Hơn 70% tên lửa đạn đạo khai hỏa trúng đích, Iran đã sử dụng loại vũ khí gì?
Sáng 8/1/2020, hãng tin ABC News đưa tin Iran đã phóng tổng cộng 15 tên lửa đạn đạo vào các căn cứ và vị trí của Mỹ ở Iraq và 11 trong số đó đã trúng vào các mục tiêu.
Theo tờ Asharq al-Awsat, Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) đã khai hỏa tên lửa đạn đạo Fateh-110 trong vụ tập kích.
Tên lửa đạn đạo Fateh-110 sử dụng nguyên liệu rắn của Iran được phát triển vào năm 2002, cho tới năm 2004 tầm bắn ban đầu của tên lửa Fateh-110 là 200 km. Thế hệ thứ hai của Fateh-110 đã tăng tầm bắn lên 250 km.
Thế hệ thứ ba của tên lửa, được công bố vào năm 2010, đã tăng tầm bắn lên 300 km và thế hệ thứ tư (2012) theo tuyên bố của Iran đã cải tiến khá sâu liên quan tới độ chính xác.
15 tên lửa đạn đạo Fateh-110 được Iran sử dụng trong vụ tập kích trả đũa cái chết của Tướng Souleimani được cho là đã khai hỏa từ khoảng cách 400 km so với các mục tiêu của Mỹ.
Với tầm bắn nói trên, nhiều khả năng biến thể mới nhất của dòng Fateh-110 là Zolfaghar đã được sử dụng.
Biến thể Zolfaghar là Tên lửa đạn đạo tầm ngắn (SRBM) có tầm bắn lên tới 700 km. Tên lửa sử dụng động cơ nhiên liệu rắn một tầng và theo tuyên bố của Iran, nó có thể mang theo đầu đạn hạt nhân. Đây cũng có thể là một “ẩn ý” mà Iran muốn gửi tới Mỹ trong cuộc tập kích.
Tên lửa Fateh-110 thế hệ thứ ba do Tổ chức công nghiệp không gian vũ trụ Bộ Quốc phòng Iran nghiên cứu và phát triển. Các chuyên gia chế tạo vũ khí của Iran tiết lộ, nhìn bề ngoài thì Fateh-110 không khác gì nhiều so với các loại tên lửa thông thường, song nó lại được trang bị hệ thống dẫn đường và điều khiển rất hiện đại và thời gian chuẩn bị tác chiến đối với loại tên lửa này là rất ngắn.
Fateh-110 là tổ hợp hỏa tiễn chiến thuật-chiến dịch di động được trang bị nhiên liệu cứng một lớp có độ chính xác cao. Tên lửa dài gần 9 m, trọng lượng phóng 3.500 kg, tầm bắn từ 250-350km và được trang bị hệ thống dẫn đường quán tính hiện đại.
Fateh-110 sử dụng một tầng nhiên liệu rắn để đẩy nó lên cao với khả năng mang đầu đạn 450 – 500 kg thuốc nổ mạnh hay bom chùm. Phía trước của tên lửa có ba cánh hình tam giác và phía sau có bốn cánh để giữ ổn định.
Tên lửa có thể gắn trên ba hệ thống phóng di động. Thứ nhất là hệ thống giống S-75 Dvina, thứ hai là dùng chung với các tên lửa Zelzal và cuối cùng là hệ thống mới có tên Zolfaghar có thể chở được hai lửa.
Dù độ chính xác cụ thể của tên lửa này không được tiết lộ, nhưng qua tuyên bố của Tehran có thể thấy, đây là loại tên lửa được trang bị công nghệ thế hệ mới rất hiện đại. Vì vậy, việc Iran chuyển giao các tên lửa cho Hezbollah có thể khiến Israel gặp nguy bởi hiện chưa có hệ thống phòng thủ nào trên thế giới được ghi nhận có thể đánh chặn được những tên lửa này.
Tổng thống Donald Trump: Tất cả đều ổn!
Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa viết trên Twitter: Mọi việc đều ổn! Các tên lửa từ Iran tấn công hai căn cứ quân sự ở Iraq. Chúng tôi đang đánh giá thiệt hại bao gồm cả nhân mạng. Cho đến lúc này mọi thứ ổn. Và cũng cho đến lúc này, Mỹ là quốc gia có lực lượng vũ trang mạnh nhất và được trang bị tốt nhất thế giới. Tôi sẽ có một bài phát biểu vào sáng mai (giờ Mỹ).
Tiêu Điểm (Tổng hợp)