IS-K phải để “Thợ săn khủng bố” Putin ra tay: Nga lột mặt nạ kẻ đạo diễn vụ đánh bom Kabul
Vụ đánh bom Kabul là một kế hoạch tinh quái nhằm hạ bệ uy tín của cả Taliban lẫn Mỹ giữa lúc Afghanistan hỗn loạn. Đã đến lúc Nga ra tay.
Âm mưu sau vụ đánh bom
Vụ đánh bom liều chết kinh hoàng ở Kabul đã tăng thêm sự hỗn loạn vốn có ở Afghanistan. Mục đích của hành động này là để chứng minh với người Afghanistan và thế giới bên ngoài biết rằng, Taliban sẽ không có khả năng đảm bảo an toàn cho thủ đô Kabul.
Hiện tại, ít nhất 103 người – 90 người Afghanistan (trong đó có ít nhất 28 thành viên Taliban) và 13 lính Mỹ – đã thiệt mạng cùng ít nhất 1.300 người bị thương, theo Bộ Y tế Afghanistan.
Vụ đánh bom đã được khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) nhận trách nhiệm trên kênh Telegram chính thức Amaq Media. Điều này có nghĩa, dù thủ phạm là thành viên của IS-Khorasan – hay IS-K – mệnh lệnh đã đến từ bộ chỉ huy của IS.
IS đã rất khôn ngoan khi dựng lên những hình ảnh có sức nặng về vụ đánh bom trên mạng xã hội, cùng với đó là lời chỉ trích Taliban vì đã “hợp tác” với quân đội Mỹ trong việc sơ tán “gián điệp”.
IS chế giễu các biện pháp an ninh do lực lượng Mỹ và lực lượng dân quân Taliban áp đặt ở thủ đô Kabul, khi kẻ đánh bom liều chết chỉ đứng cách lực lượng Mỹ không dưới 5 mét.
Rõ ràng, cả Taliban và Mỹ đang phải đối mặt với cùng một kẻ thù, đó là IS-Khorasan.
Được thành lập vào năm 2015 bởi các chiến binh thánh chiến di cư được phái đến từ tây nam Pakistan, IS-K là một con quái vật tinh ranh. Lãnh đạo hiện tại của nhóm là Shahab al-Mujahir, người từng là chỉ huy cấp trung của mạng lưới Haqqani ở Pakistan.
Các thủ lĩnh trước đó của IS-K đã bị tiêu diệt bởi các cuộc không kích của Mỹ vào năm 2015 và 2016. IS-K bắt đầu trở thành một lực lượng gây bất ổn thực sự vào năm 2020 khi nhóm tập hợp lại tấn công Đại học Kabul.
Điều nguy hiểm thực sự là IS-K hoạt động như một thỏi nam châm thu hút mọi thành phần bất hảo nhất trong khu vực, bao gồm cả những kẻ bất mãn với Taliban vốn không còn chốn dung thân.
Chỉ có Nga mới diệt được IS-K
Vụ náo loạn dân sự vài ngày qua gần sân bay Kabul là mục tiêu nhẹ nhàng mà hoàn hảo thay thế cho các cuộc tàn sát mang thương hiệu của IS.
Vụ đánh bom Kabul diễn ra sau hai sự kiện rất quan trọng.
Đầu tiên là tuyên bố của Taliban trong một cuộc phỏng vấn với NBC News của Mỹ vào đầu tuần này rằng “không có bằng chứng” cho thấy Osama bin Laden đứng sau vụ 11/9/
Theo Asia Times, phát biểu này cho thấy Taliban đã bắt đầu chiến dịch gột rửa khỏi cái mác “khủng bố” liên quan đến vụ 11/9.
Taliban muốn chứng tỏ rằng “khủng bố” là IS, những kẻ khủng khiếp hơn cả al-Qaeda – nhóm mà Taliban đã che chở vào thời điểm năm 2001.
Sự kiện quan trọng khác gắn liền với vụ đánh bom Kabul là vụ việc diễn ra chỉ một ngày sau một cuộc điện đàm giữa Tổng thống Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Điện Kremlin nhấn mạnh “sự sẵn sàng của hai bên trong việc đẩy mạnh các nỗ lực chống lại các mối đe dọa khủng bố và buôn bán ma túy đến từ lãnh thổ Afghanistan; tầm quan trọng của việc thiết lập hòa bình và ngăn chặn bất ổn lan rộng sang các vùng lân cận”.
Và điều đó đã dẫn đến câu chuyện, hai nhà lãnh đạo cùng cam kết “tận dụng tối đa tiềm năng” của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), được thành lập cách đây 20 năm với tên gọi “Shanghai Five”, để chống lại “chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa ly khai và chủ nghĩa cực đoan”.
Hội nghị thượng đỉnh SCO diễn ra vào tháng tới tại Dushanbe với việc Iran chắc chắn sẽ được kết nạp làm thành viên chính thức. Vụ đánh bom Kabul tạo cơ hội cho SCO mạnh mẽ vươn lên.
Bất kể liên minh nào đứng lên nắm quyền ở Pakistan, họ sẽ được gắn kết với bộ máy hợp tác kinh tế và an ninh khu vực đầy đủ, do ba tác nhân chính Á-Âu dẫn đầu: Nga, Trung Quốc và Iran.
Hồ sơ cho thấy Moscow có tất cả những gì cần thiết để giúp Taliban chống lại IS-K ở Afghanistan. Cần lưu ý rằng, người Nga đã đánh bật IS ra khỏi tất cả các khu vực quan trọng của Syria và giam giữ chúng trong vạc dầu Idlib.
Cuối cùng, không ai ngoài IS muốn một Afghanistan chìm trong bóng ma khủng bố, cũng như không ai ngoài những kẻ này muốn một cuộc nội chiến ở Afghanistan.
Vì vậy, diễn biến đang cho thấy không chỉ một cuộc chiến trực diện do SCO dẫn đầu chống lại IS-K ở Afghanistan mà còn là một chiến dịch tổng hợp nhằm tiêu diệt bất kỳ nguy cơ tiềm năng nào cho khủng bố phát triển ở Trung và Nam Á.
Mạnh Kiên