Iran có đủ sức tấn công nhà máy lọc dầu Saudi Arabia?
Theo ABC News, Mỹ cáo buộc chính Iran đã dùng tên lửa và UAV tấn công vào nhà máy lọc dầu của Saudi hôm 14/9 gây thiệt hại nặng.
Thông tin được một quan chức ngoại giao cấp cao Mỹ đưa ra hôm 16/9: “Đây là một cuộc tấn công trên quy mô lớn, Iran đã sử dụng tên lửa và máy bay không người lái (UAV) để tấn công nước láng giềng Saudi Arabia được coi là đối thủ trong bối cảnh căng thẳng tại khu vực đang gia tăng”.
Để thực hiện cuộc tấn công, lực lượng Iran đã phóng tổng cộng 10 tên lửa và khoảng 20 chiếc UAV. Vụ tấn công đã gây thiệt hại nặng nề và khiến Saudi Arabia ngừng chuỗi cung cấp dầu thô và khí đốt lên tới 5,7 triệu thùng/ngày của nhà máy lọc dầu Saudi Aramco, tương đương 50% tổng sản lượng của Saudi và gây sụt giảm 5% lượng cung toàn cầu.
Cáo buộc được Mỹ đưa ra hai ngày sau khi lực lượng Houthi ở Yemen tuyên bố tiến hành các cuộc tấn công bằng UAV nhằm vào hai nhà máy lọc dầu của Saudi Aramco vào 14/9 để đáp trả chiến dịch không kích của liên quân Arap do Saudi đứng đầu.
Bấp chấp Houthi nhận chính mình đã thực hiện đòn tấn công nhưng Mỹ khẳng định, cuộc tấn công do chính Iran thực hiện. Vậy lực lượng Iran có đủ khả năng tấn công xuyên thủng lưới lửa phòng thủ của Saudi hay không? Để trả lời câu hỏi này cần xem xét khả năng tấn công của Tehran và năng lực phòng thủ của Riyadh.
Năng lực tấn công của Iran
Theo thống kê của tình báo Mỹ, hiện nay Iran đang sở hữu kho tên lửa đạn đạo lớn nhất Trung Đông. Xương sống của các lực lượng tên lửa Iran là loạt tên lửa đạn đạo tầm ngắn Shahab. Hiện có ba biến thể chính của loại tên lửa này đó là: Shahab-1, Shahab-2 và Shahab-3.
Trong đó Shahab-3 là phiên bản tối tân nhất với tầm bắn chạm mốc tên lửa tầm trung (khoảng từ 1.000 đến 1.300km tùy thuộc vào trọng lượng của đầu đạn). Shahab-3 có thể mang được một đầu đạn nặng từ 760 đến 1.200 kg.
Dòng tên lửa đạn đạo tiếp theo trong kho của Iran chính là Fateh. Tên lửa này cũng được phát triển với 3 phiên bản khác nhau với tầm bắn tối đa lên tới trên 500km.
Tiếp theo là tên lửa chống hạm Khalij Fars. Iran đã phát triển tên lửa đạn đạo chống hạm để sử dụng cho chiến lược chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD) nhằm chống lại quân đội Mỹ ở Vịnh Ba Tư. Như một sự răn đe, Iran đặt tên cho tên lửa này là Khalij Fars (Vịnh Ba Tư).
Khalij Fars được thiết kế dựa trên loại tên lửa đạn đạo tầm ngắn Fateh-110. Khalij Fars lần đầu được thử nghiệm vào đầu năm 2011 và trùng với sự kiện Iran tuyên bố chế tạo thành công một loại radar tầm xa, hoạt động theo nguyên lý thụ động, có bán kính quét mục tiêu đến 1.100 km.
Sức mạnh tấn công đáng sợ hàng đầu trong kho tên lửa của Iran theo tình báo Mỹ chính là tên lửa Sejjil. Đây là phiên bản nhiên liệu rắn của tên lửa nhiên liệu lỏng Shahab-3. Tên lửa Sejjil có kích thước, trọng lượng và tầm bắn tương tự như Shahab-3.
Tên lửa Sejjil được Iran phát triển vào cuối những năm 1990, nhưng phải đến năm 2008 lần thử nghiệm đầu tiên mới được tiến hành. Trong một cuộc thử nghiệm năm 2009, tên lửa đã bay được khoảng 1.900km. Mặc dù tên lửa Sejjil sử dụng thiết kế của Iran, nhưng tình báo Mỹ cho rằng, có thể chương trình đã có sự hỗ trợ bí mật từ Trung Quốc.
Iran đã tuyên bố rằng họ đã phát triển thành công nhiều biến thể của tên lửa Sejjil, bao gồm cả tên lửa Sejjil-3 mà một số nhà phân tích tin rằng có phạm vi bắn tối đa là 4.000 km đủ sức bao phủ toàn bộ khu vực Trung Đông, Bắc Phi, Nam Âu và cả phía Nam nước Nga.
Khả năng phòng thủ của Saudi
Trái với sức mạnh đáng sợ của kho tên lửa Iran, năng lực phòng thủ của Saudi Arabia luôn là dấu hỏi lớn bởi chính Riyadh cũng chưa bao giờ yên tâm với hệ thống phòng thủ tên lửa mình đang có. Hệ thống phòng thủ tối tân nhất hiện nay của Saudi Arabia là những khẩu đội Patriot PAC-3 do Mỹ sản xuất.
Nhưng chỉ tính từ năm 2018 đến nay, hệ thống phòng thủ PAC-3 của Saudi đã nhiều lần bỏ lọt và không phát hiện được mục tiêu tấn công. Đặc biệt, hệ thống này còn bị UAV và tên lửa của Houthi tấn công ít nhất 5 lần khiến vũ khí này tê liệt trong một thời gian dài. Trong vụ tấn công được cho là do Iran thực hiện hôm 14/9, một hệ thống Patriot cũng đã bị phá hủy. Thông tin này chưa được Riyadh xác nhận.
Căn cứ vào số lần Saudi bị tấn công cho thấy, mối đe dọa lớn nhất và thường trực nhất với Riyadh là tên lửa đạn đạo và cả UAV mang vũ khí. Chính vì vậy, giới chuyên gia cho rằng việc Saudi quyết định mua hệ thống phòng thủ tầm cao THAAD của Mỹ (ký hợp đồng hồi giữa năm 2019) sẽ giúp Saudi có thể an toàn một nửa trước những mối đe dọa thường trực.
Nhưng chưa rõ khi nào Saudi mới chính thức sở hữu THAAD. Thực tế này cho thấy, trong trường hợp Iran thực hiện đòn trấn công vào Saudi như Mỹ cáo buộc, cơ hội phòng thủ cho Riyadh là gần như không có.
Một số hình ảnh nhà máy lọc dầu của Saudi bị tấn công hôm 14/9