+
Aa
-
like
comment

Hồng Kông : Khủng hoảng chính trị làm lụn bại kinh tế

21/09/2019 07:45

Phong trào biểu tình đòi dân chủ ở Hồng Kông từ đầu mùa hè đến nay đã kéo dài gần 4 tháng. Không có dấu hiệu cho thấy lối thoát cuộc khủng hoảng trong khi cái giá mà đặc khu hành chính này phải trả đã thấy rõ. Du lịch bị tác động nặng nề, hoạt động buôn bán đình đốn, các doanh nghiệp sa thải hàng loạt nhân viên.

hkong
Một hành khách tức giận vì các chuyến bay từ Hồng Kông bị gián đoạn nghiêm trọng do người biểu tình chiếm lĩnh nhiều khu vực ở sân bay

Những hình ảnh hàng vạn người dân Hồng Kông biểu tình trên đường phố, các vụ đụng độ dữ dội giữa người biểu tình với cảnh sát hay với các nhóm chống biểu tình lan truyền khắp thế giới trong suốt nhiều tháng qua. Du khách cũng như các doanh nhân không còn muốn đến vùng đất vốn được coi trung tâm tài chính và du lịch của thế giới.

Không một dấu hiệu nào cho thấy người biểu tình hay chính quyền lùi bước. Người ta lo ngại cuộc khủng hoảng trầm trọng này sẽ còn kéo dài. Chính quyền đặc khu hành chính đã nhiều lần đưa ra những con số báo động, quy trách nhiệm cho người biểu tình về những thiệt hại kinh tế.

Tháng trước, trưởng đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) đã cảnh báo các hậu quả tàn phá nền kinh tế Hồng Kông có thể còn tồi tệ hơn cả vụ dịch viêm phổi cấp SARS năm 2003 và “cơn bão tài chính” năm 2008 và Hồng Kông sẽ phải rất lâu mới hồi phục được.

nganhang
Biểu tình trước tòa tháp Ngân Hàng Trung Quốc tại Hồng Kông ngày 15/09/2019.

Vịnh Đồng La (Causeway Bay) là một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi các cuộc biểu tình. Khu phố tập trung rất đông các cửa hiệu hạng sang này bình thường vẫn là trung tâm mua sắm đông người nhất thành phố. Giờ đây những ngày cuối tuần, thay vì hình ảnh mọi người đến mua sắm tấp nập là cảnh tượng đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình.

Một dược sĩ có cửa hàng trong vịnh Đồng La, tên Chiu cho AFP biết, người nước ngoài chiếm một nửa số khách của cửa hàng, từ đầu phong trào biểu tình đến giờ, doanh thu của ông đã giảm thê thảm. Ông đã không biết bao nhiêu lần phải đóng cửa hàng và doanh thu của cửa hàng đã giảm từ 40 đến 50%. Ngay cả khách hàng địa phương cũng giảm đi rất nhiều. So với cuộc khủng hoảng phong trào Dù Vàng phong tỏa thành phố suốt 79 ngày hồi năm 2014, cửa hàng của ông bị thất thu hơn nhiều.

Đó là trường hợp của doanh nghiệp nhỏ. Du lịch mới là ngành chịu thiệt hại trực tiếp và nặng nề. Các con số thống kê trong tháng 7 và tháng 8 cho thấy tỷ lệ đặt phòng khách sạn cũng như lượng du khách giảm tới 50%. Ông Edward Yau, lãnh đạo thương mại và phát triển của chính quyền Hồng Kông cảnh báo : “Những gì đang diễn ra ở Hồng Kông những tháng qua đang đặt kinh tế và dân cư địa phương trong tình trạng đáng lo ngại, thậm chí đến mức nguy cấp”.

Một quan chức khác phụ trách tài chính của thành phố, ông Paul Chan cho AFP biết số lượng du khách đến Hồng Kông đã giảm so với năm trước 40% tính đến tháng trước.

