+
Aa
-
like
comment

“Hơn 50 quốc gia nghèo có nguy cơ phá sản”

Tuệ Ngô - 14/11/2022 11:27

Mới đây, lãnh đạo Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (LHQ) đã đưa ra cảnh báo, cho rằng hơn 50 nước nghèo có nguy cơ vỡ nợ và phá sản nếu không nhận được sự hỗ trợ khẩn cấp.

Người dân chen chúc xếp hàng dưới sự kiểm soát nghiêm ngặt của cảnh sát để chờ mua lương thực ở thủ đô Caracas, Venezuela.

Theo Achim Steiner, giám đốc bộ phận phát triển toàn cầu của LHQ , lạm phát, khủng hoảng năng lượng và lãi suất tăng đang tạo điều kiện cho ngày càng nhiều quốc gia có nguy cơ vỡ nợ, với những tác động tai hại có thể xảy ra đối với người dân của họ.

“Hiện có 54 quốc gia trong danh sách của chúng tôi (trong số những quốc gia có khả năng vỡ nợ) và nếu có thêm cú sốc – lãi suất tăng hơn nữa, việc vay mượn trở nên đắt đỏ hơn, giá năng lượng, giá thực phẩm tăng – gần như chúng ta sẽ chứng kiến một số quốc gia không thể tránh khỏi tình trạng không có khả năng thanh toán”, Lãnh đạo Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) Achim Steiner cho biết.

Trong số này có những nước như Nam Sudan, Afghanistan, Burundi, Cộng hòa Trung Phi và Dominica.

Achim Steiner, giám đốc phát triển toàn cầu của LHQ.

Phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên hợp quốc Cop27, Steiner cho biết bất kỳ sự vỡ nợ nào như vậy sẽ tạo ra thêm nhiều vấn đề cho việc giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu.

Ông cảnh báo, nếu không có các biện pháp giúp các nước nghèo trả nợ, các nước này sẽ không thể đối phó với cuộc khủng hoảng khí hậu.

“Nợ nần hiện đã trở thành một vấn đề lớn đối với rất nhiều nền kinh tế đang phát triển, đến nỗi việc đối phó với cuộc khủng hoảng “nợ” trở thành điều kiện tiên quyết để thực sự đẩy nhanh hành động vì khí hậu. Chúng ta cần bơm nguồn vốn có mục tiêu vào các quốc gia để có thể đầu tư vào quá trình chuyển đổi năng lượng và thích ứng với tác động của thời tiết khắc nghiệt”, ông Steiner nói thêm.

Theo The Guardian, cuộc khủng hoảng khí hậu đang làm vấn đề thêm phức tạp khi các quốc gia đang phải đối mặt với những tác động ngày càng tăng từ thời tiết khắc nghiệt. Các quốc gia nghèo không nhận được sự tài trợ mà các nước giàu có đã hứa, đang đối mặt với nguy cơ ngày càng tăng về bão, lũ lụt, hạn hán và sóng nhiệt.

Danh sách các quốc gia có nguy cơ vỡ nợ năm 2022

Ông Steiner cảnh báo rằng một số nước đang phát triển có nguy cơ từ bỏ các cuộc đàm phán về khí hậu của Liên hợp quốc nếu chính phủ các nước phát triển không thực hiện được lời hứa từ lâu với các quốc gia nghèo là hỗ trợ 100 tỷ đô la một năm để giúp họ cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính và thích ứng với tác động của thời tiết khắc nghiệt.

Ông nói: “Nếu Cop27 không đưa ra một viện trợ hội tụ trên 100 tỷ đô la, tôi nghĩ rằng nhiều nước đang phát triển sẽ rời bỏ Sharm el-Sheikh khi suy nghĩ về những cam kết của họ đối với tiến trình khí hậu toàn cầu.”

Nhưng các nước đang phát triển đã có những hành động riêng để giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu, ông nói thêm.

Sri Lanka tuyên bố không đủ khả năng trả khoản nợ nước ngoài 51 tỷ USD hồi tháng 4/2022.

Hồi tháng 4 năm nay, Sri Lanka tuyên bố vỡ nợ với 51 tỷ USD nợ nước ngoài sau khi đã cạn kiệt dự trữ ngoại hối để nhập khẩu nhu yếu phẩm trong bối cảnh giá cả tăng cao. Quốc đảo ở Ấn Độ Dương này đang đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ khi giành độc lập năm 1948.

Trước Sri Lanka, nhiều quốc gia từng tuyên bố vỡ nợ. Khủng hoảng kinh tế và chính trị, lạm phát, Covid 19 đã khiến các quốc gia Lebanon, Argentina, Belize, Zambia, Suriname đi đến tuyên bố phá sản vào năm 2020. Trong đó, Argentina vỡ nợ kỷ lục 9 lần trong lịch sử.

Tuệ Ngô (Theo Guardian)

Bài mới
Đọc nhiều