Hơn 50 năm nữa, Đồng bằng sông Cửu Long chìm hẳn xuống biển !
Các nhà khoa học Hà Lan cảnh báo, Đồng bằng sông Cửu Long hiện chỉ cao hơn mực nước biển khoảng 0,8m và với tốc độ lún hiện nay, có thể khiến vùng đồng bằng sông Cửu Long bị chìm hẳn trong tương lai không xa.
Mới đây, Tạp chí khoa học Nature Communications trích dẫn thông tin nhóm nghiên cứu của Đại học Utrecht, Hà Lan cảnh báo rằng tốc độ chìm của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cao hơn nhiều so với dự báo, ĐBSCL hiện có độ cao trung bình cực thấp, chỉ cao hơn mực nước biển khoảng 0,8m (so với mức 2,6m theo công bố hiện tại). Khoảng cách 0,8m này sẽ bị nước biển “xóa” đi chỉ trong 57 năm tới, có nghĩa là số người dân chịu ảnh hưởng của nước biển dâng ở ĐBSCL tăng gấp đôi so với dự báo trước đó (nhóm khoa học Hà Lan ước tính 12 triệu người).
Các nhà nghiên cứu Hà Lan cho biết, vùng đồng bằng sông Cửu Long, khu vực đóng góp 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 70% các loại trái cây của Việt Nam, đang phải đối mặt với nguy cơ bị chìm gần như hoàn toàn vào năm 2100.
Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Utrecht đã tạo ra một mô hình số rộng khắp vùng đồng bằng sông Cửu Long để theo dõi tác động của việc khai thác nước ngầm trong 25 năm qua và sử dụng nó làm cơ sở cho các dự đoán trong tương lai.
Ông Philip Minderhoud – một nhà nghiên cứu các hệ thống dưới mặt đất và nước ngầm tại Đại học Utrecht và là người đứng đầu nghiên cứu, cho biết khai thác nước ngầm quá mức là một trong những yếu tố khiến vùng đồng bằng sông Cửu Long bị sụt lún.
Kết hợp với tốc độ gia tăng mực nước biển do biến đổi khí hậu diễn ra nhanh hơn dự báo đã kéo theo tình trạng sụt lún đất, có thể khiến gần như toàn bộ vùng đồng bằng sông Cửu Long – một khu vực giúp nuôi sống khoảng 200 triệu người – sẽ chìm dưới nước đến năm 2100.
Theo ông, nước mất đi làm giảm áp lực trong cấu trúc địa chất bên dưới, khiến đồng bằng bị sụt lún trung bình khoảng một cm mỗi năm. Bên cạnh đó, mực nước biển đang tăng với tốc độ khoảng 3 mm đến 4 mm/năm do tác động của tình trạng biến đổi khí hậu, cùng trọng lượng của những cấu trúc nhân tạo xây trên đồng bằng, dòng chảy trầm tích từ thượng nguồn suy giảm và độ nén tự nhiên cũng là những yếu tố góp phần làm mất đất đồng bằng sông Cửu Long.
Việc Việt Nam chuyển sang nền kinh tế thị trường vào năm 1986 đã kéo theo việc khai thác nước ngầm ồ ạt từ mức gần như bằng không 30 năm trước cho tới 2,5 triệu lít hiện đang bị rút khỏi tầng nước ngầm của đồng bằng mỗi ngày.
Ông giải thích nước mất đi làm giảm áp lực trong cấu trúc địa chất bên dưới, khiến đồng bằng lún xuống. “Tất nhiên người dân sống ở đồng bằng có thể phát triển được trong nhiều thập niên qua một phần là do họ có nguồn nước ngầm này như một nguồn nước ngọt miễn phí,” ông nói. “Đó sẽ là một thách thức lớn bởi vì hoặc là bạn tăng tốc sự sụt lún hoặc là bạn không có gì để uống và tưới cho hoa màu của mình.”
