Dự kiến hơn 7,3 triệu người được hỗ trợ trong đợt 3, không phân biệt thường trú, tạm trú, lưu trú. Mức hỗ trợ dự kiến là 1 triệu đồng/người. Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết.
Chiều 20/9, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM tổ chức họp báo thông tin về tình hình dịch bệnh 24 giờ qua. Buổi họp hôm nay có sự tham dự của Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan.
4 nhóm đối tượng hỗ trợ trong gói thứ 3
Mở đầu họp báo, ông Hoan thông tin về phương án hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố (gói hỗ trợ thứ 3). Theo đó, gói hỗ trợ lần này xuất phát từ thực tiễn các gói hỗ trợ 1 và 2.
Danh sách hỗ trợ gói 3 lấy từ cơ sở danh sách của gói 1, 2 và cập nhật bổ sung các trường hợp khó khăn. Nguyên tắc này đảm bảo những người khó khăn đều được chăm lo. “Quan trọng của gói thứ 3 là không phân biệt thường trú, tạm trú, lưu trú; và cả cán bộ Nhà nước cũng như người dân không được lợi dụng gói này để trục lợi”, ông Hoan lưu ý về nguyên tắc mới của gói hỗ trợ này.
4 nhóm đối tượng hỗ trợ trong gói thứ 3 gồm:
– Thành viên trong hộ nghèo, hộ cận nghèo; người thuộc diện hưởng chế độ trợ cấp xã hội hàng tháng tại cộng đồng có hoàn cảnh thật sự khó khăn. Như vậy, gói này hỗ trợ theo người thay vì theo hộ.
– Người lao động có hoàn cảnh thật sự khó khăn bị mất việc làm, không có thu nhập trong thời gian giãn cách xã hội đang thực tế có mặt trên địa bàn xã, phường, thị trấn (bao gồm cả trường hợp người lao động đang cách ly tập trung, đang trị bệnh…). Ông Hoan làm rõ những người đã về quê sẽ không được nhận hỗ trợ mà thành phố chú trọng giúp đỡ những người đang có mặt tại thành phố.
– Người phụ thuộc của nhóm 2 gồm: cha, mẹ, vợ hoặc chồng và các con ở nhà nội trợ hoặc không có khả năng làm việc, sống phụ thuộc trong cùng một hộ đang có mặt trên địa bàn xã, phường, thị trấn tại thời điểm khảo sát và lập danh sách (bao gồm cả trường hợp người đang cách ly tập trung, đang trị bệnh…).
– Người lưu trú tạm thời trong các khu nhà trọ, khu lưu trú, khu lao động nghèo, xóm nghèo, có hoàn cảnh thật sự khó khăn trong thời gian TP.HCM thực hiện giãn cách và đang có mặt trên địa bàn xã, phường, thị trấn. Ông Hoan cho biết nhóm này là những người tình cờ có mặt tại TP.HCM trong thời gian giãn cách. Gói hỗ trợ lần 3 không hỗ trợ đối với người đang hưởng lương hưu, người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động, người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội và được người sử dụng lao động trả lương của tháng 8/2021.
Số lượng hỗ trợ dự kiến là hơn 7,3 triệu người, không phân biệt thường trú hay tạm trú, lưu trú. Mức hỗ trợ dự kiến là 1 triệu đồng/người. Cách thức hỗ trợ bằng tiền mặt, hoặc chuyển thẳng vào tài khoản người dân (tùy theo nhu cầu của người nhận hỗ trợ). Dự toán kinh phí hỗ trợ là hơn 7.347 tỷ đồng.
Chi đúng, đủ, không để ai trục lợi
Nhìn lại 2 gói hỗ trợ vừa qua, ông Võ Văn Hoan cho biết mỗi gói hỗ trợ đều có cơ sở và thực tiễn riêng. Ví dụ, gói hỗ trợ thứ nhất tập trung vào lao động tự do có hộ khẩu thường trú và tạm trú trên địa bàn thành phố. Công tác tổ chức gói này rất cơ bản, dễ dàng. Gói thứ nhất thực hiện theo tinh thần của Chỉ thị 15 và Nghị quyết 09, mức hỗ trợ là 1,5 triệu đồng/người.
