Hướng đi nào cho quân đội dưới thời Tổng thống Biden?
Mặc dù quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đang gia tăng căng thẳng nhưng quân đội hai bên muốn duy trì mối quan hệ ổn định để ngăn cản các cuộc khủng hoảng an ninh tiềm năng.
Tờ SCMP dẫn lời các nhà phân tích nhận định, liên lạc quân sự giữa Trung Quốc và Mỹ phải được cải thiện dưới thời chính quyền Tổng thống Joe Biden bởi vì cả hai nước cần có mối quan hệ ổn định mới có thể ngăn ngừa hiệu quả các cuộc khủng hoảng an ninh.
Đối đầu giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới trên nhiều lĩnh vực từ thương mại tới địa chính trị – chắc chắn sẽ tiếp tục ngay cả sau khi Tổng thống Donald Trump rời nhiệm sở vào tuần trước. Tuy nhiên, điều đó cũng là một cơ hội để Mỹ và Trung Quốc tìm kiếm một cơ chế liên lạc tốt hơn do không bên nào muốn một “cuộc chiến tranh nóng”.
Mặc dù căng thẳng vẫn hiện diện tại khu vực Thái Bình Dương, việc khôi phục lại liên lạc quân sự – vốn cực kỳ ít ỏi kể từ khi Trung Quốc không tham gia một cuộc họp trực tuyến hồi tháng 12/2020 – vẫn được coi là cách dễ dàng nhất để phòng ngừa một cuộc khủng hoảng.
“Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc và quân đội Mỹ không chỉ là các lực lượng đối đầu… mà còn là lực lượng tiên phong để ngăn cản các cuộc khủng hoảng an ninh diễn ra”, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Hoa Kỳ tại Đại học Nhân dân Trung Quốc, ông Shi Yinhong đánh giá.
Ông Shi cũng cho rằng, liên lạc quân sự đã chịu nhiều ảnh hưởng dưới thời chính quyền Trump. Mặc dù vậy, nó vẫn giúp làm giảm nguy cơ về một cuộc chiến hạt nhân và các rủi ro khác.
“Đối đầu giữa quân đội hai bên và chạy đua vũ trang về cơ bản sẽ không thay đổi bởi vì Mỹ sẽ triển khai thêm các vũ khí chiến lược tới Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”, ông Shi chỉ ra. “Ngay cả dưới thời Trump, vẫn không xảy ra xung đột quân sự bất ngờ trong khi căng thẳng leo thang tại các vùng biển… Điều đó cho thấy cả Mỹ và Trung Quốc đều muốn ngăn ngừa khủng hoảng”.
Ông Drew Thompson, một cựu nhân viên Bộ Quốc phòng Mỹ chỉ ra, cả Quân ủy Trung ương (CMC) – cơ quan giám sát quân đội Trung Quốc và Bộ Quốc phòng Mỹ đều coi trọng mối quan hệ ổn định giữa hai bên.
“Quan hệ quân sự Mỹ-Trung khá ổn định trong suốt chính quyền Trump, vì vậy tôi kỳ vọng xu thế đó sẽ được tiếp tục dưới chính quyền Biden bởi vì các nền tảng cơ cấu của quan hệ quân sự song phương đã được phát triển rất tốt và đem lại lợi ích chung”, ông Thompson – hiện là một học giả tại Trường chính sách công Lý Quang Diệu, Singapore – nhận xét.
Theo ông Thompson, “cả hai bên đều đánh giá cao việc duy trì các kênh [liên lạc quân sự] ở mức cao nhất – giữa Bộ trưởng Quốc phòng và các đồng cấp CMC, giữa các nhà lãnh đạo cấp cao chịu trách nhiệm về chính sách và hợp tác quốc tế; cũng như giữa các nhà chỉ huy không quân và hải quân nhằm giảm nguy cơ hiểu lầm và tính toán sai ở mọi cấp độ”.
Năm 2019, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Wei Fenghe và người đồng cấp từ Mỹ lúc đó là Mark Esper đã cam kết duy trì một mối quan hệ quân sự ổn định và cải thiện hợp tác vào thời điểm gần 18 tháng sau khi ông Trump khởi xướng cuộc chiến thương mại nhằm gây sức ép để Bắc Kinh cải thiện hệ thống kinh tế.
Tháng trước, nhiều tuần sau khi ông Esper bị cách chức, các kênh liên lạc giữa quân đội hai nước đã đóng lại khi phía Trung Quốc không xuất hiện trong một buổi họp trực tuyến được lên kế hoạch với các quan chức từ Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ. Lý do Trung Quốc đưa ra là phía Mỹ đã thay đổi chương trình nghị sự.
“Lãnh đạo Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc phải đối phó với 5 vị bộ trưởng và quyền bộ trưởng quốc phòng trong 4 năm nhiệm kỳ của ông Trump, đó là một thách thức”, nhà quan sát quân sự Zhou Chenming chỉ ra. “Dưới thời Tổng thống Biden, quân đội Trung Quốc mong chờ một người đồng cấp giống với ông Esper, hoặc thậm chí tương tự một tướng chuyên nghiệp như ông Jim Mattis [người tiền nhiệm của Espes]”.
Đầu tuần trước, trong một buổi điều trần trước Thượng viện, tướng về hưu Lloyd Austin – người vừa trở thành tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ từ ngày 22/1 khẳng định, ông coi Trung Quốc là mối đe dọa chủ chốt cho nước Mỹ.
“Rõ ràng, chiến lược sẽ là chuẩn bị đối phó với đe dọa và Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất trong tương lai bởi vì Trung Quốc đang không ngừng lớn mạnh. Nga cũng là một mối đe dọa nhưng nó đang giảm đi”, ông Austin nói.
Nhà bình luận quân sự Trung Quốc Song Zhongping đánh giá, nhận định của Bộ trưởng Austin cho thấy chính quyền Biden sẽ tiếp tục cách tiếp cận của Tổng thống Trump là sử dụng sức mạnh quân sự vượt trội của Mỹ để kiềm chế một Trung Quốc đang lên.
“Tuy nhiên, giống như chính quyền Trump, ông Biden sẽ tránh ‘một cuộc chiến tranh nóng’ với quân đội Trung Quốc, vì vậy quân đội hai bên sẽ cố gắng đạt được một cơ chế giải quyết khủng hoảng ổn định và vững vàng hơn”, ông Song kết luận.
Minh Đức