+
Aa
-
like
comment

Huế sắp có nhà máy điện khí LNG trị giá 6 tỷ USD vốn 60% từ Mỹ

09/11/2020 11:14

Nhà máy có tổng công suất thiết kế 4.000 MW, trị giá 6 tỷ USD dự kiến được đặt tại Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô.

Cổng thông tin điện tử tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, lãnh đạo tỉnh đã có cuộc gặp với nhà đầu tư, đối tác của dự án Nhà máy điện khí Chân Mây LNG hôm 7/11.

Dự án nhà máy Điện khí Chân Mây, TT-Huế là một cơ hội đột biến, như một bom tấn kinh tế cho Việt Nam.

Nhà máy điện này do Công ty cổ phần Chân Mây LNG đầu tư và phát triển. Đây là dự án điện độc lập (IPP), tức không sử dụng vốn ngân sách nhà nước để đầu tư, khai thác và bán điện theo quy định của pháp luật về điện lực. Dự án có vốn sở hữu 60% của Mỹ và 40% của Việt Nam. Khi đi vào hoạt động, dự tính hàng năm nhà máy sẽ cung cấp sản lượng điện trung bình 24 – 25 tỷ kWh.

Lãnh đạo tỉnh Thừa thiên Huế thảo luận với các đối tác Mỹ

Nhà máy điện khí LNG Chân Mây được đầu tư 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 nhà đầu tư sẽ xây dựng 3 tổ máy với tổng công suất 2.400MW, và dự kiến đưa vào vận hành thương mại giai đoạn 2024-2026. Giai đoạn 2 sẽ xây dựng 2 tổ máy với tổng công suất 1.600MW, vận hành thương mại giai đoạn 2026-2028. Sản lượng điện trung bình hằng năm cho 1 tổ máy 4.800 triệu kWh.

Khu Kinh tế Chân Mây – Lăng Cô.

Nhà máy dự kiến được đặt giữa bến cảng nước sâu và các mạch đường dây 500kV, trong tổng khoảng cách dưới 10km. Các chuyên gia cho rằng, đây là một trong những dự án có hiệu quả kinh tế, tính khả thi rất cao khi được phép triển khai.

Nhà máy dự kiến được đặt giữa bến cảng nước sâu và các mạch đường dây 500kV, trong tổng khoảng cách dưới 10km

Ông Trần Sĩ Chương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Chân Mây LNG cho biết công ty đã huy động đủ tài chính, công nghệ, các nguồn lực cần thiết để sẵn sàng đầu tư, thiết kế xây dựng nhà máy. Doanh nghiệp mong muốn được hỗ trợ từ tỉnh, các đối tác nhằm sớm bắt tay vào công việc.

Với tổng mức đầu tư 6 tỷ USD, dự án điện khí thiên nhiên hoá lỏng Chân Mây được kỳ vọng sẽ tạo đột phá lớn cho ngành năng lượng Việt Nam, tạo công ăn việc làm cho hơn 20 ngàn lao động ngay sau dịch Covid-19, góp phần thúc đẩy quan hệ thương mại Việt – Mỹ.

Trong ảnh: Ký kết hợp tác nghiên cứu đầu tư phát triển Dự án Nhà máy điện khí tại Khu Kinh tế Chân Mây – Lăng Cô giữa CTCP Chân Mây LNG và tỉnh Thừa Thiên Huế. Ảnh: Phương Hoa – TTXVN

Ở hai đầu Nam – Bắc, những khu vực có thể sử dụng làm khu công nghiệp (KCN) đều đã hết do tốc độ tăng trưởng quá nhanh, chỗ duy nhất để dịch chuyển công nghiệp chính là miền Trung. KCN không chỉ cần quỹ đất, cảng, các nhà đầu tư thường quan tâm nhất là có đủ điện, nguồn nhân lực cung ứng cho nhà máy không, điện có ổn định, có sạch không, nguồn nhân lực chất lượng cao có không? Gần đây, các định chế tài chính ngày càng hạn chế cung cấp tài chính cho những dự án gây ô nhiễm.

Dự án Chân Mây LNG có thể coi là một ví dụ điển hình để xây dựng một chiến lược bài bản về liên kết, liên doanh để tạo ra sức bật mạnh mẽ ngay trong đại dịch cho cả một vùng đất, bảo đảm tiêu chí về môi trường, hàm lượng chuyển giao công nghệ, chất xám cho nguồn nhân lực, góp phần chuyển đổi ngành nghề địa phương… cho một KCN.