Do sự thay đổi về tình hình nên tình trạng người nghèo, gặp khó khăn gia tăng khi TP.HCM triển khai Chỉ thị 16 và 16 tăng cường. Do đó, hộ nghèo, cận nghèo và những hộ lao động gặp khó khăn trong khu dân cư xuất hiện ngày càng nhiều.
Trên cơ sở đó, thành phố mở rộng đối tượng cho những người đã nhận gói 1 được tiếp tục nhận gói 2; và bổ sung lao động tự do không nằm trong Nghị quyết 09, đồng thời thêm hộ nghèo, cận nghèo, lao động gặp khó khăn. TP thống kê thêm 1,3 triệu hộ lao động gặp khó khăn.
Trong gói 2, đối tượng hỗ trợ chia làm 2 loại: Người lao động tự do; và hộ nghèo, cận nghèo và hộ lao động khó khăn. Cả 2 nhóm này đều nhận 1,5 triệu đồng.
Từ thực tế hỗ trợ gói 2, thành phố nhận thấy số người trong mỗi hộ khác nhau nên đến gói 3, thành phố quyết định chuyển sang tính trên đầu người với tất cả các nhóm đối tượng. So với gói 2, thành phố chỉ bổ sung thêm đối tượng bảo trợ xã hội; và loại trừ những người đã được hưởng lương từ quỹ tiền lương của doanh nghiệp, cơ quan.
“Khi tính bằng người thì phải tính trường hợp không có việc làm, gặp khó khăn, do đó, thành phố phải có cách lọc ra”, ông Hoan nói.
Theo ông Hoan, mục tiêu cuối cùng của chính quyền thành phố là càng làm càng thiết thực, tránh những bất công trong cách tổ chức, sao cho nhiều người được hưởng chính sách này.
“Rất tiếc, trong quá trình làm thì có rất nhiều việc. Phường, xã, thị trấn rất nỗ lực nhưng vấn đề phát sinh hàng ngày. Vì đối tượng lao động tự do gặp khó khăn thì phải đi từng ngõ, gõ từng nhà. Có trường hợp chính quyền không biết nên khi người ta phản ánh phải tiếp thu”, ông Hoan nói và nhấn mạnh.
Ngày 24/9 có thể hỗ trợ người khó khăn nằm trong gói thứ 3
Liệu gói 3 có phủ được hết không? Ông Hoan cho biết quan điểm là cố gắng phủ hết nhưng vẫn có thể có thiểu sót. Thành phố yêu cầu đúng đối tượng thì sẵn sàng cập nhật, nếu không đúng đối tượng thì giải thích để người dân hiểu. Ngoài ra, địa phương có thể tận dụng các nguồn lực khác để hỗ trợ người dân.
Muốn hạn chế trục lợi chính sách, ông Hoan cho biết phải có cơ chế. Cấp phường, xã phải có hội đồng xét duyệt. Khu phố cũng có tổ kiểm tra, rà soát danh sách từng địa bàn và trình UBND quận/huyện/TP xem xét phê duyệt. Thành phố sẽ lấy cơ chế tập thể làm cơ sở quyết định các vấn đề dân sinh, hạn chế đến mức thấp nhất cá nhân, cán bộ, công chức có thể sai sót, vô tình ảnh hưởng đến chính sách.
Về xử lý, nếu cán bộ cố tình sẽ bị xem xét xử lý trách nhiệm hành chính còn nếu vô ý, không có động cơ thì thôi”, ông nói.
Về việc người dân có đặt ra vấn đề thu hồi với trường hợp hỗ trợ sai đối tượng, ông Hoan cho biết việc này “chưa bàn tới”. Ông Hoan cho biết thành phố có các bộ lọc khác nhau. Cụ thể như dùng trường dữ liệu của bảo hiểm xã hội để lọc danh sách người đã nhận lương tháng 8. Còn người chưa có trong danh sách này sẽ do địa phương xem xét, phân tích đánh giá. Thành phố cố gắng chậm nhất ngày 24/9 có thể hỗ trợ người dân nằm trong gói thứ 3.
