Huyện nghèo san ủi ngọn đồi, xây tượng đài 14 tỷ
Là một trong những huyện nghèo nhất cả nước, huyện Phước Sơn (Quảng Nam) đang xây dựng tượng đài chiến thắng Khâm Đức với kinh phí 14 tỷ đồng.
Vài tháng qua, người dân đi qua tuyến đường Hồ Chí Minh, đoạn qua thị trấn Khâm Đức (huyện Phước Sơn) có thể dễ dàng nhìn thấy công trình tượng đài chiến thắng Khâm Đức khá đồ sộ, đang được xây dựng.
Để có mặt bằng xây dựng tượng đài này, một quả đồi rộng lớn đã được san lấp, hạ xuống. Công trình do UBND huyện Phước Sơn triển khai.
Tượng đài được xây dựng năm 2017, đến chiều 1/5, nhiều hạng mục dự án chưa hoàn thành, máy móc, vật liệu xây dựng được tập kết ngổn ngang.
Kinh phí từ ngân sách huyện
Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn Nguyễn Mạnh Hà cho biết, năm 2010, tượng đài Khâm Đức được xây dựng, nhưng sau đó hư hỏng, xuống cấp. Tháng 7/2017, tượng đài được được khởi công tu bổ, đến năm 2019 hoàn thành nhân kỷ niệm 50 năm giải phóng Khâm Đức.
“Tuy nhiên, do thiếu vốn, tượng đài vẫn đang được xây dựng, dự kiến đến tháng 8 năm nay sẽ hoàn thành” – ông Hà nói.
Công trình có dự toán ban đầu khoảng 14 tỷ đồng, kinh phí lấy từ ngân sách địa phương.
Vẫn theo ông Hà, kinh phí xây tượng đài được lấy từ nguồn ngân sách của huyện. Mỗi năm, huyện phân bổ vài tỷ đồng để xây dựng từng hạng mục của công trình. Năm nay, huyện phân bổ khoảng 2 tỷ đồng để xây dựng phần tượng đài chính. Ngoài ra, địa phương kêu gọi hơn 1 tỷ đồng từ các DN trên địa bàn ủng hộ.
Công trình được xây trên diện tích 1ha với phần tượng đài chính và công viên. Để tránh sạt lở đất ảnh hưởng đến công trình, huyện Phước Sơn đã san ủi, hạ thấp quả đồi phía sau tượng đài.
“Tượng đài để tưởng niệm quân và dân huyện Phước Sơn trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, nhằm giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Ngoài ra, đây như là điểm nhấn, nơi du lịch nhằm phát triển kinh tế cho địa phương”, ông Hà nói.
Khi được hỏi, Phước Sơn là một trong những huyện nghèo nhất cả nước nhưng lại xây tượng đài lớn, liệu có lãng phí, Chủ tịch UBND huyện cho rằng, tượng đài được xây dựng từ nguồn ngân sách tiết kiệm của huyện, chứ không lấy từ nguồn ngân sách hỗ trợ 30a của Chính phủ.
“Khi tu bổ tượng đài, huyện đã trình và được UBND tỉnh thông qua”, ông Hà giải thích.
Năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo của huyện là 56%, đến năm 2019 giảm còn 25%. Hiện nay, huyện đã có 100% đường bê tông hóa vào các thôn bản.
Lê Bằng/ VNN