Vị trí của dự án

Nhà máy điện khí không phát thải CO2, oxit lưu huỳnh hay bụi mịn mà thành phần thải chính ra môi trường là oxit nitơ – tạm có thể coi là khí sạch. Quy chuẩn Việt Nam quy định oxit nitơ thải ra môi trường trong khoảng 210mg/nano m3, đạt tiêu chí. Tuy nhiên, trong quy chuẩn Nhà máy điện khí LNG Chân Mây theo đuổi, để đáp ứng được nhu cầu của Ngân hàng Thế giới, mức phát thải oxit nitơ của nhà máy đạt 50mg/nano m3, hay nói cách khác chỉ nằm trong khoảng 24%, nghiêm ngặt gấp 4 lần so với quy chuẩn của Việt Nam.

Về môi trường nước, điện khí sử dụng nước làm lạnh lấy từ nước biển ngoài khơi cách bờ 2km chứ không lấy ngang bờ nhằm đảm bảo không xâm phạm vào nguồn nước ngọt và hệ sinh thái bờ biển. Nước biển không làm lạnh trực tiếp cho tuabin được nên phải hóa hơi để lấy nước ngọt. Công nghệ tua bin đốt bằng khí LNG để quay tua bin và sinh ra điện.

Sử dụng chu trình phức hợp, ngoài những tuabin chạy bằng cách đốt khí LNG, nhà máy đã tái sử dụng lượng hơi nước sinh ra từ quá trình dùng nước làm lạnh các tuabin này để chạy một tuabin đuôi. Cứ 4 tuabin chạy khí LNG thì vận hành được thêm 1 tuabin công suất tương đương từ hơi nước nên có hiệu suất sản xuất điện rất lớn.

Khu kinh tế Chân Mây

Là người trực tiếp kêu gọi đầu tư và thiết kế dự án, thúc đẩy đi vào hoạt động trong thời gian “thần tốc” bằng mối quan hệ chặt chẽ với các nhà đầu tư lớn, Ngân hàng Thế giới và chính quyền hai phía Việt Nam và Mỹ, ông Trần Sĩ Chương chia sẻ: “Điện khí Chân Mây là một cơ hội đột biến, như một bom tấn kinh tế. Tổng thống Trump mới quyết định gia hạn chính sách ưu đãi giá xuất khẩu của khí hóa lỏng đến năm 2050.

Đây là một chính sách rất có lợi cho người tiêu thụ điện từ nhà máy Chân Mây LNG (Thừa Thiên Huế) dự kiến sẽ nhập phần lớn khí hoá lỏng từ Hoa Kỳ, nơi có nguồn khí kinh tế và ổn định nhất. Giá khí thấp thì giá điện cũng sẽ thấp, lợi ích trực tiếp cho mọi nhà.

Dự án này được giới truyền thông Mỹ (kể cả The New York Times, Bloomberg…) đặc biệt quan tâm là vì đã nhận được sự cam kết cho toàn bộ vốn và vay từ các nhà đầu tư chính từ Mỹ, cùng bộ phận đầu tư tài chính IFC thuộc Ngân hàng Thế giới (WB), và các cơ quan của chính phủ Mỹ có trách nhiệm hỗ trợ công dân và doanh nghiệp Mỹ đầu tư ở nước ngoài.

Một góc khu vực Cảng nước sâu Chân Mây (tỉnh Thừa Thiên Huế).

Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh, tỉnh rất quan tâm đến lĩnh vực môi trường, do vậy, các dự án thân thiện với môi trường luôn được ưu tiên. Ông cũng đánh giá cao tính khả thi của dự án, nhất là các đối tác của dự án máy điện khí LNG Chân Mây do tiềm lực mạnh và có kinh nghiệm trong thực hiện các dự án điện khí.

Khu Kinh tế Chân Mây – Lăng Cô. Ảnh: Báo Công Thương.

Ngoài việc đầu tư vào dự án này, Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn các đối tác nước ngoài, trong đó có Công ty Mitsubishi nghiên cứu, đầu tư vào Thừa Thiên Huế trên các lĩnh vực thế mạnh khác như cảng biển, logistics.

Đức Minh

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều