Indonesia tố tàu Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế
Indonesia cho biết tàu hải cảnh Trung Quốc đi vào vùng đặc quyền kinh tế phía bắc nước này và Jakarta đã gửi thông báo cho Bắc Kinh.
“Tàu hải cảnh Trung Quốc số hiệu 5204 xuất hiện trong vùng đặc quyền kinh tế gần quần đảo Riau hôm 12/9. Chúng tôi đã liên lạc với đại diện Trung Quốc ở Jakarta để yêu cầu làm rõ vấn đề, tái nhấn mạnh rằng không có khu vực chồng lấn giữa vùng đặc quyền kinh tế Indonesia và vùng biển Trung Quốc”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Indonesia Teuku Faizasyah cho biết hôm nay.
Cơ quan an ninh hàng hải Indonesia (IMSA) cho biết tàu hải cảnh Trung Quốc khẳng định họ đang tuần tra “đường chín đoạn”, khu vực được Bắc Kinh đơn phương vẽ ra và bao trùm gần như toàn bộ Biển Đông, dù trái ngược với quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) cũng như phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực.
Giới chức Indonesia cho biết tàu 5204 đã rời khỏi vùng đặc quyền kinh tế nước này hôm 14/9.
Không giống nhiều quốc gia khác trong khu vực, tuyên bố chủ quyền của Indonesia ở Biển Đông không trực tiếp xung đột với Trung Quốc. Tuy nhiên, vùng đặc quyền kinh tế của nước này xung quanh quần đảo Natuna chồng lấn với đường chín đoạn phi pháp của Trung Quốc. Tàu cá Trung Quốc đã nhiều lần hoạt động trong khu vực này.
Indonesia hôm 26/5 gửi thư cho Liên Hợp Quốc, nói rằng “đường 9 đoạn” của Trung Quốc trên Biển Đông thiếu cơ sở luật pháp quốc tế, trích dẫn quyết định năm 2016 của Tòa Trọng tài Thường tực. Thư cũng bác bỏ các yêu sách lịch sử phi lý của Bắc Kinh đối với vùng biển này. Ngoại trưởng Indonesia ngày 4/6 khẳng định tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông gây tổn hại lợi ích kinh tế của Indonesia.
Trung Quốc gần đây tăng cường các hoạt động đòi chủ quyền phi pháp trên Biển Đông như điều tàu bám theo tàu khoan của Malaysia, đâm chìm tàu cá Việt Nam, hay mới đây nhất là việc hải quân nước này trồng rau trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa, nhằm chối bỏ phán quyết của PCA rằng hầu hết các thực thể ở Biển Đông đều không được coi là đảo theo quy định của UNCLOS và không có vùng lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa riêng.
Việt Nam ngày 10/4 cũng đã lưu hành công hàm tại Liên Hợp Quốc để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với quy định của luật pháp quốc tế, mọi yêu sách biển trái với quy định UNCLOS, xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng biển của Việt Nam là không có giá trị.
(Theo AFP)