Indonesia từ chối cho máy bay P-8 Poseidon của Mỹ hạ cánh
Các quan chức cấp cao Indonesia cho biết chính phủ nước này đã từ chối cho phép máy bay do thám P-8 Poseidon của Mỹ hạ cánh trên lãnh thổ nước mình.
Hãng tin Reuters ngày 20-10 dẫn nguồn bốn quan chức cấp cao Indonesia cho biết chính quyền nước này đã từ chối đề nghị của Mỹ cho phép máy bay do thám P-8 Poseidon hạ cánh và tiếp nhiên liệu trên lãnh thổ Indonesia.
Theo nguồn tin, trong tháng 7 và tháng 8, các quan chức Mỹ đã nhiều lần nêu vấn đề này với ngoại trưởng và bộ trưởng quốc phòng Indonesia. Tuy nhiên, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã không chấp nhận đề nghị trên.
Phía Mỹ và Indonesia hiện chưa đưa ra bình luận liên quan vụ việc.
Theo Reuters, Mỹ đưa ra đề xuất trên trong bối cảnh căng thẳng giữa nước này với Trung Quốc ngày càng gia tăng nhằm tranh giành ảnh hưởng ở Đông Nam Á.
Các nguồn tin cho biết đề nghị của Mỹ đã khiến Indonesia ngạc nhiên vì quốc gia này lâu nay theo đuổi chính sách trung lập trong đường lối đối ngoại, chưa từng cho quân đội nước ngoài hoạt động tại Indonesia.
Trước đó, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi hồi tháng 9 khẳng định nước này không muốn đứng về bên nào trong cuộc xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc. Bà Marsudi cũng bày tỏ quan ngại trước căng thẳng Mỹ – Trung ngày càng leo thang, cũng như hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc tại Biển Đông.
“Chúng tôi không muốn rơi vào cái bẫy ganh đua này” – Reuters dẫn lời bà Marsudi cho biết.
Ông Dino Patti Djalal – cựu đại sứ Indonesia tại Mỹ – cho biết: “Chúng tôi không muốn bị đưa vào một chiến dịch chống Trung Quốc. Tất nhiên chúng tôi sẽ duy trì nền độc lập của mình, nhưng mối quan hệ kinh tế của Indonesia với Trung Quốc ngày càng lớn. Trung Quốc là nước ảnh hưởng nhiều nhất đối với Indonesia vào lúc này”.
Các nhà phân tích quân sự cho biết Mỹ gần đây đã triển khai máy bay P-8 Poseidon để hoạt động trên Biển Đông từ các căn cứ quân sự ở Singapore, Philippines và Malaysia.
Đáp lại việc Trung Quốc tăng cường các cuộc tập trận quân sự tại Biển Đông trong năm 2020, Mỹ cũng đã đẩy mạnh tần suất tiến hành các hoạt động tự do hàng hải, triển khai tàu ngầm và các chuyến bay trinh sát.
Máy bay này đã làm nhiệm vụ ở Biển Đông ít nhất 6 năm. Gần đây, Mỹ đã sử dụng các căn cứ quân sự ở Singapore, Philippines và Malaysia để thực hiện các chuyến bay giám sát của P-8 ở Biển Đông, Reuters dẫn lời các chuyên gia phân tích quân sự cho biết. Mỹ tăng cường các hoạt động tuần tra của máy bay trinh sát và tàu ngầm, tàu mặt nước ở Biển Đông trong bối cảnh Trung Quốc bị cáo buộc tiếp tục quân sự hóa vùng biển quốc tế mang ý nghĩa chiến lược này.
Với hệ thống radar tiên tiến, camera có độ nét cao, cảm biến âm thanh cùng khả năng phóng ngư lôi và tên lửa hành trình, máy bay P-8 có thể trinh sát, thu thập thông tin tình báo tại các đảo, khu vực trên mặt nước và dưới nước tại Biển Đông, cũng như phát hiện và tấn công tàu chiến, tàu ngầm từ khoảng cách xa.
Hoài Nam (t.h)