+
Aa
-
like
comment

Im lặng – xã hội sẽ chết lâm sàng

sông trà - 26/11/2019 17:40

Thời gian qua có hàng loạt các vấn đề xã hội mang tính bức xúc và nó cũng là nguồn cơn để cán bộ tha hóa đạo đức, là mảnh đất màu mỡ để cho các thế thực thù địch kích động, chống phá… Suy cho cùng, những vấn đề đó không nhận được tham vấn, phản biện đúng đắn, hoặc có thì các cơ quan quản lý, người làm chính sách cũng chỉ là “nghe cho có chứ không dùng”.

Mới đây, đại diện Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật TP Hồ Chí Minh nói “sẽ huy động các nhà khoa học đề xuất, tư vấn, phản biện và giám định xã hội những vấn đề bức xúc mà xã hội quan tâm”. Điều này bớt chợt làm cho không ít người nhớ đến vai trò của tổ chức có tên “Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật” – gọi tắt là Liên hiệp hội và một trong những chức năng không thể thiếu là phản biện xã hội, chính sách

Nhận định “sẽ phản biện các vấn đề bức xúc” của Liên hiệp hội TP Hồ Chí Minh làm chúng ta nghĩ lại sự tồn tại của tổ chức mang tên “Liên hiệp hội” ở các địa phương

Xã hội nào cũng cần cái gọi là “phản biện xã hội”

Thực ra, việc phản biện một chủ trương, một kế hoạch, một đề án hay kế sách, phương án tác chiến nào đó… không phải là vấn đề mới. Xã hội nào cũng cần có góc nhìn phản biện, nó là hiện tượng đối lưu trong xã hội. Nếu không có thậm chí khắc chế nhau, xã hội không còn thứ gọi là phát triển tự nhiên.

Trong lịch sử Việt Nam đã từng có những bậc đại thần đưa ra bản điều trần mang tính chất đối án. Nhiều vị hoàng đế, như Lý Thái Tổ, Lý Thái Tông, Lý Nhân Tông, Trần Nhân Tông, Lê Thái Tổ… đã có ý thức dựa vào cơ chế tư vấn trong quản lý nhà nước. Họ thực sự lắng nghe, tiếp thu những kiến nghị và can ngăn của các bậc đại thần khi giải quyết những vấn đề có liên quan đến lợi ích dân tộc và vận mệnh quốc gia.

Còn nhớ những năm phụ trách TP Hồ Chí Minh, từ năm 1975, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã chỉ đạo thành lập Hội Trí thức yêu nước do anh Huỳnh Kim Báu làm tổng thư ký. Đến năm 1986, ông đã mời gọi nhiều chuyên gia kinh tế, trong đó có nhiều vị đã từng làm việc cho chế độ cũ, tham gia tư vấn cho ông dưới tên gọi “Văn phòng công tác nghiên cứu kinh tế thuộc bí thư Thành ủy”.

Đến khi ra Hà Nội, ông là vị thủ tướng đầu tiên tập hợp trí thức, chuyên gia, lập nên tổ tư vấn cho Thủ tướng về cải cách kinh tế và cải cách hành chính, gọi tắt là “tổ tư vấn cải cách cho Thủ tướng”.

Khi đất nước thống nhất bước vào thời kỳ đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa-hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, thì vị trí, vai trò của đội ngũ trí thức càng được nâng cao. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khoá X khẳng định: “Xây dựng đội ngũ trí thức là trực tiếp nâng tầm trí tuệ của dân tộc, sức mạnh của đất nước, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng và chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị…”.

Nhìn rộng ra Trung Quốc đại lục, đứng trước hàng loạt thách thức lớn, cải cách hay là chết, cải cách hay là vĩnh viễn tụt hậu, để khắc phục một di sản hoang phế do người tiền nhiệm để lại, Đặng Tiểu Bình quyết định dựa vào nguồn lực con người. Quan điểm đó được thể hiện ngắn gọn như sau: “Chỉ nói suông không thực hiện được hiện đại hóa mà phải cần có trí thức, có nhân tài”.

Thậm chí, năm 1979, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc đã thành lập nhóm chuyên gia với 600 nhà khoa học để nghiên cứu các vấn đề thuộc về cơ cấu của nền kinh tế qua thực tiễn phát triển kinh tế hơn mười tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và kết quả công việc của nhóm chuyên gia này là kênh tư vấn quan trọng cho các chính sách kinh tế của Chính phủ.

