Hơn 30 năm vào tù ra tội của bị cáo luôn miệng xin… được tử hình
Bị cáo Lê Văn Tư từng phạm hàng loạt tội như trộm cắp, ma túy, cướp giật… và “đỉnh điểm” là phạm tội giết người. Ngày ra tòa, Tư một mực xin được tử hình.
Vào tù như cơm bữa
Hồ sơ vụ án thể hiện bị cáo Lê Văn Tư (sinh năm 1972, tại TP.HCM) không biết chữ, không có nghề nghiệp, không người thân… nhưng có hàng loạt tiền án.
Cuộc đời người đàn ông này bắt đầu sa chân vào con đường tội lỗi khi vừa tròn 18 tuổi với bản án 9 tháng tù về tội cướp giật tài sản công dân. Quá trình thụ án, Tư đã vượt ngục nhưng bị bắt lại và phạt 13 tháng về tội trốn khỏi nơi giam giữ.
Sau khi ra tù, Tư trở về địa phương, chán nản không biết làm gì để mưu sinh nên kiếm sống bằng cách trở lại con đường cũ, hành nghề “hai ngón” và bị công an phát hiện, chịu mức án 2 năm tù về tội trộm cắp tài sản công dân.
Suốt cả một thập niên (từ năm 1993 – 2003), người đàn ông này vào tù ra tội như cơm bữa với hàng loạt bản án về tội trộm cắp tài sản công dân.
Năm 2003, sau 13 năm ở tù với 6 bản án, Tư mới tạm rời xa chốn lao tù, từ bỏ việc trộm cắp tài sản. Quyết làm lại cuộc đời, người đàn ông này đi làm thuê, làm mướn bằng nhiều nghề khác nhau, nhưng cuộc sống vẫn khó khăn.
Năm 2008, bị bạn bè lôi kéo, Tư quyết định làm liều đi bán “hàng trắng”. Phi vụ làm ăn bất thành, Tư bị công an bắt giữ và bị tòa tuyên phạt mức án 10 năm tù về tội mua bán trái phép chất ma túy.
Giữa năm 2018, sau khi chấp hành xong hình phạt tù, Tư trở về sinh sống tại quận 11, TP.HCM. Mỗi ngày, người đàn ông này đi mua xăng rồi bán dạo trên đường để mưu sinh qua ngày. Trong một lần mua xăng bán dạo, người đàn ông lại tiếp tục dính vào lao lý.
Chiều 20/6/2019, anh Âu Chí H. (sinh năm 1988, ngụ quận 11) ngồi ăn hủ tiếu gần nhà. Lúc này, Tư cầm can nhựa đựng xăng đi bộ ngang qua, va chạm vào người anh H..
Anh H. đứng lên xô Tư ra thì lập tức Tư bật lửa và hất xăng về phía anh H. Xăng bén lửa, bùng cháy, nạn nhân không kịp bỏ chạy và đã bị thương tật 54% do bỏng nhiệt. Tư bị cảnh sát bắt giữ sau đó.
Xin được tử hình
Hai năm sau khi vụ án xảy ra, bị cáo Tư bị đưa ra xét xử về tội giết người. Có lẽ do có quá nhiều “kinh nghiệm” nên từ khi bị dẫn giải vào phòng xét xử cho đến khi đứng trước bục khai, khuôn mặt của bị cáo vẫn bình thản, lạnh lùng.
Ra tòa lần này, bị cáo Tư nhiều lần tỏ ra ngờ nghệch không hiểu các câu hỏi của tòa đưa ra, lúc nhớ, lúc quên về nhân thân của mình nên tòa quyết định trưng cầu giám định tâm thần.
Theo kết luận giám định, trước, trong và sau khi gây án, Tư bị hạn chế năng lực hành vi.
Tại tòa, bị cáo khai, khi mang xăng đi trên đường thì gặp bị hại và gật đầu chào nhưng anh H. lại gây hấn. Sợ bị đánh nên bị cáo dùng can xăng quơ trúng vào người bị hại rồi bốc cháy… Nhưng điều khiến nhiều người dự tòa khá bất ngờ khi xen lẫn những lời khai, bị cáo Tư liên tục lặp đi lặp lại câu “cho tui tử hình đi”.
Luật sư bào chữa cho Tư cho rằng bị cáo bị hạn chế nhận thức, hiểu biết pháp luật hạn chế nên đề nghị tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo có cơ hội làm lại cuộc đời.
Về dân sự, bị hại yêu cầu bị cáo Tư bồi thường chi phí điều trị thương tật với số tiền 70 triệu đồng.
Các tình tiết của vụ án đã rất rõ ràng nên phiên tòa diễn ra nhanh hơn thường lệ. HĐXX cho rằng hành vi của bị cáo là đặc biệt nguy hiểm, bản thân bị cáo có nhân thân xấu, tuy nhiên phạm tội chưa đạt và hạn chế năng lực nên tòa quyết định tuyên phạt bị cáo Tư mức án 15 năm tù về tội giết người.
Sau khi nghe tòa tuyên án, người đàn ông 49 tuổi lầm lũi bước lên xe tù, trở về trại giam để chấp hành hình phạt, trả giá cho tội lỗi của mình.
Xuân Duy