HSBC: “Những điều tồi tệ dành cho Việt Nam đã qua!”
Trang Hubbis của HongKong vừa có bài viết trích dẫn báo cáo kinh tế của Ngân hàng HSBC, trong đó đưa ra dự đoán kinh tế Việt Nam đang dần hồi phục. Qua đó trích dẫn nhận định của Tổng giám đốc HSBC Việt Nam, tin rằng tình huống tệ nhất đã nằm lại sau lưng, Việt Nam sẽ lấy lại đà tăng trưởng vượt bậc vào 2022.
Khi đánh giá những tháng cuối năm và tình hình trong tương lai, Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu HSBC nhận định kinh tế Việt Nam có thể lấy lại nhịp tăng trưởng GDP ở mức 6,8% trong năm 2022 chủ yếu nhờ đầu tư FDI mạnh mẽ trở lại tập trung nhiều vào lĩnh vực sản xuất từ đó thúc đẩy xuất khẩu cho Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh các Hiệp định Tự do Thương mại Việt Nam ký trong vòng hai năm qua bắt đầu mang lại trái ngọt.
Theo Hubbis, tầng lớp trung lưu tiếp tục mở rộng và cụ thể là tầng lớp giàu ngày một gia tăng sẽ thúc đẩy tiêu dùng của Việt Nam từ đó mang lại thay đổi tích cực trong lĩnh vực tiêu dùng bởi người Việt Nam đã bắt đầu chi tiêu mạnh tay hơn cho giải trí và du lịch.
Cơ sở hạ tầng mới đưa vào sử dụng cũng sẽ tiếp tục “tiếp thêm nhiên liệu” cho các hoạt động kinh tế, đặc biệt trong lĩnh vực tái tạo/năng lượng xanh sau khi chính phủ Việt Nam đã ra những tham vọng lớn sau Hội nghị COP26, cụ thể mục tiêu hướng đến của Việt Nam là tới năm 2045, năng lượng tái tạo sẽ chiếm tới 75% tổng năng lượng sản xuất trong nước.
“Những điều tồi tệ đã qua, tình huống tệ nhất đã nằm lại sau lưng, Việt Nam sẽ lấy lại đà tăng trưởng như năm 2019 trong thời gian tới”, ông Tim Evans, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam nói.
“2021 là một năm thật đặc biệt”, ông nói. Năm qua, Việt Nam đã có một khởi đầu tốt trong quý I, khi kinh tế tăng trưởng tích cực nhờ xuất khẩu phục hồi mạnh mẽ. Nhưng mọi người không lường trước được tác động của biến chủng Delta. Nền kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng, tới mức các chỉ số GDP của quý III ghi nhận thấp kỷ lục, mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam bắt đầu công bố số liệu GDP.
Tuy nhiên, động lực chính thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn được duy trì mạnh mẽ và chỉ tới đợt giãn cách nghiêm ngặt trong năm 2021 mới bị ảnh hưởng nhẹ. Tổng kim ngạch xuất khẩu trong 11 tháng đầu năm tăng 17,5% giúp thặng dư thương mại có xuất siêu nhẹ.
Nhờ tiêu dùng gia tăng sau khi gỡ bỏ giãn cách, nhu cầu mua sắm trong nước phục hồi, lạm phát cơ bản trong tháng 11 tăng 0,11% so với tháng 10 và tăng 0,58% so với cùng kỳ năm trước, vẫn trong ngưỡng mục tiêu đề ra. “Sau vài tháng khó khăn do áp dụng các biện pháp giãn cách nghiêm ngặt, tình hình đang ngày càng ổn định hơn”, ông Tim Evans nhận định.
Bảo Trâm (Theo Hubbis, News Fox24)