Không có phản biện xã hội, xã hội sẽ chết lâm sàng

Trong thực tế không ít chủ trương, chính sách khi đưa vào cuộc sống vẫn thường nảy sinh những mâu thuẫn ảnh hưởng tiêu cực về mặt lợi ích của các giai tầng trong xã hội. Ở phạm vi hẹp là lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, ở phạm vi rộng là lợi ích của cộng đồng. Điều tất yếu xảy ra là không tạo được sự đồng thuận trong xã hội và làm nảy sinh mâu thuẫn. Lúc này phản biện xã hội là giải pháp tốt, hiệu quả để kịp thời điều chỉnh và giải quyết những vướng mắc, mâu thuẫn. Và người thực hiện chức năng này không ai lợi thế hơn là đội ngũ trí thức.

Nhìn từ thực tế, thời gian qua có hàng loạt các vấn đề xã hội mang tính bức xúc và nó cũng là nguồn cơn để cán bộ tha hóa đạo đức, là mảnh đất màu mỡ để cho các thế thực thù địch kích động, chống phá… Suy cho cùng, những vấn đề đó không nhận được tham vấn, phản biện đúng đắn, hoặc có thì các cơ quan quản lý, người làm chính sách cũng chỉ là “nghe cho có chứ không dùng”.

Có thể kể đến vấn đề  như: Vướng mắc về kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là các công trình giao thông trọng điểm đội vốn lớn, chậm tiến độ, chất lượng kém. Từ các vụ trọng án giết người, ma túy lớn, tín dụng đen, cho tới các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, tình trạng  xâm hại phụ nữ, trẻ em, rồi vấn đề nhạy cảm mang tên tôn giáo –nhân quyền..v..v.

Ai đó đã từng nói nếu khoa học không có chỗ đứng cho sự gian dối thì phản biện xã hội không có chỗ cho sự thoả hiệp và vùng cấm nguy hiểm nhất là vùng không có tri thức. Hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội cái đích cuối cùng là vì lợi ích của nhân dân, của quốc gia dân tộc. Mọi chủ trương, đường lối, chính sách đưa ra phải hợp lòng người, phải phục vụ cho sự phát triển chung của đất nước. Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ phản biện xã hội cho nhiều cấp nhiều ngành.

Thế nhưng, để phát huy vai trò của tri thức trong việc phản biện các vấn đề xã hội không phải chuyện dễ. Vì ở Việt Nam, phản biện hơi phức tạp một chút. Có người không thiện chí, lợi dụng phản biện để chống đối, làm mọi chuyện rối mù lên. Họ làm ảnh hưởng đến phản biện.

Đến nỗi, nhiều nhà quản lý dị ứng với cái gọi là phản biện, ngại phản biện cũng có lý của họ. Phản biện không phải là phá rối, chống đối. Phản biện là một tư duy khoa học cẩn trọng, lật đi lật lại một vấn đề được đưa ra (vấn đề xã hội đang quan tâm) với một cái nhìn không xuôi chiều (nhìn cả mặt thuận và mặt nghịch) để tìm ra chân lý.

Bên cạnh đó, cũng còn những trí thức có trình độ chuyên môn nghiệp vụ giỏi, có kinh nghiệm, nắm vững đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, nhưng trước nhiều vấn đề của xã hội đang được dư luận quan tâm họ vẫn im lặng.

Sự lặng im của họ có nhiều lý do. Người thì quan niệm việc đó là việc của nhà nước để nhà nước lo, không hơi đâu mà ôm rơm nhặm bụng. Người khác thì ngại va chạm, sợ liên lụy ảnh hưởng đến vị trí công tác, đến các mối quan hệ sẽ khó cho đường công danh. Với người có tư tưởng an phận thủ thường thì “ Tránh voi chẳng xấu mặt nào”, “Im lặng là vàng”, chuyện ai người đó lo, tôi không đụng đến ai cũng mong ai đó đừng đụng đến tôi…Ngoài vô vàn lý do khác nhau thì có một căn nguyên chính là ở họ còn thiếu dũng khí, thiếu bản lĩnh.

Từ thực tế trên cho thấy, để xã hội vận động theo chiều hướng phát triển thì công tác phản biện chính sách, phản biện xã hội phải được thực hiện thường xuyên, nghiêm túc, phải được nhìn dưới mọi góc độ, đa ngành nghề và Liên hiệp hội địa phương cũng như cấp Trung ương là nơi tập hợp đông đảo những tri thức khoa học đủ khả năng, trình độ để thực hiện công tác phản biện, góp phần giải quyết hài hòa những vấn đề bức xúc của địa phương, đất nước.

Không thể để những cái chưa đúng chưa trúng có cơ hội len lỏi vào cuộc sống, định hình quy tắc ứng xử của xã hội…nếu im lặng –xã hội sẽ chết lâm sàng. Với tầm quan trọng to lớn, nhưng được bao nhiêu Liên hiệp hội, nhất là cấp địa phương ý thức được vai trò của mình, hay chỉ đơn giản tồn tại như tượng “ma-nơ-canh”.

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều