Hơn 500 người chết trong biểu tình Myanmar
Ít nhất 510 dân thường đã chết trong biểu tình phản đối đảo chính ở Myanmar gần hai tháng qua, trong khi hàng nghìn người vẫn tiếp tục xuống đường.
Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị (AAPP) cho biết thêm 14 người thiệt mạng trong các cuộc biểu tình hôm 29/3, gồm ít nhất 8 người ở ngoại ô Yangon, thành phố lớn nhất Myanmar.
Theo các nhân chứng và đoạn video trên mạng xã hội, lực lượng an ninh nhiều lần sử dụng một loại vũ khí hạng nặng hơn bình thường để giải tỏa hàng rào bao cát. Hiện chưa rõ đây là loại vũ khí nào, nhưng một nhóm cộng đồng đã đăng ảnh một binh sĩ với súng phóng lựu.
Truyền hình nhà nước cho biết lực lượng an ninh đã sử dụng “vũ khí chống bạo động” để giải tán đám đông “những kẻ khủng bố bạo lực” đang phá hủy một vỉa hè và một người đàn ông đã bị thương.
Cảnh sát và phát ngôn viên quân đội hiện chưa phản hồi về thông tin trên.
Hai người cũng thiệt mạng trong ở thành phố miền trung Myingyan, thủ lĩnh biểu tình sinh viên Moe Myint Hein xác nhận.
Theo AAPP, 27/3 được xem là ngày đẫm máu nhất từ khi biểu tình bùng phát khi số người chết lên tới 141. Hiện số dân thường thiệt mạng trong biểu tình ở Myanmar gần hai tháng qua đã lên tới 512 người. Bất chấp bạo lực, người biểu tình vẫn xuất hiện trên khắp các thành phố ở Myanmar hôm 29/3.
Quân nổi dậy từ các nhóm dân tộc khác nhau đã giao tranh với chính quyền trung ương suốt nhiều thập kỷ để giành quyền tự chủ lớn hơn. Dù nhiều nhóm đã đồng ý ngừng bắn, giao tranh vẫn bùng phát trong những ngày gần đây giữa quân đội và các lực lượng ở cả phía đông và phía bắc.
Đụng độ nghiêm trọng xảy ra gần biên giới Thái Lan cuối tuần qua giữa quân đội và lực lượng dân tộc thiểu số lâu đời nhất của Myanmar, Liên minh Quốc gia Karen (KNU). Khoảng 3.000 người đã chạy sang Thái Lan khi máy bay ném bom khu vực của KNU sau khi lực lượng KNU tràn qua một tiền đồn quân đội và giết chết 10 người.
“Hãy dừng các vụ giết người, ngừng đàn áp biểu tình, trả tự do cho các tù nhân chính trị và trả lại quyền lực cho những người có quyền hợp pháp”, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres nói khi được hỏi về thông điệp cho quân đội Myanmar.
Tổng thống Mỹ Joe Biden bày tỏ kinh hoàng, trong khi Liên minh châu Âu (EU) gọi tình trạng bạo lực ở Myanmar hôm 27/3 là “không thể chấp nhận”. Đại diện thương mại Mỹ Katherine Tai hôm 29/3 thông báo đình chỉ Thỏa thuận khung về Thương mại và Đầu tư được Washington và Naypyidaw ký năm 2013, thêm rằng hoạt động giao thương sẽ chỉ được nối lại khi chính quyền dân cử được khôi phục tại Myanmar.
(Theo Reuters)