Hợp tác an ninh quốc phòng Việt – Mỹ đang diễn ra mạnh mẽ
Quan hệ Việt – Mỹ hiện nay đang ở mức tốt nhất. Điều này cũng đúng với hợp tác an ninh và giữa quân đội hai nước. Hai bên càng làm việc với nhau thì càng hiểu rõ nhau, càng hiểu rõ nhau thì càng tin tưởng nhau.
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink cho biết như vậy trong cuộc gặp báo chí ngày 2/7, nhân kịp hai nước chuẩn bị kỷ niệm 25 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về hợp tác quốc phòng song phương, Đại sứ Kritenbrink nói rằng quan hệ Việt – Mỹ hiện nay đang là tốt nhất, mạnh mẽ nhất từ trước đến nay. Điều này cũng đúng với hợp tác an ninh và hợp tác giữa quân đội hai nước. Đại sứ Mỹ cho rằng việc hai nước và hai quân đội hiểu nhau hơn sẽ mang lại lợi ích cho cả hai bên, vì những lợi ích chung của hai nước và Mỹ ủng hộ sự đóng góp quan trọng của Việt Nam cho an ninh khu vực và quốc tế.
Để thúc đẩy những mục tiêu chung đó, phía Mỹ thúc đẩy đối thoại giao lưu với các cấp của Việt Nam. Vì thế nên trong 3 năm qua có 3 bộ trưởng quốc phòng Mỹ thăm Việt Nam. Hai bên có những đối thoại chính thức và không chính thức ở Hà Nội, Washington và Honolulu hay những nơi khác, Đại sứ cho biết.
Đại sứ Kritenbrink cho biết từ năm 2012, Mỹ dành hàng trăm triệu USD để giúp Việt Nam nâng cao năng lực, trong đó có năng lực bảo đảm an ninh trên biển.
“Mỹ tin rằng các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam, cần có năng lực để hiểu rõ điều gì đang diễn ra trên vùng biển của mình, cần năng lực để bảo vệ lợi ích của mình và chủ động đóng góp cho ổn định, an ninh khu vực, khiến chiến tranh ít có nguy cơ xảy ra hơn”, Đại sứ nói.
Đại sứ cho biết, những hoạt động hợp tác giúp hai bên hiểu nhau nhiều hơn. Càng làm việc với nhau thì càng hiểu rõ nhau, càng hiểu rõ thì thì càng tin tưởng nhau.
Hiện có khoảng 30.000 du học sinh Việt Nam đang học tại Mỹ. Mỹ hy vọng sẽ ngày càng có thêm nhiều cán bộ, sĩ quan quân đội của Việt Nam tham gia đào tạo, tập huấn và cùng với Mỹ, Đại sứ Kritenbrink nói.
“Chúng tôi hy vọng sẽ tăng cường các hoạt động hợp tác như vậy trong tương lai. Nhưng chúng tôi chỉ làm mới tốc độ mà cả hai bên đều cảm thấy thoải mái”, ông nói.
Về việc 3 tàu sân bay Mỹ cùng hiện diện trên biển Đông trong thời gian gần đây trùng hợp với thời gian Trung Quốc đưa 200 tàu cá ra đảo Sinh Tồn (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam), Đại sứ Kritenbrink cho biết Mỹ không đối phó với sự việc cụ thể nào trên biển Đông, mà điều Mỹ đang cố gắng làm là thể hiện rằng lợi ích lâu dài của Mỹ phụ thuộc vào hòa bình và ổn định trên biển Đông.
“Chúng tôi tin rằng ở biển Đông, tất cả các nước đều phải tuân thủ luật quốc tế, đưa ra những yêu sách dựa trên luật quốc tế, hành xử theo luật và các nước dù lớn cũng không được dọa nạt các nước khác. Chúng tôi tin vào việc giải quyết các tranh chấp trên biển Đông bằng biện pháp hòa bình, chúng tôi tin vào quyền tự do hàng hải và tự do bay”, Đại sứ Mỹ nói.
Ông cũng cho biết Mỹ phản đối những nỗ lực của quốc gia nào đó nhằm chèn ép nước khác phải dừng những hoạt động hợp pháp của họ trên biển Đông. Mỹ phản đối những nỗ lực của Trung Quốc nhằm cản trở các thành viên của ASEAN tiếp cận nguồn tài nguyên dầu khí trị giá khoảng 2.500 tỷ USD trên biển Đông. Mỹ tin rằng những hành động khiêu khích lặp đi lặp lại của Trung Quốc là nhằm đe dọa ác nước liên quan khác khai thác dầu khí, đe dọa thị trường dầu khí ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, ông nói.
Đại sứ Mỹ cũng cho biết Washington đánh giá Trung Quốc đã cố lợi dụng cuộc khủng hoảng COVID-19 để thực hiện những hành động hung hăng, bắt nạt trên biển Đông nhằm thúc đẩy lợi ích của họ. Vì thế, chỉ trong vài tháng qua, chúng ta đã thấy nhiều vụ việc liên quan đến hành vi quấy rối, thậm chí đâm chìm cả tàu cá Việt Nam, việc Trung Quốc điều tàu thăm dò đi vào vùng đặc quyền kinh tế của các nước khác.
Đại sứ Mỹ cho biết chính sách của Washington được thiết kế để thúc đẩy và hỗ trợ các đồng minh và đối tác.
Ông cho biết Mỹ nỗ lực bảo đảm hòa bình, ổn định trên biển Đông bằng 3 cách: hợp tác với các nước khu vực, trong đó có ASEAN; hỗ trợ các nước tăng cường năng lực trên biển các nước trong ASEAN; phát triển năng lực quân sự của Mỹ, thực hiện các hoạt động như tuần tra tự do hàng hải để thể hiện các quyền của mình.
Đó là lý do mọi người thấy quân đội Mỹ đã và sẽ tiếp tục hoạt động trên biển Đông, ông nói.
Hoài Nam (t.h)