Iran loại Ấn Độ khỏi dự án Chabahar, Trung Quốc được lợi?
Iran đã quyết định tự thực hiện tuyến đường sắt từ cảng Chabahar đến thành phố Zahedan sau bốn năm thoả thuận hợp tác cùng xây dựng với Ấn Độ.
Theo từ The Hindu, Bộ trưởng Phát triển Giao thông và Đô thị Iran Mohamad Eslami đã chứng kiến lễ khởi công xây dựng tuyến đường sắt từ Chabahar- Zahedan.
Tuyến đường này sẽ được nối dài đến thành phố Zaranjo ở tây nam Afghanistan trong giai đoạn tiếp theo của dự án.
Quan chức Iran nói với tờ The Hindu rằng toàn bộ dự án sẽ được Công ty Đường sắt Nhà nước của Iran (Iranian Railways) hoàn thành vào tháng 3-2022 mà không cần sự giúp đỡ từ Ấn Độ, sử dụng nguồn vốn gần 400 triệu USD từ Quỹ Phát triển Quốc gia Iran.
Nguyên nhân chính của việc huỷ bỏ hợp tác được phía Iran tuyên bố là do tiến độ giải ngân vốn từ đối tác Ấn Độ quá chậm trễ.
Dự án đường sắt này là một phần quan trọng trong thoả thuận ba bên giữa Ấn Độ, Iran và Afghanistan để phát triển một tuyến thương mại đến Afghanistan và khu vực Trung Á mà không cần đi qua lãnh thổ thù địch của Pakistan.
Sự do dự của Ấn Độ
Vào tháng 5-2016, trong chuyến thăm của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đến Iran để ký kết thoả thuận về cảng Chabahar với Tổng thống Hassan Rouhani và Tổng thống Afganistan Ashraf Ghani, Công ty Đường sắt Ấn Độ (IRCON) đã ký một biên bản ghi nhớ (MoU) với Công ty Đường sắt Nhà nước của Iran về việc xây dựng tuyến Chabahar – Zahedan như “một bộ phận của hành lang vận tải trong hiệp định ba bên giữa Ấn Độ, Iran và Afghanistan”.
Theo thoả thuận này, IRCON cam kết chi 1,6 tỉ USD cho “tất cả các dịch vụ, thiết kế cấu trúc và xuất vốn”, theo The Hindu.
Giai đoạn tiền trạm đã khởi động suôn sẻ khi các kỹ sư Ấn Độ đã trắc địa các địa điểm xây dựng nhiều lần. Phía Iran cũng nghiêm túc bắt đầu công việc của họ.
Nhưng ngay sau đó, mọi thứ bắt đầu đình trệ do phía Mỹ đe doạ trừng phạt trở lại Iran. Lo sợ những đòn trả đũa từ phía Mỹ, IRCON đã không triển khai thêm bất kỳ công đoạn nào của dự án theo lộ trình.
Đến cuối năm 2018, Mỹ chấp thuận miễn trừ không trừng phạt các hoạt động xây dựng Chabahar và một tuyến đường sắt đến biên giới Afghanistan theo Đạo luật Tự do và Chống phổ biến vũ khí hạt nhân Iran.
Tuy nhiên, các ngân hàng Ấn Độ vẫn lưỡng lự khi cho vay mua máy móc hạng nặng do sợ lệnh trừng phạt của Mỹ.
Những lo ngại phía Mỹ sẽ thay đổi quan điểm và quay lại trừng phạt dự án Chabahar cũng đã ngăn cản Ấn Độ tìm kiếm các nhà cung cấp thiết bị và đối tác tham gia dự án.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani trước đó đã nhắc lại dự án đường sắt Chabahar-Zahedan tại một cuộc họp với Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ S. Jaishankar ở Tehran và yêu cầu Ấn Độ xúc tiến công việc này để mang lại “lợi ích cho quan hệ thương mại khu vực”.
Trung Quốc chớp thời cơ
Trong bối cảnh vừa hoàn thành thỏa thuận chiến lược chóng vánh với Trung Quốc, quyết định của Iran hủy bỏ sự tham gia của Ấn Độ vào dự án cảng chiến lược Chabahar đang tạo nên một sự ngầm hiểu trong giới ngoại giao.
Trung Quốc và Iran đang đàm phán những điều khoản cuối cùng cho gói hợp tác với tổng giá trị tương đương 400 tỉ USD.
Theo gói hợp tác nói trên, Trung Quốc sẽ giúp đỡ Iran xây dựng “khu vực miễn thuế ở Chabahar, một nhà máy lọc dầu gần đó và có thể sẽ đóng một vai trò lớn hơn ở cảng chiến lược này”, theo báo cáo của The Hindu.
Báo cáo cũng trích dẫn các tài liệu rò rỉ nói rằng thỏa thuận sắp tới sẽ tạo điều kiện cho các khoản đầu tư của Trung Quốc vào “cơ sở hạ tầng, sản xuất và nâng cấp nhà máy năng lượng, thiết bị vận tải, đồng thời giúp tân trang cảng biển, nhà máy lọc dầu và các công trình khác”.
Quan trọng hơn, thoả thuận này yêu cầu Iran cung cấp khí đốt và dầu mỏ cho Trung Quốc trong suốt 25 năm.
Có nhiều báo cáo khẳng định Trung Quốc sẽ thuê dài hạn cảng Chabahar, mặc dù phía Iran kiên quyết bác bỏ khả năng này. Một động thái như vậy khi xảy ra sẽ giúp Trung Quốc mở rộng khả năng kiểm soát dọc theo bờ biển Pakistan – Iran, theo The Hindu.
Ấn Độ chi 500 triệu USD đầu tư cảng Iran để làm gì? Hồi đầu tuần, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi thông báo sẽ dành khoảng 500 triệu USD đầu tư phát triển cảng biển chiến lược Chabahar ở miền Nam Iran.
LỤC MINH/PL