Hơn hai ngày cô lập giữa rừng của công nhân thủy điện Đăk Mi 2
Quảng NamSau những tiếng nổ chát chúa từ núi rừng, công nhân trong các lán trại ở thủy điện Đăk Mi 2, xã Phước Lộc (huyện Phước Sơn) tìm đường tháo chạy trong đêm.
Sinh ra ở miền núi Quảng Nam, nhiều lần chứng kiến mưa lũ nhưng Hồ Văn Chương (26 tuổi) không khỏi bàng hoàng khi nhìn cảnh hàng nghìn m3 đất đá tràn từ trên cao xuống, chiều tối 28/10.
Lán trại công nhân trong rừng của Chương được làm thô sơ, lợp tôn, gió giật liên hồi khiến nó rung lên như muốn bay. Mưa lớn, tiếng đá rơi từ trên cao xuống càng lúc càng gần, nhiều người hò hét nhau chạy vào hầm trú tránh. Tuy nhiên, một nhóm chạy trước bỗng hốt hoảng lùi lại, đá rơi rào rào xuống đường. Họ phải quay về lán. “Lúc đó chỉ có đường hầm thủy điện mới an toàn, nước lũ đổ về bất cứ lúc nào nên anh em động viên nhau liều mình vượt điểm sạt lở để vào”, anh Chương kể lại. Nhiều tiếng gọi nhau trong đêm át cả tiếng mưa rừng, họ cầm tay nhau chạy vào hướng hầm. Vào đến nơi, họ vẫn nghe tiếng đá rơi ầm ầm như sấm.
Trong hai ngày sau, các công nhân bị cô lập do tuyến đường dài 15 km từ thủy điện Đăk Mi 2 đi ra ngoài xuất hiện hàng loạt điểm sạt lở. Cây cầu trên sông trước thủy điện bị nước lũ cuốn sập, nhiều máy móc trôi theo. Công nhân không còn gì ăn. Để tiếp tế, công ty thủy điện Đăk Mi 2 kéo dây thừng qua sông tiếp tế xôi và mỳ tôm.
Khi thấy nước sông rút nhiều, Hồ Văn Chương và một số công nhân là người dân địa phương quyết định bám vào dây thừng, vượt sông để về nhà.
Cũng thoát nạn sau vụ sạt lở khu vực xung quanh thủy điện Đăk Mi 2, chị Nguyễn Thị Ánh Minh (42 tuổi) kể “từ chiều 28/10, rừng núi huyện Phước Sơn mưa lớn, vài giờ sau, tôi nhìn thấy nước lũ từ trên đỉnh núi đổ xuống ầm ầm, kéo theo nhiều cây rừng, đất đá”.
Bên trong chiếc lán dựng tạm bợ gần đập chính thủy điện Đăk Mi 2, chị Minh cùng chồng đứng ngồi không yên. Nhà ở huyện Đại Lộc (Quảng Nam), sáu năm trước chị Minh vào thủy điện Đăk Mi 2 dựng lán cung cấp thực phẩm cho công nhân. Hàng ngày, chị chạy xe máy từ thuỷ điện ra trung tâm huyện Phước Sơn mua hàng. “Từng ấy năm ở đây, lần đầu tiên tôi thấy một cơn cuồng phong lớn như vậy”, chị nói.
Chưa kịp thu dọn đồ đạc, lán trại của chị Minh bị nước lũ tràn qua. Chị cùng chồng không kịp cầm theo đồ đạc, vội chạy thoát ra ngoài. Biết trong đập chính có công nhân, hai người gắng sức băng đường sạt lở đi vào để tìm trợ giúp.
“May mắn lũ về ban ngày, hai vợ chồng thoát ra ngoài nhanh. Nếu là ban đêm, không biết chuyện gì xảy ra nữa” chị Minh nói.
5h sáng 29/10, thấy trời ngớt mưa, chị Minh cùng chồng tìm đường ra xã Phước Công, cách đó 15 km. Lúc này, tuyến đường đã bị chia cắt, đất đá từ đỉnh núi sạt chắn ngang lối đi. Hai vợ chồng quyết định phải băng đường rừng. Trên đường, chị Minh nhìn thấy núi sạt lở khắp nơi, cây rừng, đất đá nằm ngổn ngang.
Sau hơn nửa ngày cuốc bộ, có lúc phải trườn bò qua những đống đất đá, hai vợ chồng đến được gần bờ sông, cách UBND xã Phước Công khoảng 3 km. Đói lả, họ nhổ sắn bên đường nhai tạm, uống nước bùn cho đỡ khát. May mắn lúc này hai vợ chồng gặp một lán trại công nhân, nên xin tá túc chờ trời sáng.
Lòng sông Đăk Mi những ngày sau bão không còn hung dữ, dòng nước cũng rút dần xuống, trơ ra những bãi cát trắng cùng những viên đá lởm chởm.
Trưa 30/10, hai vợ chồng chị Minh cùng nhóm công nhân tìm cách qua sông bằng ròng rọc, đu trên sợi dây thừng vốn dùng để tiếp tế lương thực. Lúc này lực lượng cứu hộ bên ngoài khoảng 20 người đã tiếp cận bên kia sông, hỗ trợ nhóm công nhân bị cô lập ra ngoài.
Công nhân tên Phúc (35 tuổi) cùng một số người nhận nhiệm vụ căn chỉnh, kéo ròng rọc qua lại giữa lòng sông rộng chừng 50 m. Sau vài chuyến đưa người qua sông, đôi bàn tay chai sạn của Phúc như rướm máu, anh em cùng đội bảo nghỉ ngơi song anh nói “em vẫn kéo được”.
Lúc này, một số nhóm công nhân cũng lội bộ từ các điểm thi công giữa rừng về tập trung bên bờ sông Đăk Mi. Họ chia thành hai nhóm khẩn trương đưa người qua sông, do nhìn về phía thượng nguồn, mây đen phủ kín vờn xuống cánh rừng xa, báo hiệu cơn mưa lớn có thể đổ xuống bất cứ lúc nào. Phúc hối mọi người “nhanh lên anh em, phải ra khỏi rừng trước khi mưa đến”.
Phúc quê Thanh Hóa, vào Phước Sơn làm công nhân thủy điện hai năm nay. Anh kể, hôm xảy ra sạt lở (28/10), “mưa rừng trắng xóa, rồi bất chợt phát ra nhiều tiếng nổ vang trời, các ngọn đồi rung chuyển, tiếng đá va vào nhau vọng xa nhiều cây số.
“Ngồi trong lán trại chỉ biết trông chờ vào phép màu vì xung quanh nhìn đâu cũng đất đá, nước lũ tràn xuống ầm ầm, cứ nghĩ mình sẽ không trở về nữa”, Phúc nói và cho biết sau khi vượt sông ra ngoài an toàn, anh sẽ nghỉ vài hôm để trấn tĩnh trước khi quyết định sẽ làm gì tiếp theo.
Đu ròng rọc qua được sông, nhóm công nhân cùng vợ chồng chị Minh men theo triền đá hướng về trung tâm xã Phước Công, do đường đã bị sạt lở làm đứt gãy hoàn toàn. Dưới kia dòng sông Đăk Mi vẫn cuồn cuộn về xuôi.
Nhà chức trách Quảng Nam cho hay, trong ngày hôm qua (30/10), 80 công nhân thủy điện Đăk Mi 2 đã ra ngoài an toàn; chiều nay (31/10) đưa tiếp 35 người còn lại.
“Kiên quyết đưa tất cả công nhân, cán bộ thủy điện Đăk Mi 2 ra khỏi khu vực bị cô lập, tuyệt đối không để người ở lại để đảm bảo an toàn” – Thượng tá Lê Trung Thành, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam, chỉ đạo lực lượng chức năng.
Võ Thạnh – Phước Tuấn / VNE