Trọng lượng của những cấu trúc nhân tạo xây trên đồng bằng, dòng chảy trầm tích từ thượng nguồn suy giảm và độ nén tự nhiên cũng là những yếu tố góp phần làm mất đất đồng bằng, ông nói.
“Nhưng khai thác nước ngầm là nguyên nhân duy nhất mà con người thực sự có thể thay đổi một cách tích cực nếu muốn mức độ sụt lún,” ông cho biết.
Dù việc nâng nhà và đường sá được thực hiện khéo léo hơn để ứng phó với vấn đề này, song tác động của nó đối với nông nghiệp là không thể tránh khỏi và nghiêm trọng, ông nói thêm.
Việc khai thác tài nguyên nước trên thượng nguồn châu thổ đã làm thay đổi dòng chảy, giảm lượng phù sa, suy giảm nguồn lợi thủy sản, xâm nhập mặn sâu vào nội vùng. Ngoài ra, việc khai thác bùn cát quá mức, xây dựng nhà cửa và hạ tầng… cũng tác động khiến vùng đồng bằng sông Cửu Long bị sụt lún.
Sụt lún đe dọa vựa lương thực Đồng Bằng Sông Cửu Long
Tổ chức Future Direct International của Úc cũng công bố phân tích cho thấy, sụt lún đất tại Đồng Bằng Sông Cửu Long đang đe dọa vựa lương thực của Việt Nam.
Phân tích đã nêu do ông Mervyn Piesse, Giám đốc nghiên cứu của Chương trình nghiên cứu khủng hoảng nước và thực phẩm toàn cầu thực hiện và công bố hôm 18/7/2019.
Hầu hết việc sản xuất gạo của quốc gia, nuôi trồng thủy sản và sản xuất trái cây được đặt tại khu vực này. Theo ông Mervyn Piesse, Việt Nam là nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai trên thế giới. Đồng bằng sông Cửu Long sản xuất đủ lương thực cho gần 200 triệu người và bất kỳ sự sụt giảm đáng kể nào về sản lượng nông nghiệp ở khu vực này sẽ gây ra hậu quả cho an ninh lương thực toàn cầu.
Bài phân tích nêu rõ, sản xuất nông nghiệp không bền vững của Việt Nam, mực nước biển dâng cao, sụt lún đất, xây dựng đập trên thượng nguồn sông MêKông và tăng nhiễm mặn cho đất và nước đều là những đe dọa đến việc giảm năng suất của ngành nông nghiệp trong khu vực.
Nguyên nhân của hầu hết những thách thức đó nằm ngoài tầm kiểm soát của Việt Nam. Theo ông Mervyn, giảm sử dụng nước ngầm ở ĐBSCL là giải pháp tốt nhất.
Ông Nguyễn Hữu Thiện, một nhà nghiên cứu về Đồng bằng sông Cửu Long, và được ông cho biết như sau: “Sụt lún có nguyên nhân chính là do lấy nước ngầm, ngoài ra có hai nguyên nhân phụ là do sự nén tự nhiên và tải trọng của các công trình xây dựng đè lên đó, nhưng chỉ xảy ra ở thành phố. Còn việc sụt lún khắp nơi ở Đồng bằng sông Cửu Long là do khai thác nước ngầm là chính. Trong bối cảnh nước biển dâng từ từ chỉ khoảng 3mm nỗi năm thì sụt lún tính bằng cm. Sụt lún không chỉ ảnh hưởng đất nông nghiệp mà còn ảnh hưởng nhiều thứ, tức là mình đang chìm dần xuống.”
Đồng quan điểm với ông Mervyn Piesse, ông Nguyễn Hữu Thiện cũng cho rằng khó khắc phục tình trạng này, chỉ có cách giảm sử dụng nước ngầm, ông giải thích thêm: “Bởi vì khi mình lấy nước ngầm thì các lỗ rỗng trong đất đã bị nén xuống, biến dạng lỗ rỗng. Biến dạng đó có thể là vĩnh viễn, không có chuyện phục hồi được. Bây giờ chỉ có cách làm chậm sụt lún lại bằng cách giảm sử dụng nước ngầm, chứ còn chuyện bơm nước ngầm xuống thì mình không dám mơ tưởng vì không khả thi.”
