Ì ạch chống ngập sân bay Tân Sơn Nhất
Tình trạng sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) phập phồng lo ngập vào mùa mưa đã kéo dài suốt nhiều năm, nhưng đến nay các dự án thoát nước cấp bách vẫn chưa thể triển khai.
Giải thoát dự án “mắc cạn” gần thập kỷ
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM thông tin đã hoàn tất hồ sơ dự án cải tạo kênh Hy Vọng (Q.Tân Bình), dự kiến trình HĐND TP thông qua đề xuất chủ trương đầu tư tại kỳ họp tới.
Dự án cải tạo kênh Hy Vọng góp phần tiêu thoát nước chống ngập cho lưu vực sân bay Tân Sơn Nhất đã được TP.HCM chấp thuận phương án từ năm 2013 nhưng phải đến năm 2016, thiết kế cơ sở của dự án mới được UBND TP phê duyệt. Dự án gồm xây dựng tuyến kênh dài 1.821 m, làm đường giao thông dọc hai bên bờ kênh rộng 10 m… Tổng kinh phí đầu tư 513,7 tỉ đồng, trong đó chi phí xây dựng công trình gần 136 tỉ đồng, còn lại là đền bù, giải phóng mặt bằng, các khoản dự phòng, tư vấn…
“Giải pháp căn cơ là cần cải tạo hệ thống thoát nước bên trong hành lang bảo vệ sân bay đảm bảo đồng bộ với hệ thống thoát nước bên ngoài do TP quản lý. Một sân bay lớn, quan trọng như vậy mà hạ tầng thoát nước quá tệ là điều không thể chấp nhận được. TP cần nghiêm túc nhanh chóng tháo gỡ vướng mắc để triển khai các dự án càng sớm càng tốt”.
GS-TS Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và quản lý môi trường, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM
Từ giữa năm 2016, UBND TP đã có quyết định phê duyệt dự án quản lý rủi ro ngập nước khu vực TP.HCM sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và nguồn vốn Ngân hàng Thế giới (WB), trong đó có mục cải tạo kênh Hy Vọng, thời gian thực hiện giai đoạn 2016 – 2021. Tưởng chừng dự án sẽ được khởi công đúng như kế hoạch, tuy nhiên đến giữa năm 2017, việc WB ra thông báo dừng hỗ trợ 400 triệu USD cho dự án “Quản lý rủi ro chống ngập cho TP.HCM” khiến việc cải tạo kênh Hy Vọng đi vào bế tắc.
Tháng 8.2018, Trung tâm điều hành chống ngập nước TP.HCM tiếp tục kiến nghị UBND TP chấp thuận chủ trương đầu tư dự án cải tạo kênh Hy Vọng bằng nguồn ngân sách với mức đầu tư khoảng 150 tỉ đồng. Dù vậy, dự án vẫn còn gặp nhiều vướng mắc về giải phóng mặt bằng, nguồn vốn và thủ tục đầu tư nên chưa thể triển khai.
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) hiện xem xét tài trợ một số hạng mục công trình của dự án quản lý rủi ro ngập như hệ thống cống thoát nước, cống bao khu vực xung quanh. Do vậy, việc đầu tư cải tạo kênh Hy Vọng được xem là cần thiết để đồng bộ dự án nói trên. Công trình cũng góp phần giải quyết ngập úng và cải thiện môi trường, nhất là lưu vực sân bay Tân Sơn Nhất, do đây là một trong những hướng thoát nước chính.