Kế hoạch xét nghiệm đến 30/9 của TP.HCM
Về công tác triển khai xét nghiệm, ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết sáng 20/9, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 có ban hành văn bản khẩn số 3113 về việc tiếp tục xét nghiệm và một số biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Ban chỉ đạo UBND các quận, huyện tiếp tục triển khai xét nghiệm; xác định công tác xét nghiệm đóng vai trò then chốt; chịu trách nhiệm chủ trì triển khai công tác xét nghiệm nhanh chóng, an toàn. Các địa phương triển khai lấy mẫu thần tốc để bóc tách nhanh nguồn lây nhiễm và điều trị kịp thời. Trong đó căn cứ kết quả đánh giá, phân loại lại vùng nguy cơ sau ngày 14/9.
Đối với vùng đỏ, vùng cam, thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên đơn cho toàn bộ người dân, trừ các trường hợp F0 đã được xác định trong 14 ngày gần nhất. Tần suất lấy mẫu lặp lại 2 ngày, liên tục 3 lần trong 7 ngày. Các hộ gia đình đã có ca dương lần trước sẽ không xét nghiệm ở những lần giám sát xét nghiệm tiếp theo. Toàn bộ hộ gia đình của trường hợp có ca dương tính được quản lý, theo dõi theo quy định. Nếu phát sinh trường hợp dương tính mới trong hộ gia đình thì tiếp tục cập nhật vào hệ thống giám sát, chăm sóc, điều trị. Các hộ gia đình có ca dương phải được căng dây phong tỏa và dán biển đỏ cảnh báo trước cửa theo quy định.
Để đảm bảo nguồn lực tham gia lấy mẫu, các địa phương tiếp tục chia nhỏ địa bàn và tổ chức nhiều đội lấy mẫu phù hợp; chủ động huy động, tăng cường nguồn nhân lực tại địa phương… Ngành y tế có thể triển khai, hướng dẫn người dân tự lấy mẫu xét nghiệm. Cán bộ y tế hoạch tình nguyện viên phát test nhanh tới từng hộ gia đình, giám sát xét nghiệm, ghi nhận kết quả, thống kê, báo cáo. Người lấy mẫu tuân thủ 5K, đúng quy trình, quy định công tác vệ sinh khử khuẩn, đặc biệt lưu ý về quy trình thay đồ bảo hộ, thay găng hoặc sát khuẩn găng khi lấy mẫu để tránh lây nhiễm chéo.
“Theo thống kê, ngày đầu chỉ 25% người dân/hộ gia đình có thể tự lấy mẫu cho nhau. Hiện, tỷ lệ hộ gia đình có thể tự lấy mẫu là 75-80%”, ông Hưng cho biết. Địa phương phân công nhân sự, chịu trách nhiệm thống kê báo cáo tổng số ca dương tính dựa trên số liệu test nhanh dương tính trong ngày; chỉ đạo trạm y tế lưu động giám sát, chăm sóc sức khỏe toàn bộ thành viên thuộc hộ có ca dương tính.
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP giao Chủ tịch UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức tăng cường theo dõi, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện, đảm bảo mục tiêu đề ra. Người đứng đầu địa phương chịu trách nhiệm trước UBND TP về kết quả công tác xét nghiệm và phân loại vùng nguy cơ trên địa bàn. Các địa phương báo cáo về Sở Y tế trước 16h, ngày 28/9 để tổng hợp báo cáo Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.
Nói về mục tiêu của kế hoạch xét nghiệm từ nay đến 30/9, ông Phạm Đức Hải, người phát ngôn của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM, cho biết chiến lược xét nghiệm này nhằm phân loại nguồn lây nhiễm, điều trị kịp thời, hiệu quả. “Từ đó, thành phố phấn đấu đạt tiêu chí kiểm soát dịch bệnh theo Quyết định 3979 của Bộ Y tế trước 30/9”, ông Hải cho biết.
Tại họp báo, Chúng tôi đặt câu hỏi về số mẫu xét nghiệm dự kiến mà thành phố phải thực hiện từ nay đến 30/9. Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc điều hành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, cho biết TP.HCM có khoảng 2,3 triệu hộ dân. Qua đợt xét nghiệm thứ 4, thành phố xác định vùng xanh và cận xanh là khoảng 1,2 triệu hộ; vàng là 300.000 hộ; cam là 200.000 hộ; đỏ là 500.000 hộ. Sau mỗi vòng, số hộ trong vùng nguy cơ sẽ thay đổi tùy theo kết quả xét nghiệm.
Hồng Anh