Iran giật mình khi chiến hạm cực mạnh Hàn Quốc vào cuộc?
Trong diễn biến mới nhất, Hải quân Hàn Quốc đã quyết định cử nhóm chiến hạm của mình tới vịnh Persian, động thái được cho là nhằm hỗ trợ đồng minh Mỹ.
Trong tuần qua đã có một diễn biến mới rất đáng quan tâm khi đáp lời kêu gọi của Mỹ và Anh, các quốc gia châu Âu đã quyết định thành lập nhóm tác chiến hải quân lâm thời để triển khai tới eo biển Hormuz nhằm duy trì quyền tự do đi lại qua khu vực này.
Theo thông báo, liên quân châu Âu gồm các quốc gia Anh, Pháp, Đức, Italia, Hà Lan và Đan Mạch sẽ có trách nhiệm cử chiến hạm tối tân tới bảo vệ tàu thương mại hoạt động ở khu vực vịnh Ba Tư, đặc biệt là tại eo biển Hormuz đang bị Iran khống chế sau vụ bắt tàu chở dầu của Anh.
Đây có lẽ là điều mà Iran tỏ ra lo ngại nhất, bởi nếu phải đối đầu với một liên minh quân sự cực kỳ hùng mạnh thì họ sẽ gặp khó khăn.
Mới đây Iran họ còn phải đón nhận thêm tin xấu khi Hàn Quốc đã quyết định “tham gia” cùng đồng minh.
Một quan chức cấp cao Hàn Quốc giấu tên vừa tiết lộ nước này đã quyết định điều nhóm tác chiến lâm thời chống cướp biển Cheonghaeđang hoạt động ngoài khơi Somalia tới Trung Đông để giúp Mỹ hộ tống các tàu dầu hoạt động ở eo biển Hormuz.
Theo quan chức này, lực lượng được triển khai bao gồm một tàu khu trục và có thể bao gồm cả các trực thăng. Động thái trên của Hàn Quốc rõ ràng là muốn bày tỏ sự đoàn kết với Mỹ trong tình hình nóng.
Nhóm chiến hạm của Hàn Quốc dự kiến sẽ sớm có mặt tại điểm nóng, chúng được dẫn đầu bởi một khu trục hạm lớp Chungmugong Yi Sun-sin (KDX-II) phân loại DDH, đây là lớp tàu chiến mặt nước mạnh thứ hai của Hải quân Hàn Quốc chỉ đứng sau khu trục hạm Aegis lớp Sejong Đại Đế.
Khu trục hạm lớp Chungmugong Yi Sun-sin có lượng giãn nước đầy tải 5.520 tấn; chiều dài 150 m; chiều rộng 17,4 m; mớn nước 9,5 m. Trái tim của tàu là động cơ CODOG (kết hợp giữa diesel – turbine khí), cho tốc độ tối đa 30 hải lý/h (56 km/h); tầm hoạt động 5.500 hải lý (10.200 km); thủy thủ đoàn 200 người.
Hệ thống điện tử của khu trục hạm Chungmugong Yi Sun-sin rất tinh vi và đồ sộ gồm radar, bao gồm các thiết bị của Mỹ, châu Âu và cả sản phẩm do Hàn Quốc sản xuất theo giấy phép.
Nổi bật trong số đó là radar trinh sát tầm xa Raytheon AN/SPS-49(V)5 2D, radar trinh sát MW08 3D cùng radar kiểm soát hỏa lực STIR240 của Thales Nederland; hệ thống tác chiến điện tử SLQ-200(V)K SONATA và hệ thống quản lý tác chiến KDCOM-II .
Trên tàu có tất cả 64 ống phóng thẳng đứng, với cơ cấu 32 ống Mk 41 mang tên lửa phòng không SM-2 Block IIIA tầm bắn 167 km, trần bay 24,5 km, tốc độ Mach 3,5; đi kèm theo 32 ống K-VLS dành cho 8 tên lửa chống ngầm Hong Sang Eo (phiên bản K-ASROC của Hàn Quốc) và tên lửa hành trình đối đất Hyunmoo III.
Giữa tàu còn có 8 ống phóng tên lửa hành trình chống hạm cận âm SSM-700K Haeseong tầm bắn 150 km, 1 hệ thống CIWS Goalkeeper, 1 bệ RIM-116 Rolling Airframe Missile với 21 đạn.
Phía trước mũi là pháo 127 mm Mk 45 Mod. Năng lực chống ngầm của tàu trông chờ vào 6 ngư lôi hạng nhẹ Mk 46 cỡ 324 mm và 2 trực thăng Super Lynx.
(Theo Đất Việt)