Hơn 6.000 người đăng ký thử nghiệm Nanocovax của Việt Nam giai đoạn 3
Sau gần một tuần mở đăng ký trực tuyến, đã có hơn 6.000 người đăng ký thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ba vaccine Nanocovax tại Học viện Quân y
Trong số người đăng ký, có nhiều người làm việc tại các công ty không nằm trong ngành y, dược. Có những đơn vị đăng ký tiêm cho cả công ty, số lượng khoảng 300 người.
Dự kiến cần 13.000 người sẽ tham gia thử nghiệm trong giai đoạn ba. Trong đó, khoảng 1.000 người đầu tiên sẽ tiêm vaccine ở Học viện Quân y và huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Số còn lại sẽ thử nghiệm tại một số địa phương như Hưng Yên, Tiền Giang. Số người đăng ký tại Long An chưa được địa phương thông tin.
Nanocovax là vaccine Covid-19 do Công ty Nanogen nghiên cứu, phát triển. Vaccine đã hoàn thành tiêm thử nghiệm lâm sàng cho 60 người ở giai đoạn một, 560 người ở giai đoạn hai nhằm đánh giá mức độ an toàn và tính sinh miễn dịch của vaccine ở ba mức liều 25, 50 và 75 mcg. Kết quả đánh giá giữa kỳ ở giai đoạn hai đã được Học viện Quân y báo cáo Bộ Y tế, cho thấy kết quả khả quan. Vaccine sinh miễn dịch ở 100% người thử nghiệm, các mức liều 25, 50 và 75 mcg sinh miễn dịch tương đương. Vì vậy Bộ Y tế lựa chọn liều 25 mcg để đưa vào thử nghiệm giai đoạn ba.
Theo đại diện Học viện Quân y, tác dụng của vaccine với biến thể Delta tìm thấy lần đầu tại Ấn Độ cũng sẽ được nghiên cứu, đánh giá trong giai đoạn này. Nếu thuận lợi, thử nghiệm giai đoạn 3 có thể hoàn tất vào khoảng cuối tháng 9.
Theo phó giáo sư Chử Văn Mến, Giám đốc Trung tâm Thử nghiệm lâm sàng và tương đương sinh học, Học viện Quân y, khó khăn của thử nghiệm giai đoạn ba là dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, trong khi triển khai thử nghiệm giai đoạn ba cần số lượng người tham gia lớn. Vì vậy, đơn vị thử nghiệm phải đảm bảo giãn cách, sàng lọc kỹ, tránh F0, F1 lọt vào đơn vị gây ảnh hưởng tới quá trình thử nghiệm.
Hiện Học viện Quân y đang chuẩn bị kỹ từ sàng lọc dịch tễ, quét thân nhiệt, khai báo y tế, lập phần mềm quét sàng lọc, áp dụng triệt để các biện pháp chống dịch. Các phòng theo dõi sau tiêm được bố trí thoáng, rộng để đảm bảo an toàn.
Việc cấp phép phê duyệt vaccine phụ thuộc vào kết quả thử nghiệm giai đoạn ba, theo phó giáo sư Mến. Nếu Covid-19 bùng phát trong nước, Hội đồng đạo đức Bộ Y tế sẽ đề nghị Chính phủ cấp phép tiêm vaccine. Nhà sản xuất và nhóm nghiên cứu đã chuẩn bị sẵn nguyên liệu, các quy trình để sản xuất đại trà ngay khi được phê duyệt, cấp phép với năng lực sản xuất là 6 triệu liều một tháng.
Chi Lê