Hợp tác Việt – Mỹ ‘mạnh mẽ hơn bao giờ hết’
Đó là khẳng định của các thành viên dẫn đầu Phái đoàn Mỹ tại buổi họp báo đón nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt (CVN-71) đến Đà Nẵng vào chiều 5.3.
Buổi họp báo do UBND TP.Đà Nẵng cùng đại diện Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao và các đơn vị liên quan tổ chức tại cầu cảng Tiên Sa (Đà Nẵng).
Thuộc nhóm tàu chiến Mỹ thăm Đà Nẵng lần này, bên cạnh tàu USS Theodore Roosevelt còn có tuần dương hạm USS Bunker Hill (CG-52) chịu trách nhiệm hộ tống. Trong đó, tàu sân bay USS Theodore Roosevelt neo ở khu vực vịnh Đà Nẵng, còn tuần dương hạm USS Bunker Hill cập cảng Tiên Sa.
Thành tố trọng yếu
Phát biểu tại buổi họp báo, Đô đốc John C.Aquilino, Chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương (Mỹ), nhấn mạnh Việt Nam và Mỹ là đối tác tin cậy của nhau. Chuyến thăm lần này là bước ngoặt quan trọng trong mối quan hệ song phương giữa 2 nước.
Tổ chức lại buổi tham quan tàu sân bay
Chiều 5.3, nhiều PV tỏ ra tiếc nuối khi đã lên tàu trung chuyển để ra thăm tàu sân bay USS Theodore Roosevelt nhưng do sóng lớn nên tàu trung chuyển không thể tiếp cận được với hàng không mẫu hạm đang neo tại vị trí phao số 0, vịnh Đà Nẵng, đành quay trở về.
Ông Hoàng Khánh Hưng, Trưởng phòng Báo chí – Xuất bản (Sở TT-TT TP.Đà Nẵng), cho biết qua trao đổi với Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao và các ngành liên quan, ban tổ chức thống nhất sẽ tổ chức lại chuyến tham quan tàu sân bay vào 8 giờ sáng nay (6.3) trong điều kiện thời tiết thuận lợi. Nếu thời tiết xấu, các PV sẽ được ban tổ chức bố trí tham quan tuần dương hạm USS Bunker Hill (CG-52).
“Chuyến thăm thể hiện mạnh mẽ sự ủng hộ của Mỹ đối với Việt Nam và cam kết của Mỹ đối với Việt Nam. Chúng tôi ủng hộ Việt Nam bảo vệ chủ quyền, bảo vệ độc lập và thể hiện các quyền tự do hàng hải chính đáng ở trong khu vực”, ông John C.Aquilino khẳng định.
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink đánh giá chuyến thăm lần này là một minh chứng rõ ràng thể hiện sự cam kết của Mỹ đối với Việt Nam cũng như khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. “Khi 2 nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao vào năm 1995, xét về góc độ thương mại thì thời điểm đó gần như không có, giao lưu nhân dân hạn chế. Hôm nay, chúng ta có thể thấy mối quan hệ hợp tác giữa 2 nước chúng ta mạnh mẽ hơn bao giờ hết”, Đại sứ Kritenbrink phát biểu và cho rằng quan hệ hợp tác có thể kể đến gồm an ninh, quan hệ thương mại giữa 2 nước với thương mại 2 chiều lên đến 77 tỉ USD…
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam cũng cho biết đây là chuyến tàu sân bay thứ hai đến Việt Nam, tiếp sau chuyến thăm lịch sử của tàu Carl Vinson đến Đà Nẵng năm 2018. Ông khẳng định, mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Mỹ và Việt Nam là thành tố trọng yếu trong chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (Indo-Pacific) của Mỹ.
