+
Aa
-
like
comment

Hướng đến một ngành công nghiệp chế biến, chế tạo lớn mạnh và bền vững

Diệu Hương - 04/01/2022 07:33

Vượt qua nhiều “khúc cua” do tác động của đại dịch Covid-19 trong năm 2021, hoạt động xuất nhập khẩu của nước ta vẫn cán mốc kỷ lục mới. Với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu lần đầu tiên đạt 668,5 tỷ USD, tăng 22,6%, tương đương tăng tới 123 tỷ USD so với năm 2020. Có được thành công đó phải kể đến hoạt động sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo đã vượt qua rất nhiều khó khăn để duy trì mức đóng góp trên 85% tổng giá trị xuất khẩu của toàn ngành. Dù thế, vẫn còn nhiều việc phải làm để lĩnh vực này thực sự là động lực tăng trưởng của nền kinh tế.

Năm 2021, mặc dù kinh tế thế giới và khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề bởi sự đứt gãy chuỗi cung ứng do tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19, tuy nhiên, sản xuất công nghiệp của Việt Nam vẫn được duy trì và khởi sắc. Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp năm 2021 ước tính tăng 4.82% so với năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6.37%, đóng góp 1.61 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 5.24%, đóng góp 0.19 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4%, đóng góp 0,02 điểm phần trăm; ngành khai khoáng giảm 6.21%, làm giảm 0.23 điểm phần trăm trong mức tăng chung. Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo năm 2021 tăng 4.5% so với năm 2020 (năm trước tăng 3.3%).

Từ những con số thống kê trên có thể thấy, công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục đóng vai trò chủ đạo, tạo ra giá trị gia tăng lớn nhất cho khu vực công nghiệp và tác động lan tỏa tổng thể đến chất lượng tăng trưởng kinh tế. Đáng chú ý, cơ cấu các ngành công nghiệp đang có sự chuyển biến tích cực khi tỷ trọng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ngày càng tăng, trong khi tỷ trọng của ngành khai khoáng có xu hướng giảm. Điều này phù hợp với định hướng tái cơ cấu ngành công nghiệp.

Đặc biệt khi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới tiêu chuẩn cao như CPTPP, EVFTA có hiệu lực, công nghiệp cũng là ngành có sức hấp dẫn lớn đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài. Trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) gần một năm qua, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm già nửa tổng số vốn đăng ký (53%) dẫn đầu trong các lĩnh vực đầu tư. Những con số này được kỳ vọng sẽ tạo động lực quan trọng cho tăng trưởng công nghiệp của Việt Nam những năm tới.

Vấn đề là làm sao để hiện thực hóa những kỳ vọng, cũng là đòi hỏi tất yếu của một nền sản xuất định hướng xuất khẩu của Việt Nam. Trong khi đóng góp vào xuất khẩu nhiều năm qua, khối doanh nghiệp FDI vấn đang chiếm tới 70% tổng kim ngạch xuất khẩu. Các ngành xuất khẩu chủ lực như điện tử, dệt may, da giày tăng trưởng ở mức cao, nhưng tỷ lệ nội địa hóa vẫn còn khá khiêm tốn.

Đơn cử một diễn biến rất liên quan đó là, tại cùng thời điểm chỉ cách đây 1 tuần khi tại các cửa khẩu phía biên giới Việt Nam đang tồn ứ hơn 6 nghìn xe nông sản chờ xuất khẩu. Thì ở chiều ngược lại, phía bên kia biên giới, lượng phương tiện, hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam cũng tồn khoảng 3000 xe hàng, chủ yếu là linh kiện điện tử, nguyên liệu phục vụ sản xuất trong nước mà doanh nghiệp rất cần để gấp rút hoàn thành các đơn hàng đã ký dịp cuối năm.

Chỉ đơn cử trường hợp ấy thôi đã cho thấy, bên cạnh những biện pháp cấp bách như tăng cường đàm phán giao thương với đối tác để tận dụng tối đa các lợi thế từ các FTA mà Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện RCEP sẽ có hiệu lực từ đầu năm 2022, với chính sách ưu đãi cộng gộp nguồn nguyên liệu trong khối thị trường tham gia Hiệp định cho phép. Thì giải pháp then chốt, lâu dài chính là làm sao để chủ động được nguồn cung trong nước, đẩy mạnh sản xuất công nghiệp theo chuỗi giá trị toàn cầu, đẩy mạnh liên kết, cung ứng trong các vùng kinh tế trọng điểm. Nghĩa là điều quan trọng, cốt yếu nhất vẫn là phải phát triển công nghiệp hỗ trợ, hình thành chuỗi cung ứng ngắn, thay thế nguồn hàng nhằm phát huy mọi nguồn lực trong nước và nguồn tại chỗ, hạn chế sự phụ thuộc quá mức vào nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu do bị đứt gãy vì Covid-19.

Tất cả điều đó đã được đề ra tại Nghị quyết số 115/2020/NĐ-CP về các giải pháp thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ của Thủ tướng Chính phủ ban hành tháng 8/2020, với 7 nhóm giải pháp lớn để thực hiện các mục tiêu đã được cụ thể hóa tại nghị quyết này, chỉ còn chờ hành động một cách bài bản để có hiệu quả.

Diệu Hương

Bài mới
Đọc nhiều