Bầu không khí xã hội căng thẳng hiện nay ở Hồng Kông khiến nhiều nước như Mỹ, Úc và Nhật bản đã lên tiếng cảnh báo các công dân của mình không nên đến Hồng Kông. Trong tháng 8, hãng hàng không lớn nhất Hồng Kông, Cathay Pacific cũng lâm vào khó khăn khi phải hủy hàng loạt chuyến bay trong vụ phi trường bị người biểu tình phong tỏa suốt nhiều ngày và tổng đình công. Lượng khách vận chuyển của Cathay Pacific trong tháng 8 giảm 11%.

Sân bay Hồng Kông, sân bay đứng hàng thứ 8 thế giới về lưu lượng khách qua lại, cũng ghi nhận giảm 12,4% lượng hành khách, tức khoảng 850 nghìn người. Khách du lịch đến từ Hoa Lục giảm đến 90% so với cùng thời kỳ này năm trước. Trước tháng 6, lượng khách Trung Quốc chiếm 80% du khách tới Hồng Kông.

Nhiều sự kiện văn hóa, thể thao cũng đã bị hủy bỏ. Trung tâm giải trí Disneyland Hồng Kông cũng bị dính đòn. Tổng giám đốc của Disney, Bob Iger ghi nhận là các cuộc biểu tình khiến lượng khách của công viên giải trí giảm đi nhiều, kinh doanh của công ty trong quý này chắc chắn sẽ bị sụt giảm mạnh.

Lĩnh vực bán lẻ, nhà hàng cũng bị thất thu nặng nề. Điều đáng lo ngại là đến nay không hề có dấu hiệu tình hình khủng hoảng được cải thiện. Ông nói : “Tôi không biết chúng tôi có thể tồn tại thế nào”.

Các chuyên gia khẳng định cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay sẽ làm trầm trọng thêm các khó khăn kinh tế mà Hồng Kông đang phải hứng chịu từ cuộc thương chiến Mỹ-Trung. Trước khi nổ ra phong trào phản kháng, kinh tế Hồng Kông đã giảm từ 4,6% xuống còn 0,6% trong quý đầu năm. Xuất khẩu của Hồng Kông trong quý đầu đã giảm sụt 5,7%. Những chỉ số thống kê của quý 3 sẽ còn tồi tệ hơn. Mục tiêu tăng trưởng năm nay từ 2 đến 3% mà chính quyền đặc khu đặt ra xem ra quá xa vời.

Nhiều cửa hiệu buôn bán nhỏ ở Hồng Kông cho AFP hay là tình hình tài chính của họ rất tồi tệ từ khi có phong trào phản kháng đòi dân chủ và tự do ở đặc khu hành chính. Hoạt động đình đốn, họ đã phải sa thải hàng loạt số nhân viên của mình từ đầu các cuộc biểu tình đến nay. Tại khu Wan Chai, chủ một cửa hiệu đồng hồ cho biết ông đã phải sa thải một nửa nhân viên. Ông nói : “Nếu các vị đi trên phố sẽ thấy nhiều cửa hàng bán đồng hồ đã đóng cửa”. Các chủ cửa hàng, cửa hiệu nhỏ đều tỏ ra bi quan, không biết có tồn tại được cho đến cuối năm hay không.

Khu cảng Mongkok, khu phố bình dân luôn nhộn nhịp các hoạt động mua bán từ sáng sớm về tận đêm khuya. Tại trung tâm bán lẻ của hòn đảo, nhiều cửa hiệu, cửa hàng phải thường xuyên đóng cửa hàng sớm vì lo sợ các vụ xô xát, đập phá. Bên một sạp hàng chợ ngoài trời mở đêm, một phụ nữ bán túi xách tay giả hàng hiệu cho biết doanh thu bán hàng của bà giảm mất 5 lần so với hồi đầu năm.

Phong trào phản kháng không có chiều hướng dịu xuống, giờ đây ngay cả những tiểu thương ủng hộ phong trào dân chủ cũng cảm thấy giằng xé. Dược sĩ Chiu nói : “Tôi ủng hộ cuộc đấu tranh của trẻ thế nhưng tôi cũng còn phải lo công việc làm ăn của mình nữa chứ”.

Hồng Đức (TH)

Bài mới
Đọc nhiều