Sức mạnh hợp tác an ninh song phương
“Tôi nghĩ sự hiện diện của tàu sân bay Theodore Roosevelt và Đô đốc John C.Aquilino thể hiện sự cam kết của Mỹ với Việt Nam cũng như khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Nếu chúng ta nhìn vào bối cảnh rộng hơn một chút thì đây cũng là thể hiện sự cam kết chung trong khu vực. Ở đây chúng tôi đang cố gắng thể hiện sự nâng cao và củng cố những nguyên tắc mang tính chất quốc tế, đó là thượng tôn pháp luật, tôn trọng chủ quyền lẫn nhau, tôn trọng quyền chủ quyền các nước…”, Đại sứ Mỹ khẳng định.
Cam kết với khu vực
Đó là nhận định của các chuyên gia quốc tế khi trả lời phỏng vấn Thanh Niên ngày 5.3 về sự kiện tàu sân bay USS Theodore Roosevelt thăm Việt Nam.
TS Swee Lean Collin Koh (chuyên gia quốc phòng thuộc Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam, Singapore): Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh tình hình Biển Đông vẫn đang diễn biến phức tạp, Trung Quốc có một loạt hành động gây quan ngại. Trong khi đó, chính quyền của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte lại vừa hủy Thỏa thuận Lực lượng thăm viếng (VFA) song phương với Mỹ. Từ những thực tế trên, Washington cần có biện pháp nhấn mạnh việc Mỹ tiếp tục cam kết đối với an ninh và hòa bình trong khu vực thông qua sự hiện diện quân sự. Vì thế, việc tàu sân bay USS Theodore Roosevelt hiện diện ở Đông Nam Á, cập cảng Đà Nẵng, là tín hiệu cho sự nhấn mạnh trên.
PGS Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế – Nhật Bản; học giả tại Quỹ Châu Á – Thái Bình Dương – Canada): Việc Mỹ điều tàu sân bay tiếp tục thăm viếng Việt Nam là một biểu tượng quan trọng để nhấn mạnh quan hệ hợp tác giữa hai nước. Đây cũng là động thái minh chứng cho sự sẵn sàng, khả năng Mỹ can dự vào tình hình Biển Đông.
TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ): Ngay cả khi đang nhận sự giúp đỡ từ các nước lân cận để chống dịch Covid-19, nhưng Trung Quốc dường như không từ bỏ sách lược lâu nay. Vì vậy, Mỹ cần có động thái cụ thể nhằm thể hiện cam kết đóng góp vào sự ổn định của khu vực này. Và việc điều động tàu sân bay đến khu vực là cách thể hiện tốt nhất.
Liên quan sự kiện hải quân Mỹ chuyển giao cho Việt Nam tàu tuần tra vừa qua, Đô đốc John C.Aquilino, Chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương, cho biết thêm chiếc tàu tuần tra thứ hai sẽ được Mỹ chuyển giao trong cuối năm nay. Việc chuyển tàu lần thứ hai sẽ tương tự lần thứ nhất.
Tại buổi họp báo, ông Hồ Kỳ Minh, Phó chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng, cho hay chuyến thăm lần này là một trong những hoạt động đầu tiên kỷ niệm 25 năm quan hệ ngoại giao 2 nước. “Việc Đà Nẵng vinh dự đón tàu sân bay USS Theodore Roosevelt lần này tiếp tục khẳng định năng lực đón tàu hải quân các nước của cảng Đà Nẵng và vai trò vị trí của TP trong các hoạt động hợp tác giao lưu quốc tế và quốc phòng”, ông Minh phát biểu.
Chiều cùng ngày, Đô đốc John C.Aquilino dẫn đầu đoàn công tác đã đến chào xã giao lãnh đạo TP.Đà Nẵng. Tại buổi tiếp đón, Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ chúc mừng chuyến thăm hữu nghị của Hải quân Mỹ đến Đà Nẵng.
Trong thời gian thủy thủ đoàn lưu lại Đà Nẵng sẽ có các hoạt động giao lưu cộng đồng và trao đổi chuyên môn. Đặc biệt, các nhóm sĩ quan, thủy thủ đoàn cũng tham gia trao đổi chuyên môn về hỗ trợ, ứng phó thảm họa và phòng chống dịch Covid-19… với TP.Đà Nẵng.
Hoàng Sơn – Huy Đạt/TN