Hôm 18/7/2019, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện biến đổi khí hậu Đại học Cần Thơ cũng đồng tình việc sụt lún ở Đồng bằng sông Cửu Long là do khai thác nước ngầm quá nhiều. Theo Ông Tuấn, Đồng bằng sông Cửu Long là vùng địa chất rất non trẻ, không chắc chắn, khi tầng nước ngầm hạ xuống thì dễ gây lún sụt. Ông nói tiếp:
“Ngăn chặn khai thác nước ngầm hiện nay khá nan giải, vì đó là nhu cầu sử dụng nước hàng ngày. Hiện nay tôi cũng đang kiến nghị là tận dụng nước mưa, các nơi tận dụng ao hồ trữ nước mưa, để giảm áp lực sử dụng nước ngầm. Ngoài ra phải coi lại chuyện sản xuất ở cùng Đồng bằng sông Cửu Long. Mùa khô thì không nên trồng các loại sử dụng nước nhiều như cây lúa.v.v… mà chuyển sang nuôi trồng thủy sản nước lợ hay nước mặn chẳng hạn.”
Theo bài phân tích của ông Mervyn Piesse, ĐBSCL mất hơn 500 ha đất ven biển từ năm 2003 đến 2012. Tốc độ xói mòn kể từ đó tăng lên và khu vực này mất 300 ha đất mỗi năm.
Ông Mervyn cho rằng, Đồng bằng sông Cửu Long đang phải đối mặt với bốn thách thức có nguy cơ làm suy yếu ngành nông nghiệp là: sản xuất nông nghiệp không bền vững; mực nước biển dâng và sụt lún đất; việc xây dựng đập trên sông Mê Kông; và tăng độ mặn của đất và nước.
Cũng theo ông Mervyn Piesse, trong 20 năm qua, khai thác nước ngầm đã tăng gấp bốn lần. Tốc độ khai thác đó đã khiến mực nước ngầm giảm tới 20 mét ở một số nơi, dẫn đến việc đất bị chìm đến 18cm. Mặt đất tiếp tục chìm với tốc độ từ một đến ba centimet mỗi năm. Đổi lại, việc sử dụng nước ngầm tăng lên, một phần là do nguồn nước mặt thấp hơn và xảy ra xâm nhập mặn.
Liên quan vấn đề này Tiến sĩ Lê Anh Tuấn giải thích: “Đồng bằng sông Cửu Long thấp và phẳng, sát bờ biển nữa, khi sụt lún sẽ làm xâm nhập mặn tăng nhanh. Kèm theo đó là tình trạng nước biển dâng, khi biến đổi khí hậu, trái đất nóng dần lên, băng tan, nước biển giãn nở ra. Tuy nhiên hiện nay, các chuyên gia cảnh báo là sụt lún đi nhanh hơn nước biển dâng. Kết hợp hai cái thì làm cho mặn xâm nhập sâu hơn. Mà nguồn nước mặt nhiễm mặn rồi thì làm tăng nhu cầu sử dụng nước ngầm, điều này giống như bị tác động kép.”
Ông Bùi Chi Bửu, cố vấn của chính phủ Việt Nam về sản xuất lúa gạo và là cựu viện trưởng Viện Khoa học Kĩ thuật Nông nghiệp miền Nam, cho biết tác động kinh tế của việc mất đất vẫn chưa rõ ràng.
“Chúng tôi lo lắng về tương lai. Tài nguyên nước ngọt, nó có nghĩa là nguồn nước tự nhiên đến từ sông Mekong vào mùa khô là không ổn,” ông nói.
Năm 2016, Việt Nam thiệt hại hơn 1,6 tỉ đôla do lũ lụt và hạn hán hủy hoại ít nhất 300 triệu tấn gạo ở vùng đồng bằng, ông nói.
Chín nhánh của sông Mekong bồi đáp phù sa cho vùng đất màu mỡ và phì nhiêu này khi chúng đổ biển khắp một khu vực có diện tích khoảng 40.000 km vuông. Chín nhánh đó giờ chỉ còn bảy, ông Bửu nói. “Nhưng trong tương lai có lẽ chúng tôi còn bốn hoặc năm, tôi không biết.”
Mất đi lượng trầm tích được bổ sung tự nhiên là một yếu tố hệ trọng khác góp phần làm đồng bằng sụt lún. Các đập trên thượng nguồn sông Mekong, có chiều dài hơn 4.000 km bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng ở Trung Quốc rồi chảy qua Lào và Campuchia trước khi tuôn qua vùng đồng bằng, đã dẫn tới việc mất đi khoảng 40 phần trăm dòng chảy trầm tích, ông nói.
Cần kế sách lâu dài
Theo ông Nguyễn Hữu Thiện, muốn giảm sử dụng nước ngầm thì nước sông ngòi phải sạch lại như ngày xưa. Muốn sạch thì phải bớt làm nông nghiệp. Từ trước tới giờ Việt Nam làm nông nghiệp tới 3 vụ lúa một năm cho nên chất ô nhiễm tích lũy trong đất đai, trong nước lâu nay rất nhiều.
Ông Thiện cũng cho rằng, vì nước ô nhiễm nên người dân không có nguồn nước sạch để dùng cho sinh hoạt, chỉ dùng cho sản xuất, mà sản xuất chủ yếu là cây lúa. Cho nên chìa khóa nằm ở nền nông nghiệp, phải chuyển đổi nền nông nghiệp, hồi xưa chạy theo thâm canh, chạy theo số lượng, sản lượng thì bây giờ nên chuyển hướng nền nông nghiệp, bớt thâm canh để bớt sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu. Chuyển sang chất lượng hơn là số lượng. Theo ông, chính phủ cũng đã nghe chuyện này, trong nghị quyết 120 của chính phủ đã đề ra chuyện phải chuyển hướng nền nông nghiệp. Nhưng phải 10 năm mới thấy kết quả, nếu thực hiện tốt nghị quyết 120.
Tuy nhiên Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn, nhận định: “Thật ra người dân không dùng nước ngầm để trồng lúa đâu, mà để nuôi tôm, trồng cây hoa màu giá trị cao, làm nước sinh hoạt. Về nước sinh hoạt thì nên có giải pháp linh hoạt cho người dân, ví dụ như Cà Mau là vùng mưa lớn nhất trong năm, nếu có giải pháp hợp lý thì người dân có thể trữ nước ngọt để dùng được. Ngoài ra có thể chuyển nước ngọt bằng đường ống, chứ còn quản lý nước để sản xuất nông nghiệp, nhất là thủy sản thì phải quản lý rất nghiêm ngặt.”
Ông Mervyn Piesse cho rằng gần 40% diện tích của ĐBSCL có nguy cơ bị chìm dưới nước vào cuối thế kỷ này. Nếu điều đó xảy ra, hàng chục triệu người sẽ phải di dời và việc mất đất nông nghiệp sẽ ảnh hưởng sâu rộng đến các quốc gia phụ thuộc vào xuất khẩu gạo của Việt Nam.
Tiến sĩ Đặng Kim Sơn cho rằng, Chính phủ Việt Nam vẫn cần phải tìm mọi cách ngăn chặn sụt lún ở vùng đồng bằng, vì không chỉ giúp ổn định việc canh tác, trồng lúa và trái cây mà còn ổn định đời sống của người nông dân và các vấn đề về cơ sở hạ tầng khác.
Mối đe dọa từ đập thủy điện thượng nguồn
Các chuyên gia và nhà chức trách cho biết hoạt động xây đập ở thượng nguồn và khai thác lòng sông Mekong quá mức đang nhấn chìm vùng đồng bằng sông Cửu Long với tốc độ khoảng 2 cm mỗi năm.
Con sông Mekong, còn được gọi là sông Lancang ở khu vực thượng nguồn, dài 4.350 km, chảy từ cao nguyên Tây Tạng của Trung Quốc, dọc theo biên giới Myanmar, Lào và Thái Lan, qua Campuchua và cuối cùng là Việt Nam.
Ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long nơi con sông đổ ra biển, người dân đang phải vật lộn với mức độ xói mòn thần tốc, làm phá hủy nhà cửa và đe dọa kế sinh nhai. Nguyên nhân chính là nhiều năm qua, Campuchia, Lào và Trung Quốc triển khai xây dựng đập thượng nguồn, làm mất đi lớp trầm tích thiết yếu, theo Reuters.
Lớp trầm tích này có vai trò rất quan trọng trong việc kiểm soát dòng chảy của sông Mekong. Nhiều năm gần đây, lượng trầm tích sụt giảm một phần do hoạt động khai thác cát ở đáy sông để phục vụ nhu cầu ngày càng tăng của ngành xây dựng. “Đây không phải là vấn đề thiếu nước, mà là vấn đề thiếu lượng trầm tích”, ông Dương Văn Ni, chuyên gia nghiên cứu sông Mekong thuộc Đại học Cần Thơ, nói với Reuters.
Người dân địa phương cho biết vào mùa này nhiều năm về trước, nước sông Mekong chảy về Việt Nam có màu nâu sữa. Giờ đây dòng sông trở nên trong hơn rất nhiều. Thiếu trầm tích từ thượng nguồn kết hợp với lòng sông sâu hơn tạo ra dòng chảy xiết và mạnh hơn, ăn mòn bờ sông nơi người dân sinh sống.
Theo ông Ni, vấn đề này bắt đầu phát sinh khi Trung Quốc xây dựng các nhà máy thủy điện đầu tiên ở khu vực thượng lưu sông Mekong, khiến Lào, Campuchia và Thái Lan trở thành nguồn cung cấp trầm tích chính cho con sông khi chảy qua Việt Nam.
Nhiều vị trí lún 2 – 4cm mỗi năm
PGS,TS Trần Bá Hoằng (Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam) cho biết, tình trạng lún khu vực ĐBSCL trong thời gian qua đã được nhiều tổ chức nghiên cứu như: Viện địa chất Nauy, nhóm của Laura Eban (Đại học Stanford), Minderhoud và cộng sự (Hà Lan, trong dự án RISE and FALL); Bộ Tài nguyên và môi trường (TN&MT).
“Các nghiên cứu và thực nghiệm đều khẳng định ĐBSCL đã và đang bị lún. Các điểm quan trắc được ghi nhận tại tỉnh Cà Mau, Sóc Trăng, Cần Thơ có nhiều vị trí với tốc độ lún khoảng 2-4cm/năm, các khu vực khác trên ĐBSCL lún phổ biến từ 0,1-2cm/năm”.
“Theo kết quả phân tích bản đồ cao độ số của Bộ Tài nguyên và Môi trường, ĐBSCL có đến 2,456 triệu ha đất có cao độ dưới 1m, 1,296 triệu ha có cao độ từ 1-2m và có khoảng 243 nghìn ha có cao độ hơn 2m”, PGS,TS Trần Bá Hoằng phân tích.
Chuyên gia thủy lợi này cũng cho hay, nước biển dâng hiện nay với tốc độ bình quân khoảng 3mm/năm; theo kịch bản quốc gia về nước biển dâng sẽ vào khoảng 1m đến năm 2100, tương đương tốc độ bình quân khoảng 1cm/năm.
Tốc độ nước dâng này được xem là còn chậm hơn so với tốc độ lún quan trắc được tại một số nơi ở Cà Mau, Sóc Trăng và Cần Thơ.
Theo ông, lũy tích nước biển dâng và lún sụt đất có thể khiến mức ngập lụt ở các vùng ven biển gia tăng, đặc biệt là vùng Bán đảo Cà Mau; tác động lớn đến hệ thống thủy lợi, xâm nhập mặn sâu vào nội đồng, sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nhà cửa và các cơ sở hạ tầng trong khu vực.
