Iran thông qua dự luật xem quân đội Mỹ, Lầu Năm Góc là khủng bố
Các nhà lập pháp Iran đã nhất trí thông qua dự luật xem quân đội Mỹ và Lầu Năm Góc là các tổ chức khủng bố để phản ứng với vụ Mỹ ám sát tướng Soleimani.
Hãng tin Tasnim (Iran) cho biết dự luật trên đã được thông qua trong một phiên họp công khai của Quốc hội Iran vào sáng 7-1 (giờ địa phương).
Theo dự luật vừa được thông qua, tất cả lực lượng quân sự Mỹ và nhân viên của Lầu Năm Góc cùng các tổ chức, mật vụ, tư lệnh liên quan và những ai đã ra lệnh giết tướng Soleimani đều bị xem là “những kẻ khủng bố”, theo Hãng tin AFP.
“Bất kỳ sự hỗ trợ nào dành cho các lực lượng này – gồm hỗ trợ quân sự, tình báo, tài chính, kỹ thuật, dịch vụ hay hậu cần – đều sẽ bị xem là hợp tác với khủng bố” – Quốc hội Iran tuyên bố.
Dự luật này là một phiên bản được chỉnh sửa từ luật được thông qua vào tháng 4-2019, vốn đã tuyên bố Mỹ là “quốc gia bảo trợ chủ nghĩa khủng bố” và tuyên bố các lực lượng quân sự Mỹ trong khu vực là “các nhóm khủng bố”.
Hội đồng an ninh quốc gia tối cao của Iran thời điểm đó cho biết việc gắn mác như vậy diễn ra sau khi Mỹ tuyên bố lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) là “tổ chức khủng bố” trong cùng tháng. Đó là lần đầu tiên Washington tuyên bố lực lượng quân sự của một nước khác là một tổ chức khủng bố.
Theo một trong các điều khoản của dự luật vừa được Quốc hội Iran thông qua, chính quyền Iran sẽ có trách nhiệm cung cấp cho lực lượng đặc nhiệm Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran 200 triệu euro, thông qua Quỹ phát triển quốc gia, để tăng cường sức mạnh của lực lượng này.
Tuần trước, lãnh tụ tối cao Iran, đại giáo chủ Ali Khamenei đã cảnh báo sẽ đáp trả dữ dội đối với “những tên tội phạm đã nhuốm máu đôi bàn tay xấu xa của họ” sau khi Mỹ không kích tiêu diệt thiếu tướng Qassem Soleimani, tư lệnh lực lượng Quds hôm 3-1.
Đại giáo chủ Khamenei cũng nhắc nhở tất cả bạn bè và kẻ thù của tướng Soleimani rằng con đường kháng cự của Iran sẽ tiếp tục diễn ra mạnh mẽ. Ông nhấn mạnh rằng cuộc chiến đấu liên tục và chiến thắng cuối cùng của Tehran sẽ “làm thất vọng những kẻ sát nhân và những tên tội phạm”, theo Hãng tin Tasnim.
Ngày 7-1, bình luận về cái chết của tướng Soleimani, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad cho rằng việc Mỹ giết chết tướng Soleimani không chỉ trái với luật Mỹ mà còn trái với luật quốc tế. Ông nói rằng hành động này giống với vụ sát hại nhà báo Saudi Arabia, ông Jamal Khashoggi.
Trong khi một số nước hạn chế bình luận về vụ việc trên và chỉ kêu gọi kiềm chế, ông Mahathir Mohamad tuyên bố sẽ tiếp tục “chỉ ra sự thật”. “Tôi không ngại chuyện ai mạnh, ai yếu. Cái gì không đúng thì tôi nghĩ tôi có quyền lên tiếng”, thủ tướng Malaysia nói.
Trong khi đó, các đồng minh của Mỹ ở Trung Đông giữ im lặng sau khi ông Trump ra lệnh hạ sát tướng Iran Soleimani.
Lãnh đạo các nước thân Mỹ như Ả Rập Saudi, Qatar, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đều không có bất cứ phát ngôn nào cho thấy sự vui mừng khi quan chức quân sự hàng đầu Iran bị hạ sát. Phản ứng thận trọng của các quốc gia Trung Đông cho thấy sự lo lắng của họ. Nhiều nước lo ngại khả năng tránh đối đầu quân sự trực tiếp với Mỹ, Iran có thể quay sang nhắm mục tiêu vào các đồng minh của Washington trong khu vực để trả thù cho cái chết của ông Soleimani.
Ông Taufiq Rahim, thành viên cấp cao của tổ chức New America, chuyên nghiên cứu về chính trị ở vịnh Ba Tư, nhận định: “Tất cả quốc gia trong khu vực đều lo lắng bởi họ đang rơi vào tình thế không thể đoán định. Họ không có cách nào sẵn sàng đối phó cho điều sắp diễn ra bởi mọi thứ đều có thể trở thành mục tiêu”.
Hoài Nam (tổng hợp )