Huy động vốn cách nào để tránh tham nhũng dự án cao tốc Bắc Nam?
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) hủy sơ tuyển nhà đầu tư dự án cao tốc Bắc – Nam theo hình thức đấu thầu quốc tế và điều chỉnh hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước là tin vui đối với các doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên, người dân vẫn băn khoăn đầu tư theo cách nào để vừa có lợi cho đất nước, vừa có lợi cho người dân và các doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng đường cao tốc?
Để có thể làm rõ hơn về cơ hội của các nhà thầu trong nước tham gia dự án cao tốc Bắc – Nam, trao đổi với PV, Kỹ sư giao thông Lê Văn Hào, Giám đốc Công ty CP XD Thịnh Phát khẳng định: “Một số đoạn cao tốc sẽ không đáp ứng được phương án thu hồi vốn, và chắc chắn sẽ bị lỗ khi nhà đầu tư tham gia đầu tư”.
Thưa ông! Việc huỷ bỏ đấu thầu quốc tế cao tốc Bắc – Nam để chuyển sang đấu thầu trong nước có phát huy được hiệu quả kinh tế và chọn được nhà đầu tư đủ năng lực không?
– Nếu dùng ngân sách để thực hiện theo diện đầu tư công (dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam) thì ngân sách không đủ. Để đưa ra các phương án tốt nhất, tôi đã có văn bản kiến nghị tới Thủ tướng Chính phủ về một số ý tưởng, giải pháp đầu tư cao tốc Bắc – Nam và mong muốn được Thủ tướng xem xét.
Trước đây, hình thức BT, BOT đã triển khai và đem lại kết quả tốt nhưng cũng kèm theo nhiều hệ lụy cho xã hội như đã thấy ở một số trạm BOT, còn hình thức đầu tư PPP là khá mới mẻ ở Việt nam. Với qui trình: Lựa chọn nhà đầu tư, khảo sát thiết kế, thi công, nghiệm thu đưa vào khai thác vận hành thu phí sử dụng dịch vụ.
Nếu khi sử dụng các hình thức đầu tư BT, BOT, PPP để đầu tư làm mới một công trình như đường cao tốc Bắc – Nam, sau đó thu phí để hoàn trả lại thì không khả thi. Nguyên nhân là do người dân sẽ có quyền lựa chọn các cung đường Quốc lộ 1 cũ và đường Cao tốc để di chuyển để giảm chi phí đi lại.
Đặc biệt, một số đoạn cao tốc sẽ không đáp ứng được thu hồi vốn, và chắc chắn sẽ bị lỗ khi tham gia đầu tư. Do đó, sẽ không thu hút được các nhà đầu tư, Nếu trường hợp này mà Nhà nước dùng chính sách can thiệp để buộc người dân sử dụng dịch vụ đường cao tốc thì sẽ xảy ra phản ứng trong dư luận.
Theo ông huỷ đấu thầu quốc tế thì nên thực hiện theo phương án nào vừa có lợi chung, vừa có lợi cho người dân và các doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng đường cao tốc?
– Hầu hết lâu nay quy trình đầu tư chúng ta chỉ thực hiện theo quy trình 1 chiều, thiếu tính phản biện và luôn thực hiện kiểu hậu kiểm. Điều này làm thất thoát chi phí, giảm chất lượng công trình, tăng tham nhũng, lợi ích nhóm… Do đó, để hài hoà lợi ích giữa các bên chúng ta cần phải thực hiện theo hình thức 4 bên: Cá nân, tổ chức cho vay – Nhà nước trung gian vay, cho vay – Nhà thầu thi công – Đơn vị vận hành sử dụng thu phí. Bằng hình thức này, Nhà nước bằng tín chấp của mình đứng ra huy động vốn cho các dự án thành phần đường cao tốc, hoặc nhà nước đứng ra làm trung gian bảo lãnh cho doanh nghiệp tham gia làm đường vay vốn ngân hàng, tổ chức tín dụng, các quỹ BHXH,… Trong nước với lãi suất nhất định (sẽ có thỏa thuận giữa doanh nghiệp với bên cho vay về cách thức vay – trả, thời hạn vay, lãi suất cho vay). Sau đó tổ chức đấu thầu thi công đường cao tốc.
Ông đánh giá như thế nào về việc huỷ đấu thầu quốc tế cơ hội của nhà đầu tư trong nước chiếm tỷ lệ ra sao?
– Ngày 24/9/2019, Bộ GTVT đã hủy kết quả sơ tuyển đấu thầu quốc tế chuyển sang đầu thầu trong nước, mở ra 100% cơ hội cho các nhà thầu trong nước. Với các công trình hạ tầng giao thông hiện hữu đã được thực hiện thành công trong nhưng năm gần đây cho thấy rằng, năng lực của các nhà thầu trong nước là hoàn thoàn làm được. Trên thực tế, các nhà thầu trong nước đã thi công nhiều tuyến đường cao tốc. Trường hợp một số gói thiết bị đặc chủng có thể cho phép nhà thầu nhập khẩu.