GS,TS Đào Xuân Học (Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam) cho rằng cảnh báo của Hà Lan là rất đáng quan tâm.
“Không chỉ dự báo mới này, mà ngay cả dự báo cũ thì đây cũng là vấn đề rất lớn của Việt Nam. Hiện nay, do hiện tượng biến đổi khí hậu, tốc độ chìm của ĐBSCL cao hơn rất nhiều so với dự báo. Dự báo trước đây, đến năm 2100 thì 2/3 diện tích đồng bằng ngập trong nước biển. Bây giờ, tốc độ chìm cao hơn thì sẽ nghiêm trọng hơn”, GS Đào Xuân Học phân tích.
GS Đào Xuân Học cho rằng, đối với Việt Nam, vấn đề nghiêm trọng hơn rất nhiều đó là tốc độ lún đất của ĐBSCL. TP.HCM ngày càng bị ngập cũng là do bị lún đất. Trận lũ năm 2011 khiến 50% diện tích Cần Thơ bị ngập, nếu giờ đây với trận lũ tương tự thì có đến 80% diện tích Cần Thơ chìm trong nước.
Còn GS,TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi, cho rằng số liệu cơ quan nghiên cứu Hà Lan cảnh báo có sự nghiên cứu rất kỹ, thông tin đưa ra là đáng tin cậy.
Do đó, cảnh báo trên rất đáng quan ngại bởi thực tế hiện nay lượng bồi tích ở ĐBSCL không ra biển được, tốc độ phát triển, đô thị hóa cao quá mức. Vì thế, việc sụt lún là hoàn toàn đúng, là câu chuyện trước mắt.
Vì sao sụt lún gia tăng?
PGS,TS Trần Bá Hoằng nhấn mạnh 3 nguyên nhân chính gây sụt lún ở ĐBSCL là khai thác nước ngầm quá mức; địa chất nền yếu đang trong quá trình cố kết; gia tăng tải trọng (do đô thị hóa, xây dựng hạ tầng). Những khu vực khai thác nước ngầm lớn như Cà Mau, Sóc Trăng và Cần Thơ đều có tốc độ lún nhanh hơn các khu vực khác tại ĐBSCL.
GS, TS Vũ Trọng Hồng cho biết các chuyên gia Hà Lan khi sang Việt Nam cũng nhấn mạnh đến sự phát triển không bền vững, nguy cơ đô thị hóa, bê tông hóa ở ĐBSCL. Trước đây, khi sang giúp Bộ Thủy lợi làm đê, chuyên gia Hà Lan đề nghị hạn chế làm bê tông để đất và cỏ còn thấm nước.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi cũng chỉ ra rằng, ĐBSCL đang phát triển nóng quá mức, chú trọng xây dựng các đô thị, các công trình, đường bê tông… làm tăng tải trọng lên nền đất, trong khi nền đất lại yếu, dẫn đến tình trạng ĐBSCL bị sụt lún.
Phân tích thêm về nguyên nhân sụt lún, GS, TS Vũ Trọng Hồng cho biết biển cần bồi tích để tạo cho ĐBSCL cái chân, trong khi lượng bồi tích ở ĐBSCL hiện bị vùng nội địa lấy hết
“Tức là chúng ta đào, lập những bờ bao, khoanh vùng dân cư, tạo bồi để trồng lúa nên phù sa bị giữ lại ở nội đồng, không ra được biển. Đối với Hà Lan, đây là điều cấm kỵ bởi nếu chất bồi tích không ra được biển có nghĩa là đồng bằng không phát triển, không phát triển thì bị sóng biển lấn”.
“Hà Lan muốn tiến ra biển, họ gây bồi trước. Người ta trồng cây, thả những vật cản xuống nước để cho có phù sa ở chân ven biển đọng vào đấy. Còn Việt Nam không làm gì, phù sa không ra biển, không tổ chức gây bồi”, GS, TS Vũ Trọng Hồng cho hay.
