Cao tốc Bắc – Nam: Khi Chính phủ lắng nghe ý kiến phản biện của người dân
Sau một thời gian đón nhận nhiều luồng ý kiến khác nhau về dự án cao tốc Bắc – Nam, ngày 24/09, Bộ GTVT chính thức tuyên bố chỉ đấu thầu trong nước với 8 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông.
Quả đúng là “một tin vui” cho người dân Việt Nam, nhất là những người từng thiết tha lên tiếng cũng như ký tên vào kiến nghị thư kêu gọi Chính phủ không cho đấu thầu quốc tế vì lo sợ các nhà thầu Trung Quốc sẽ “chiếm” dự án cao tốc Bắc-Nam, một trong những dự án trọng điểm của đất nước. Khi hệ lụy trước mắt từ dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông do vay vốn và nhà thầu Trung Quốc đảm trách là một minh chứng rõ ràng nhất.
Vui mừng trước thông tin chỉ đấu thầu trong nước với 8 dự án thành phần thuộc Dự án cao tốc Bắc-Nam, nhà báo Hồ Bất Khuất bày tỏ trên trang Facebook cá nhân rằng Chính phủ đã biết lắng nghe dân khi hủy đấu thầu quốc tế Dự án cao tốc Bắc – Nam: “Theo tôi thấy đấy là một dấu hiệu phản biện xã hội, nhất là các ý kiến được bày tỏ qua mạng xã hội, thì Chính phủ cũng đã lắng nghe. Hơn nữa, tôi thấy trong dân chúng, người ta gần như thống nhất là nếu để cho nhà thầu nước ngoài vào thì không có lợi cho an ninh quốc gia. Chính vì vậy, Chính phủ đã thông qua một quyết định mà tôi cho là sáng suốt và đây là tin vui nhất từ Chính phủ trong thời gian gần đây.”
Bạn đọc Mai Lan chia sẻ: “Cộng đồng mạng đã có một chiến thắng ngoạn mục, hết sức có ý nghĩa. Đây là một thông tin rất, rất tốt lành. Nhà nước Việt Nam đã lắng nghe tiếng nói phản biện của rất nhiều người về vấn đề cao tốc đường bộ Bắc – Nam”.
Trang cá nhân Trung Nguyễn bình luận: “Cuối cùng thì nguyện vọng của nhân dân, góp ý của nhân sĩ trí thức về đấu thầu cao tốc Bắc Nam cũng đã được lắng nghe. Quyết định hủy kết quả đấu thầu vòng sơ tuyển để thay đổi cơ chế thầu nhằm ngăn chặn nhà thầu Trung quốc là một quyết định rất kịp thời”
Mới đây tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chia sẻ “mong muốn có người phản biện sắc sảo cho Đảng và chính quyền trong việc hoạch định chính sách”. Có thể thấy những chủ trương, chính sách, dự án lớn của đất nước đều được Chính phủ công khai trên tất cả các phương tiện thông tin truyền thông. Và hiện nay, Chính phủ đã có động thái thể hiện sự tiếp thu những ý kiến đóng góp của người dân về các vấn đề liên quan đến vận mệnh của đất nước.
Một quốc gia quyết định đặt trọn niềm tin vào các doanh nghiệp trong nước, đó là một quyết sách đánh dấu sự chuyển mình vĩ đại. Một sự kỳ vọng lớn lao rằng các doanh nghiệp Việt hoàn toàn đủ khả năng để làm các công trình thế kỷ. Chúng ta có quyền kỳ vọng vào những tín hiệu vui đến từ nhà thầu nội. Nhưng trên tất cả, tín hiệu vui nhất phát đi chính là quyết định táo bạo từ Chính phủ khi huỷ kết quả sơ tuyển theo hình thức đấu thầu rộng rãi quốc tế để đấu thầu rộng rãi trong nước. Chắc chắn đây là quyết định mà nhiều người dân Việt chờ đợi.
Minh Thư