạt thống kê và nhận định của các nghiên cứu. Nhưng một số chỉ đơn giản là cảm thấy nhẹ nhõm và hy vọng ngày càng cao nếu trẻ được tiêm chủng vaccine.
Gila Rose, một nhà sáng tại và biên kịch tự do ở thị trấn Modiin của Israel cho biết, cô sẽ tiêm phòng COVID-19 cho những đứa trẻ dưới 12 tuổi ngay lập tức nếu có thể: “Việc đóng cửa trường học là điều thiệt thòi cho bọn trẻ và chúng đang bước vào năm học thứ ba đầy xáo trộn vì đại dịch COVID-19”.
Bảo Trâm (Theo Brookings, BBC)