Hotgirl gội đầu thành trưởng phòng Tỉnh ủy: Kỳ lạ chữ ký và lời tường trình
Mặc dù sau khi thừa nhận việc làm sai trái của mình, trong tờ tình gửi Ban tổ chức Tỉnh ủy Đắk Lắk, bà Thảo vẫn ký tên chị gái mình.
Xung quanh xôn xao vụ nữ trưởng phòng xinh đẹp mượn bằng cấp 3 của chị gái để xin việc, thăng tiến, ngày 4/10, theo thông tin trên báo chí, ông Nguyễn Thượng Hải – Chánh Văn phòng Tỉnh uỷ Đắk Lắk xác nhận, tên thật của Trưởng phòng Hành chính – Quản trị trực thuộc Văn phòng Tỉnh uỷ Đắk Lắk hiện nay là bà Trần Thị Ngọc Thảo (44 tuổi).
Bà Thảo là người đã sử dụng bằng tốt nghiệp cấp 3 của chị gái tên là Trần Thị Ái Sa (hiện là hộ lý ở khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng) để xin việc.
Theo ông Hải, sau khi khi có kết quả xác minh, bà Thảo đã gửi đơn xin nghỉ việc đến Văn phòng và Ban Tổ chức Tỉnh ủy.
Theo đơn, bà Thảo trình bày việc sử dụng bằng giả là thời điểm đó còn trẻ, suy nghĩ chưa chín chắn và nông nổi.
Bà Thảo muốn có việc làm để mưu sinh trong lúc gia đình khó khăn. Do đó, bà Thảo đã mượn hồ sơ, bằng cấp của chị gái để xin việc chứ hoàn toàn không có mục đích nào khác.
Qua việc này, bà Thảo thấy việc làm của mình là sai trái và xin nhận khuyết điểm, nhận mọi hình thức kỷ luật của Đảng, tổ chức. Từ đó, bà Thảo xin thôi việc tại Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk.
Điều đáng nói ở đây, sau khi thừa nhận việc làm của mình là sai trái, trong tờ trình gửi Đảng ủy Văn phòng Tỉnh ủy và Ban tổ chức Tỉnh ủy Đắk Lắk, bà Thảo vẫn ký tên của chị gái mình là Trần Thị Ngọc Ái Sa mà không phải dùng tên thật của mình. Hơn nữa, trong tờ trình thừa nhận việc làm của mình là sai trái không phải được viết tay.
Cũng liên quan đến việc này, sau khi xảy ra sự việc, nhiều người đặt ra câu hỏi liệu bà Thảo có được nâng đỡ trong thời gian làm việc ở Văn phòng Tỉnh uỷ Đắk Lắk không?
Về việc này, tại buổi gặp gỡ với báo chí, ông Hải thừa nhận có sai sót của các cán bộ từ cấp cơ sở đến Văn phòng, Ban tổ chức Tỉnh ủy trong việc tiếp nhận, đề bạt, bổ nhiệm bà Ái Sa (tức bà Thảo) chứ không có nâng đỡ.
“Có sai sót trong việc thẩm định hồ sơ mới có việc người này dùng bằng người khác để xin việc, đi học rồi thăng tiến chứ. Cái này chúng tôi cũng sẽ xử lý từng bước và kiên quyết”, ông Hải cam kết.
Cũng theo ông Hải, phải xuất phát từ thời điểm lịch sử, lúc đó hai chị em khá giống nhau nên các cơ quan chuyên môn mới nhầm lẫn và để bà Thảo đi học, thăng tiến dưới cái tên của chị mình.
“Mới đây, khi nhận đơn nặc danh, chúng tôi mới biết, tiến hành xác minh và mới ‘lòi’ ra việc bà Thảo làm giả hồ sơ. Đây là bài học kinh nghiệm cho chúng tôi trong công tác rà soát, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ. Tới đây, Tỉnh ủy cũng sẽ có văn bản chấn chỉnh, yêu cầu phải chặt chẽ hơn trong việc theo dõi hồ sơ cán bộ”, ông Hải cho biết.
Lộ trình thăng tiến
Năm 1992-2002, để xin vào làm nhân viên hợp đồng tại Xí nghiệp chế biến cà phê thuộc Công ty Xuất nhập khẩu 2/9, bà Thảo đã lấy bằng tốt nghiệp THPT của chị gái mình là bà Trần Thị Ngọc Ái Sa để cho đúng thủ tục mới được nhận vào làm. Sau đó, bà Thảo sử dụng bằng này đi học trung cấp kế toán.
Từ năm 2005 – 2009, bà Thảo học từ xa trường đại học Đà Nẵng chuyên ngành kế toán với tên của chị gái. Từ năm 2005-2011, bà Thảo xin vào làm kế toán ở Nhà khách Tỉnh ủy Đắk Lắk.
Tháng 10/2009, Văn phòng Tỉnh ủy tiếp nhận về làm kế toán ở Phòng quản trị của Văn phòng Tỉnh ủy. Trong vòng 3 năm, từ năm 2013-2016, bà Thảo lần lượt được bổ nhiệm qua các chức vụ Phó phòng, rồi Trưởng phòng Quản trị.
(Theo Đất Việt)