+
Aa
-
like
comment

India Today: Việt Nam, thỏi nam châm hút chuỗi cung ứng toàn cầu

Bảo Trâm - 11/06/2020 10:51

Ngày 10/6, trang báo Ấn Độ India Today đã có bài viết nói về xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng rời khỏi Trung Quốc. Bài viết cũng khẳng định Việt Nam là quốc gia tuy nhỏ bé nhưng hội tụ tất cả điều kiện cần để phát triển mạnh mẽ nền kinh tế trong tương lai.

Ngay sau những thành công trong việc đẩy lùi dịch bệnh, thỏi nam châm Việt Nam lại một lần nữa thu hút sự chú ý của cả thế giới khi Quốc hội Việt Nam phê chuẩn Hiệp định EVFTA.

Theo India Today, kế hoạch di dời khỏi Trung Quốc đã có ngay khi chiến tranh thương mại Mỹ-Trung nổ ra, nhưng đến khi dịch bệnh bùng nổ thì tất cả doanh nghiệp toàn cầu đều nhận thấy kế hoạch này phải hành động ngay lập tức để tránh nền “kinh tế đi xuống” trầm trọng hơn nữa.

Một báo cáo của Công ty cung cấp dịch vụ kiểm soát chất lượng và chuỗi cung ứng QIMA (trụ sở tại Hồng Kông) cho thấy đại dịch Covid-19 đang đẩy nhanh xu hướng chuyển dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc của các tập đoàn châu Âu và Bắc Mỹ, đơn cử như ông lớn Apple.

Apple sẽ dịch chuyển sản xuất về Việt Nam trong thời gian tới.

Trong báo cáo của QIMA, có 45% nhu cầu đối với Đông Nam Á (Việt Nam, Myanmar và Philippines dẫn đầu), và 52% ở Nam Á, nơi Bangladesh vẫn là điểm đến số 1 của các thương hiệu dệt may.

Sự gia tăng nhu cầu này đã thể hiện rõ trong tháng 1 và tháng 2, khi Trung Quốc đang phải ngừng tất cả chuỗi sản xuất vì Covid-19.

Lắp ráp ô tô tại Việt Nam

Qima chỉ ra, đầu tiên, khi các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng tại Trung Quốc vào tháng 3, ngành sản xuất đã phục hồi mạnh mẽ. Tuy nhiên, sự phục hồi này đã suy yếu trở lại, giảm 19% khi các khách hàng ở châu Âu và Mỹ bắt đầu rơi vào vòng nguy hiểm của đại dịch.

Thứ hai và quan trọng hơn, trong cuộc thăm dò của Qima với hơn 200 doanh nghiệp có chuỗi cung ứng toàn cầu, 87% số người được hỏi cho biết đại dịch Covid-19 sẽ gây ra những thay đổi đáng kể trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Hơn 50% lưu ý rằng họ đã bắt đầu chuyển sang các nhà cung cấp ở các khu vực không bị ảnh hưởng.

Trước đó, Tập đoàn Tài chính Nomura (Nhật Bản) cũng đã đưa ra nghiên cứu cho thấy Đông Á và Đông Nam Á là điểm đến hàng đầu của 56 công ty có động thái như thế trong giai đoạn 2018-2019. Cụ thể, 28 doanh nghiệp trong số này chuyển đến Việt Nam, 11 đến Đài Loan, 8 đến Thái Lan và chỉ có 3 đến Ấn Độ.

Theo India Today, bằng tất cả những nỗ lực từ việc chống dịch nhanh chóng, giúp nhân dân và doanh nghiệp sớm quay lại kinh doanh, sản xuất đã giúp Việt Nam thu về một ánh nhìn ngưỡng mộ đối với cả thế giới.

Sức hút của Việt Nam, giúp các doanh nghiệp nước ngoài khẳng định lựa chọn Việt Nam là điểm đến hàng đầu thay vì các quốc gia khác trong khu vực còn nhờ vào việc Quốc hội hôm 8-6 phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA).

Nhân công nhiều, kỹ thuật cao, một quốc gia an toàn với nguồn cung ứng dồi dào, được hỗ trợ tối đa của Nhà nước, hơn nữa là những lợi ích kinh tế mà Hiệp định EVFTA đem đến đã chứng minh Việt Nam chính là thỏi nam châm hút chuỗi cung ứng toàn cầu”, trích từ India Today.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp về giải pháp thu hút đầu tư nước ngoài

Trước đó, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã quyết định thành lập tổ công tác đặc biệt, với một tư duy mới, để đón sóng chuyển dịch dòng vốn đầu tư nước ngoài đang chuyển hướng mạnh mẽ sau dịch COVID-19.

Thủ tướng cũng nêu rõ Việt Nam cần có tư duy mới. Các ngành, các địa phương phải đón bắt, đón đầu dòng đầu tư mới này. “Chúng ta phải nghĩ xem nhà đầu tư cần gì để bàn bạc, hợp tác, đáp ứng đúng điều họ cần để phát triển thành công, mang lại lợi ích cho cả hai phía“, Thủ tướng yêu cầu.

Bảo Trâm (Lược dịch theo India Today)

Bài mới
Đọc nhiều