Thông tin dự án cải tạo kênh Hy Vọng “nhúc nhích” sau gần 1 thập kỷ ì ạch nhận được sự quan tâm của rất nhiều người dân, bởi không chỉ là kênh thoát nước chính về phía bắc của sân bay, kênh Hy Vọng đoạn chảy qua đường Phan Huy Ích (P.15, Q.Tân Bình) luôn trong tình trạng ngập kín rác và còn biến đoạn đường này trở thành một trong những “rốn ngập” của TP, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống của những hộ dân xung quanh. Bà Hoành Thị Lài, hơn 20 năm sống tại khu vực này, cho biết cứ mùa mưa tới, rác từ mạn phía trên kết thành từng bè chảy xuống tạo thành “dòng kênh” rác. Cống nghẹt rác làm nước dâng lên, có khi tràn vào cả nhà, khốn khổ vô cùng.
Vẫn khó thoát ngập
Một trong 3 đường thoát nước chính của sân bay đã có chút tín hiệu khả quan, tuy nhiên dự án cải tạo 2 đường thoát nước còn lại – mương Nhật Bản nhánh 2 và kênh A41 đoạn chảy qua khu dân cư P.4, Q.Tân Bình – tương lai còn khá mờ mịt. Cũng trong tình trạng tương tự kênh Hy Vọng, nhiều lần quay lại khảo sát từ năm 2018 đến nay, chúng tôi vẫn ghi nhận hình ảnh nước kênh A41 đen ngòm, lòng kênh bị lấn chiếm nghiêm trọng, bồi lấp nặng nề. Theo kế hoạch, dự án cải tạo kênh A41 dự kiến khởi công vào cuối năm 2017, hoàn thành năm 2018; tuy nhiên đến nay công tác bồi thường giải phóng mặt bằng của dự án này vẫn chưa hoàn thành.
Trong buổi thực tế của đoàn giám sát HĐND TP diễn ra giữa năm 2019, đại diện UBND Q.Tân Bình thông tin dự án kênh A41 và mương Nhật Bản nhánh 2 đang triển khai công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, dự kiến bàn giao mặt bằng thi công dự án trong quý 4/2019. Nhưng đến nay dự án vẫn chưa có thêm tín hiệu gì.
Ông Trần Doãn Mậu, Giám đốc Cảng vụ hàng không Miền Nam, cho biết để đảm bảo sân bay thoát ngập, quan trọng nhất vẫn là cải thiện hướng thoát bên ngoài. Thời gian qua, các kênh bên trong khu vực sân bay quản lý, toàn bộ hệ thống mương, máng thoát nước đều đã được nạo vét đầy đủ, sạch sẽ trước mùa mưa theo các hướng thoát. Do hệ thống thoát nước bên ngoài đang hẹp, mấy năm nay cảng đã phải huy động một số máy bơm nhỏ hỗ trợ thoát nước tại một số hướng thoát khó.
Tuy nhiên, kết quả khảo sát hiện trạng hệ thống thoát nước cho sân bay Tân Sơn Nhất, do Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM (hiện nay là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị) gửi UBND TP.HCM cho thấy không chỉ tắc nghẽn do rác từ bên ngoài, mà hệ thống thoát nước phía trong sân bay cũng còn nhiều vấn đề.
Cụ thể, tuyến cống 1.000 mm từ khu vực Công ty cổ phần thương mại xăng dầu Tân Sơn Nhất qua mương Nhật Bản có nhiều đoạn thoát nước kém do vướng chất thải xây dựng của nhiều đơn vị. Đặc biệt đoạn mương hở phía sau Công ty bay dịch vụ hàng không (VASCO) có dấu hiệu xuống cấp, sạt lở. Tiết diện và khẩu độ của hệ thống thoát nước phía trong sân bay không đồng bộ, việc kết nối với hệ thống thoát nước bên ngoài chưa tốt. Khu vực đỗ máy bay trong sân bay mặc dù cao hơn đường Phan Thúc Duyện (điểm đầu của tuyến kênh thoát nước A41), nhưng nước không thể chảy tràn ra ngoài, do bị hàng loạt công trình gây cản trở…
Trong, ngoài đều “tắc”, sân bay quan trọng nhất cả nước cứ sắp đến mùa mưa lại phập phồng lo ngập.
Hà Mai/ TNO