Iran tấn công căn cứ Mỹ: Thăm dò hay khiêu chiến?
Việc Iran tấn công các căn cứ quân sự của Mỹ ở Iraq là một động thái thăm dò hay một hành động khiêu chiến với Washington?
Iran “trả thù” Mỹ, chiến tranh sẽ cận kề?
Iran đã đáp trả việc Mỹ giết chết Tướng Qassem Soleimani bằng cách phóng 15 tên lửa vào các mục tiêu của Mỹ ở Iraq rạng sáng 8/1 (giờ địa phương).
Động thái này có thể gây nên mối lo ngại chiến tranh giữa Mỹ và Iran sẽ nổ ra song nhà phân tích quân sự Stephen Ganyard của trang ABC News nhận định rằng những điều sẽ xảy ra tiếp theo còn phụ thuộc vào mức độ phá hủy mà những tên lửa của Iran gây ra tại Căn cứ Không quân Erbil ở phía bắc Iraq và Căn cứ Ain Al-Assad ở phía tây nước này.
“Điều đó còn phụ thuộc vào việc Iran sẽ tấn công vào cái gì. Nếu họ không tấn công vào mục tiêu cụ thể nào cả, tình hình có lẽ sẽ giảm căng thẳng. Nếu họ tấn công vào những mục tiêu quan trọng và làm bị thương người Mỹ, họ có thể sẽ phải lĩnh màn đáp trả đáng kể từ phía Washington”, ông Ganyard cho biết.
Nhà phân tích này cũng nhận định rằng Iran “dường như đã nhằm vào các mục tiêu ít có khả năng tấn công nhất bởi họ biết rõ chúng không được bảo vệ cẩn thận”.
Nhà Trắng cho biết đã nhận được thông báo về cuộc không kích này. Thư ký Báo chí Nhà Trắng Stephanie Grisham cho biết sau cuộc tấn công rằng: “Chúng tôi đã nhận được thông báo về cuộc tấn công vào các cơ sở của Mỹ tại Iraq. Tổng thống đã được báo cáo và hiện đang giám sát chặt chẽ tình hình cũng như tham vấn cùng đội ngũ an ninh quốc gia của ông”.
Một báo cáo từ Bộ Quốc phòng cho biết Lầu Năm Góc vẫn đang đánh giá các thiệt hại ban đầu sau khi Iran phóng tên lửa.
Hiện vẫn chưa rõ liệu có bất kỳ sự phá hủy nào ở Căn cứ Không quân Ain Al-Assad hay không, song theo ông Ganyard, căn cứ này đã bị cô lập và còn tương đối ít binh lính so với các cơ sở khác của Mỹ bởi Washington đã bắt đầu rút quân khỏi Iraq.
Trong một thông báo, Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo của Iran cảnh báo: “Bất kỳ cuộc xâm lược hay hành động hung hăng nào đều sẽ dẫn đến những cuộc đáp trả mạnh mẽ và đau đớn hơn”, đồng thời yêu cầu “người dân Mỹ kêu gọi quân đội của họ rút khỏi khu vực để tránh thương vong và để không bị đe dọa đến tính mạng”.
Nhà bình luận Mick Mulroy của ABC News cho biết thông báo trên của IRGC dường như là một nỗ lực để chấm dứt xung đột bằng cuộc tấn công này, mặc dù ông thừa nhận rằng họ cũng có thể đã tính tới khả năng xung đột leo thang.
“Tôi tin rằng Nhà Trắng sẽ xem xét mức độ thiệt hại và đặc biệt là tỷ lệ thương vong của Mỹ. Nếu không có thương vong nào, tình hình sẽ lắng xuống. Nếu xảy ra thương vong hay tình báo Mỹ phát hiện được bất kỳ làn sóng tấn công nào thêm, họ sẽ đi trước một bước để làm giảm hoặc loại bỏ mối đe dọa tên lửa đạn đạo”, chuyên gia Mulroy cho biết.
Iran dọa mang đến ‘ác mộng lịch sử’ cho Mỹ
Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) tuyên bố động thái phóng hơn 15 tên lửa đạn đạo nhắm ngày 8/1 vào căn cứ al-Asad và Erbil (Iraq) là nhằm trả đũa vụ Mỹ không kích giết chết lực lượng đặc nhiệm Quds của Iran, thiếu tướng Qassem Soleimani ở sân bay quốc tế Baghdad, Iraq hôm 3.1. IRGC đồng thời cảnh báo sẽ tấn công tất cả các đồng minh của Mỹ trong khu vực nếu họ được dùng làm bàn đạp để tấn công Tehran, đồng thời yêu cầu Washington rút hết quân khỏi khu vực.
Ngoại trưởng Iran Javad Zarif nhấn mạnh: “Iran đã tiến hành và hoàn tất các biện pháp tương xứng để tự vệ theo Điều 51 Hiến chương Liên Hiệp Quốc, nhắm vào các căn cứ từng được dùng để tấn công vũ trang một cách hèn nhát nhằm vào những công dân và quan chức cấp cao của chúng tôi”.
Tuy nhiên ông Zarif cũng nói rõ Iran không muốn “có leo thang chiến tranh”.
Bên cạnh đó, ông Ali Shamkhani, thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao Iran, cho biết có 13 “kịch bản trả thù” đang được xem xét, theo hãng tin Fars. “Ngay cả kịch bản nhẹ nhất cũng sẽ mang đến cơn ác mộng lịch sử cho người Mỹ”, ông Shamkhani nói.
“Biết người biết ta”
Iran đã đánh cược một ván bài lớn trong cuộc không kích vào 2 căn cứ không quân của Mỹ ở Iraq vào sáng 8/1 nhằm “trả thù” cho cái chết của Tướng Qassem Soleimani. Nhà phân tích Seth J. Frantzman nhận định trên trang The Jerusalem Post rằng đây là “trò gieo súc sắc” đầy mạo hiểm của Iran với hy vọng Mỹ sẽ không đáp trả hoặc ít nhất không trả đũa bằng một cuộc tấn công trên quy mô lớn.
Iran sử dụng các tên lửa đạn đạo để tấn công các căn cứ của Mỹ, loại vũ khí đã được nước này thử nghiệm thành công có độ chính xác cao và diệt gọn mục tiêu. Trong cuộc chiến với Mỹ, Iran có tên lửa, máy bay không người lái, số lượng lớn bộ binh trong Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo và lực lượng quân thường trực được gọi là Artesh cùng với đồng minh trong khu vực, gồm 100.000 thành viên chủ yếu là dòng Shia trong Lực lượng Huy động Nhân dân ở Iraq.
Tuy nhiên, chính phủ Iran hiểu hầu hết người Mỹ không muốn chiến tranh và nước này biết chắc rằng mình sẽ không có một lực lượng không quân hay hải quân đủ mạnh để đương đầu với Mỹ.
Laura Kennedy – cựu đại sứ tại Hội đồng Giải trừ Quân bị ở Geneva nhận định Iran sẽ không tuyên bố hay tiến hành một cuộc chiến tranh trực tiếp với Mỹ mà thay vào đó chỉ tiến hành các cuộc tấn công bất đối xứng và sử dụng lực lượng ủy nhiệm.
Ông Mark Gunzinger thuộc Trung tâm đánh giá chiến lược và dự toán ngân sách Mỹ thì cho rằng “không có khả năng” Iran sẽ tuyên bố một cuộc chiến toàn diện với Mỹ.
“Iran hầu như đạt được rất ít và có quá nhiều thứ để mất nếu lao vào một cuộc xung đột trực tiếp với Mỹ. Với nhiều điều để mất này, tôi muốn nói đến những tổn thất lớn lao về quân sự cũng như bất kỳ sự ủng hộ nào mà họ đang nhận được nhằm giảm bớt các lệnh trừng phạt. Tôi cho rằng nhiều khả năng Iran sẽ cần thêm thời gian, đánh giá cẩn thận các lựa chọn và sau đó quyết định hành động vì những lợi ích khu vực dài hạn”.
Cựu Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Tom Countryman đánh giá: “Tuyên bố chiến tranh không phải là lựa chọn của Thế kỷ 21. Cả Mỹ, Nga và các nước Trung Đông đều chưa từng “tuyên bố” chiến tranh và thậm chí hiếm khi thừa nhận rằng họ đang ở trong một cuộc chiến. Chắc chắn Iran sẽ tiến hành các hành động bạo lực chống lại Mỹ ở Trung Đông, bất kể là nhắm vào các mục tiêu quân sự hay dân sự. Iran sẽ không sử dụng trực tiếp quân đội của nước này mà sẽ dùng các nhóm đồng minh (hay lực lượng ủy nhiệm) để tấn công các mục tiêu của Mỹ”.
Tiêu Điểm (Tổng hợp)