Theo GS, TS Đào Xuân Học, ngoài tình trạng khai thác nước ngầm quá mức, sụt lún còn do tổng hợp nhiều nguyên nhân khác, đất đồng bằng mới thì bao giờ cũng có lún, hạ tầng phát triển cũng tạo thêm lún…
Để giảm tốc độ chìm của ĐBSCL, ông Hoằng khuyến cáo hạn chế tối đa việc khai thác nước ngầm, chú trọng đầu tư phát triển công trình thủy lợi cấp nước, chuyển nguồn nước mặt đến các vùng khó khăn, ven biển để thay thế nguồn khai thác nước ngầm phục các nhu cầu sử dụng khác nhau (nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, công nghiệp và nước sinh hoạt).
“Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sống thích nghi, hạn chế sử dụng nước ngọt ở vùng khan hiếm cũng là giải pháp góp phần hạn chế khai thác nước ngầm nhằm hạn chế lún sụt đất nền…
Ngoài ra, cần có nghiên cứu về các tác động của lún sụt đất nền đến thủy văn dòng chảy, hạ tầng thủy lợi, hạ tầng giao thông, sản xuất… trên đồng bằng, làm cơ sở đề xuất Chính phủ triển khai các giải pháp hợp lý để giảm thiểu rủi ro, tác động do lún sụt đất gây ra”, PGS, TS Trần Bá Hoằng nói.
Còn GS, TS Vũ Trọng Hồng cho rằng, cần nghiên cứu các giải pháp đồng bộ, mang tính tổng thể, trong đó chú trọng giải pháp gây bồi, có quy hoạch phát triển bề mặt theo hướng phát triển hệ sịnh thái.
Thứ nhất, ông Hồng cho rằng cần thực hiện chiến lược gây bồi cho ĐBSCL, đưa được lượng bồi tích của sông Mê Công, sông Cửu Long ra ngoài ven biển. Bởi vì không có phù sa thì không bồi tích được. Phù sa là sét, trọng lượng sét nặng sẽ giúp giữ chân các vùng đất đó không bị thoải, xây dựng không bị lún. Nếu không thực hiện được việc này thì dần dần ĐBSCL sẽ bị nước biển bao trùm.
Vị chuyên gia này đề nghị cần tính toán lại phát triển trên bề mặt, với mục tiêu giảm trọng lượng cho nền đất ở ĐBSCL bằng cách chú trọng phát triển hệ sinh thái là chính; phát triển các khu đô thị nhưng không xây nhiều nhà cao tầng, không làm nhiều đường bê tông… bởi lẽ phát triển giao thông đường bộ, xây dựng nhiều công trình thì sẽ tăng độ lún cho ĐBSCL.
Thứ ba cần tạo điều kiện cho ĐBSCL gây bồi bằng cách đưa những khối bê tông ra khu vực ven biển, để phù sa ra bồi tích tự nhiên, đồng thời trồng nhiều cây, sú vẹt trên toàn bộ ĐBSCL.
Ngoài ra, ông Hồng khuyến nghị cần tổ chức lại các khu dân cư theo hướng phân bố mật độ hợp lý, giữ cho đồng bằng không bị quá tải ở một khu nào đó, trong đó đối với vùng đất yếu thì dừng, không cho xây dựng; có phương án chống sóng biển, bảo vệ đê biển.
Cũng bàn về vấn đề này, GS Đào Xuân Học nhấn mạnh, nếu Chính phủ không có sự quan tâm, có giải pháp tổng thể, dài hạn và có bước đi đúng đắn thì vấn đề sụt lún ở ĐBSCL là đáng quan ngại.
Trước thực trạng này, Chính phủ Việt Nam gần đây đã ban hành Nghị định quy định việc hạn chế khai thác nước dưới đất ở các vùng chứa nước ngọt tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Các cơ quan chức năng cũng đang soạn thảo các biện pháp chính sách ứng phó với các yếu tố làm xói mòn đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có đê và cửa xả nước. Theo kế hoạch, cuối năm nay, Việt Nam sẽ tổ chức diễn đàn phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.
Nguyễn Anh