‘Huy chương vàng’ kinh tế, nỗi niềm sau bộ vest hào nhoáng của doanh nhân
Đừng nhìn vào tấm áo vest hào nhoáng của doanh nhân, mà đằng sau đó còn là mồ hôi, nước mắt để giành được tấm huy chương vàng kinh tế.
Tấm huy chương vàng thứ 99 và 100
Phát biểu tại hội nghị “Thủ tướng với doanh nghiệp: phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp – hội nhập – hiệu quả – bền vững”, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, Giảng viên Đại học Fulbright, nhắc đến 98 Huy chương Vàng Việt Nam đạt được tại SEA Games 30 và nói thêm 2 chiếc huy chương vàng nữa: Chiếc thứ 99 và 100. “Tấm huy chương vàng thứ 99 là thành quả kinh tế xã hội mà Việt Nam đạt được trong năm 2019”, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn nhấn mạnh.
Từ kỳ tích Seagames vừa qua, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn kỳ vọng rồi đây GDP bình quân đầu người của Việt Nam không chỉ dừng lại ở con số 3.000 mà đạt mức hàng chục nghìn USD “nếu có thầm nhìn và khát vọng”.
“Cộng đồng doanh nghiệp đóng góp vào thành quả của chiếc huy chương vàng thứ 99. Doanh nghiệp cũng vất vả, khó khăn suy tư, trăn trở để có thể giành được thành quả, đóng góp xứng đáng vào tấm huy chương vàng thứ 99”, ông Tuấn chia sẻ. Ông nhắn nhủ “đừng nhìn vào tấm áo vest hào nhoáng của doanh nghiệp, mà đằng sau đó còn là mồ hôi, nước mắt để giành được tấm huy chương kinh tế”.
Nhìn hình ảnh cổ động viên thức khuya, dầm mưa cổ vũ đội tuyển, ông Tuấn bật lên câu hỏi: “Chúng ta có sẵn sàng thức khuya, làm việc cật lực để giúp doanh nghiệp đạt huy chương vàng về mặt kinh tế hay không? Tôi kì vọng chúng ta làm được như cách ta cổ vũ đội tuyển bóng đá nước nhà”.
Nhắc đến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với mục tiêu “có một Việt Nam hùng cường vào năm 2045”, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn nói muốn được trao tấm huy chương vàng thứ 100 cho Thủ tướng. Người mà ông Tuấn thừa nhận rằng mình đã “học được tinh thần làm việc tận tâm, tận lực, truyền cảm hứng” của Thủ tướng.
Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn mong nhiều địa phương trăn trở, suy tư về doanh nghiệp. Bởi còn nhiều nơi, sở ngành vẫn bàng quan và vô cảm trước khó khăn của doanh nghiệp, chưa xem khó khăn của doanh nghiệp như khó khăn của mình. “Đó rõ ràng là điều đáng tiếc”, ông Tuấn cảm thán.
Nhắn nhủ sau cùng, ông Tuấn nhấn mạnh 3 từ: Cán bộ công chức xin hãy làm việc có “lương tâm, danh dự và trách nhiệm”.
Những lời gửi gắm của doanh nghiệp
Trình bày tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp cũng gửi gắm tới Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các bộ ngành nhiều thông điệp, kiến nghị.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Một cộng đồng doanh nghiệp lớn mạnh bền vững có khả năng cạnh tranh toàn cầu, với những doanh nhân Việt Nam có khát vọng, có lòng tự tôn dân tộc mãnh liệt chính là những tiền đề quan trọng để Việt Nam trở thành một quốc gia độc lập tự cường và thịnh vượng vào năm 2045.
Ông Nguyễn Việt Quang, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup, cho rằng từ kinh nghiệm thực tiễn trên của thế giới, cần thiết phải có một hệ thống chính sách đồng bộ, khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp có thêm động lực để tạo ra được những sản phẩm made in Vietnam đẳng cấp, chất lượng, gắn với mục tiêu phát triển bền vững, cạnh tranh sòng phẳng với các thương hiệu quốc tế không chỉ tại thị trường Việt Nam mà còn tiến ra chinh phục thị trường thế giới.
Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công (TTC Group) Đặng Văn Thành thì nêu ra 4 vấn đề về các lĩnh vực: mía đường, năng lượng sạch, cổ phần hóa và tài chính. Trong đó, về cổ phần hóa, Chủ tịch TTC Group đề nghị Chính phủ mạnh dạn hơn vì xã hội không mất gì cả.
Còn ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Công ty Cổ phần ô tô Trường Hải (Thaco), than phiền khi Chính phủ đã xác định “nông nghiệp là ngành chiến lược” nhưng các ngân hàng “rất e ngại cho vay nông nghiệp”.
Có lẽ, còn phải làm rất nhiều việc để doanh nghiệp Việt lớn lên, trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế, vì một Việt Nam hùng cường vào năm 2045. Những tâm tư kiến nghị của doanh nghiệp tại hội nghị phần nào đã cho thấy điều đó, bởi các ý kiến trên đã được nhắc đi nhắc lại ở rất nhiều hội nghị, tọa đàm mà chưa được đáp ứng.
Vậy nên, một trong những nội dung đáng chú ý khi kết luận hội nghị là Thủ tướng đã nhắc lại thông điệp: Trừ cứu hỏa và thiên tai, việc giải quyết các khó khăn của doanh nghiệp phải nằm ở trang đầu quyển sổ tay hành động của lãnh đạo. “Không thể biết doanh nghiệp rất khó khăn trên địa bàn của mình, trong lĩnh vực của mình phụ trách mà không quan tâm giải quyết, đừng có bệnh thờ ơ trong việc phát triển này”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Hà Duy/VNN