Về năng lực tài chính: Do ngân sách hạn hẹp không thể thực hiện các dự án đầu tư có tổng mức đầu tư lớn như đường cao tốc Bắc – Nam. Các Nhà thầu trong nước cũng chưa đủ mạnh để đáp ứng được năng lực tài chính để thực hiện các dự án nên mới dẫn đến việc Bộ GTVT mới đưa ra giải pháp đâu tư theo hình thức PPP. Nhưng đến nay đã hủy và chuyển sang đấu thầu trong nước vì vậy Ngân hàng Nhà nước cũng cần phải có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp.
Quan điểm của ông như thế nào về hình thức đầu tư PPP đối với dự án cao tốc Bắc – Nam?
– Việc chuyển sang đấu thầu trong nước, chắc chắn sẽ có 100 % doanh nghiệp trong nước tham gia thi công. Tuy nhiên, nếu vẫn áp dụng hình thức đầu tư theo hình thức PPP, khi mà chúng ta áp dụng chưa nhiều thì sẽ dẫn đến rất nhiều hệ lụy điển hình như các hình thức đầu tư đã từng xẩy ra: BT, BOT…, khi chúng ta không thể kiểm soát được hoạt động, không thể minh bạch được quá trình thi công cũng như vận hành ự án. Điều này sẽ tạo cơ hội cho các nhà thầu đó trục lợi bằng mọi giá một cách hợp pháp.
Để tránh được việc đó cần triển khai tiến hành thuê tư vấn khảo sát thiết kế trong hoặc ngoài nước tiến hành khảo sát thiết kế, minh bạch thông tin dự án. Thành lập các ban chuyên đề thẩm định hồ sơ thiết kế, đồng thời tiến hành công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, kiểm tra thuế ..
Nhà nước bằng tín chấp của mình đứng ra huy động vốn cho các dự án thành phần đường cao tốc, hoặc nhà nước đứng ra làm trung gian bảo lãnh cho doanh nghiệp tham gia làm đường vay vốn ngân hàng, tổ chức tín dụng, các quỹ BHXH,… trong nước với lãi suất nhất định (sẽ có thỏa thuận giữa doanh nghiệp với bên cho vay vè cách thức vay – trả, thời hạn vay, lãi suất cho vay).
Sau khi Nhà nước huy động được vốn thì tồ chức đấu thầu. Khi có kết quả dấu thầu sẽ tiến hành thi công, trong quá trình thi công thì bộ phận giám sát, thanh kiểm tra, kiểm toán sẽ tham gia luôn ngay trên hiện trường, chiết tính khối lượng hoàn thành thực tế, nghiệm thu theo số liệu thực tế trên công trường, rồi mới được thanh toán khối lượng thi công theo thực tế.
Sau khi hoàn thành nghiệm thu, các bên tiến hành chốt số liệu ngay tại công trường, chấp nhận kết quả quyết toán và thành toán đầy đủ cho nhà thầu. Nhà thầu sẽ không phải chịu bất kỳ của kiểm tra hoặc thanh tra bất kỳ đợt nào khác thêm nữa. Vận hành thu phí để trả lại tiền vay và một phần lãi suất vay.
Phải minh bạch số tiền thu phí khi một phương tiện bắt đầu tham gia giao thông trên tuyến đó trên bảng điện tử tại trạm thu phí để nhân dân được quyền giám sát. Đồng thời số liệu đó được lưu lại theo thời gian trên hệ thống máy chủ có phần mềm bảo mật. nhân viên thu phí không thể tự tiện can thiệp. Nhà nước có chính sách để khuyến khích, bắt buộc một số phương tiện tham gia giao thông trên đường cao tốc, tăng thêm nguồn thu và giam thời gian khấu hao.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, lý do huỷ đấu thầu quốc tế dự án cao tốc Bắc – Nam là do trong quá trình triển khai dự án, Bộ GTVT quán triệt tinh thần phải tiến hành nghiêm túc, đảm bảo đúng quy định pháp luật, hiệu quả, khách quan, minh bạch và đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Căn cứ những quy định của pháp luật hiện hành, đặc biệt Luật đấu thầu (Điều 15), đối với 8 dự án thành phần được Quốc hội phê duyệt đầu tư theo hình thức đối tác công – tư (PPP), Bộ GTVT đã tiến hành sơ tuyển lựa chọn Nhà đầu tư theo hình thức đấu thầu quốc tế.
Tính đến cuối tháng 7/2019, sau 2 tháng kể từ thời điểm phát hành Hồ sơ mời sơ tuyển, bên mời thầu (các Ban Quản lý dự án của Bộ GTVT) đã nhận được 60 bộ hồ sơ dự tuyển.
Kết quả đánh giá hồ sơ dự sơ tuyển của bên mời thầu và quá trình thẩm định làm rõ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, có 4 dự án không có nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển; Có 2 dự án có duy nhất 1 nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển; 1 dự án có từ 2 nhà đầu tư và 1 dự án có 3 nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển. Như vậy, số lượng nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển không nhiều, tính cạnh tranh không cao.
Sau khi đánh giá trách nhiệm pháp lý quy định tại hồ sơ mời sơ tuyển quốc tế đã phát hành và Luật đấu thầu, trên cơ sở thống nhất của các cơ quan liên quan, Bộ GTVT quyết định hủy sơ tuyển theo hình thức đấu thầu rộng rãi quốc tế và điều chỉnh hồ sơ mời sơ tuyển phù hợp với hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước lựa chọn nhà đầu tư thực hiện 8 dự án PPP thuộc Dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông.
Thế Anh