+
Aa
-
like
comment

Hơn 19,5 triệu người nhiễm nCoV trên toàn cầu

Tùng Anh - 08/08/2020 06:39

Thế giới ghi nhận hơn 19,5 triệu ca nCoV và hơn 722.000 người chết, nhiều quốc gia phải tái áp đặt phong tỏa vì sóng lây nhiễm thứ hai. 

213 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận 19.500.220 ca nhiễm và 722.458 ca tử vong do nCoV, tăng lần lượt 277.043 và 6.185 ca sau 24 giờ, trong khi 12.526.730 người đã bình phục, theo thống kê của trang cập nhật dữ liệu thời gian thực Worldometers.

Y tá lấy mẫu máu của người phụ nữ tại El Salvador ngày 30/7. Ảnh: AFP.
Y tá lấy mẫu máu của người phụ nữ tại El Salvador ngày 30/7. Ảnh: AFP. 

Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận 5.086.999 ca nhiễm và 163.883 người chết, tăng lần lượt 54.820 và 1.079 ca so với một ngày trước đó. Bất chấp số liệu đáng lo ngại, người dân vẫn không chú ý đến cảnh báo từ quan chức và tiếp tục tụ tập ở cả những nơi riêng tư lẫn công cộng mà không đeo khẩu trang. Ít nhất 30 bang ghi nhận tỷ lệ tử vong mới cao hơn trong tuần qua so với tuần trước.

Trên toàn quốc, ít nhất 27 bang đã tạm dừng hoặc rút kế hoạch tái mở cửa, đồng thời áp đặt những hạn chế mới. Hơn 40 bang ra những yêu cầu liên quan đến khẩu trang. Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) dự đoán đến ngày 22/8, hơn 173.000 người Mỹ sẽ tử vong vì Covid-19. Theo tiến sĩ Scott Gottlieb, cựu quan chức Cơ quan Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm (FDA), số người chết vì Covid-19 tại Mỹ sẽ lên tới 300.000 vào cuối năm nay nếu tình hình không có biến chuyển tích cực.

Trong khi đó, New York, từng là bang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, cho phép trường công cấp tiểu học và trung học mở lại lớp học trực tiếp vì đã chống dịch hiệu quả. Thống đốc New York Andrew Cuomo cho biết giới chức có thể điều chỉnh lại kế hoạch nếu ca nhiễm tăng mạnh.

Tại Brazil, vùng dịch lớn thứ hai thế giới, ca tử vong đã tăng lên 99.572 sau khi ghi nhận thêm 928 trường hợp. Ca nhiễm tại nước này tăng 44.880 trong 24 giờ qua, lên 2.962.442.

Hầu hết các bang của Brazil dỡ bỏ các biện pháp hạn chế vào tháng 6 dưới áp lực của Tổng thống Jair Bolsonaro và bất chấp cảnh báo từ các chuyên gia rằng động thái này quá sớm. Các bãi biển, quán bar và nhà hàng nhanh chóng chật cứng người, ngay cả khi ca tử vong tiếp tục tăng cao.

Brazil mở lại đường bay quốc tế từ 30/7. Du khách từ mọi quốc gia có thể đến Brazil, miễn là họ có bảo hiểm y tế trong suốt chuyến đi. Trước đó, Brazil đã đóng đường bay quốc tế với người nước ngoài từ ngày 30/3.

Tuy nhiên, một số thành phố đã hủy các sự kiện lớn. Chính quyền Rio de Janeiro thông báo hủy lễ đón giao thừa, thường thu hút hàng triệu người tới bãi biển Copacabana, thêm rằng lễ hội Carnival nổi tiếng vào tháng hai năm sau cũng có thể bị hủy. Trong khi đó, Sao Paulo, thành phố lớn nhất Brazil, đã hoãn vô thời hạn lễ hội Carnival.

Mexico, vùng dịch lớn thứ hai Mỹ Latinh và lớn thứ sáu thế giới, báo cáo 462.690 ca nhiễm và 50.517 ca tử vong sau khi ghi nhận thêm lần lượt 6.590 và 819 ca.

Toàn bộ trường học tại Mexico vẫn đóng cửa. Cửa hàng, nhà hàng và quán bar mở cửa một phần, trong khi giao thông công cộng hoạt động bình thường.

Tổng thống Mexico thông báo nước này vẫn sẽ tiến hành lễ kỷ niệm ngày quốc khánh 16/9 tại quảng trường Zocalo ở thủ đô nhưng quy tắc giãn cách xã hội sẽ được áp dụng.

Chile ghi nhận 368.825 ca nhiễm và 9.958 ca tử vong, tăng lần lượt 2.154 và 69 trường hợp so với hôm trước. Các trường học, nhà hàng và quán bar vẫn đóng cửa. Giao thông công cộng cũng chỉ nối lại một phần trong những khung giờ nhất định và chỉ những cửa hàng bán đồ thiết yếu mới được phép tái mở cửa.

Nam Phi, vùng dịch thứ năm thế giới, là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch tại châu Phi với 545.476 ca nhiễm và 9.909 ca tử vong, tăng lần lượt 7.292 và 305 ca. Bộ trưởng Y tế ngày 5/8 cho biết ba tỉnh được coi là điểm nóng Covid-19 đã giảm nhiệt trong vài tuần gần đây.

Nam Phi áp đặt một trong những lệnh phong tỏa nghiêm ngặt nhất thế giới hồi tháng ba, bao gồm đóng cửa trường học, nhà máy, các cửa hàng không thiết yếu và cấm bán rượu, thuốc lá. Các hạn chế được dỡ bỏ hồi tháng 6, nhưng một số đã được khôi phục trong tháng này, như tái đóng cửa trường học và cấm bán rượu

Nga, vùng dịch lớn thứ tư thế giới, báo cáo thêm 119 ca tử vong, nâng tổng số người chết lên 14.725. Số ca nhiễm tăng thêm 5.241, lên 877.135. Tình hình dịch bệnh tại nước này dường như đã được kiểm soát, khi các số liệu có xu hướng giảm dần.

Hồi tháng 6, Nga tuyên bố mở cửa lại một phần biên giới, cho phép những người cần làm việc, học tập, điều trị y tế hoặc chăm sóc người thân di chuyển ra nước ngoài. Từ 1/8, nước này nối lại đường bay quốc tế với Tanzania, Thổ Nhĩ Kỳ và Anh. Họ triển khai xét nghiệm nhanh nCoV ở những sân bay lớn nhất Moskva gồm Sheremetyevo, Vnukovo International và Moskva Domodedovo.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 4/8 kêu gọi Nga tuân thủ hướng dẫn sản xuất vaccine an toàn và hiệu quả sau khi Moskva công bố kế hoạch phổ biến rộng rãi vaccine Covid-19 vào tháng 9. Các nhà khoa học phương Tây bày tỏ lo ngại về tốc độ phát triển vaccine của Nga, nghi ngờ giới nghiên cứu nước này có thể đã “đốt cháy giai đoạn” dưới áp lực từ chính quyền.

Tây Ban Nha báo cáo thêm 4.507 ca nhiễm và ba ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 361.442 và 28.503.

Sau một tháng yên bình, số ca nhiễm nCoV tại nước này đang tăng vọt khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ, với 280 ổ dịch trên cả nước. Vùng Catalonia và Aragon chứng kiến tình trạng gia tăng nghiêm trọng nhất trong vài tuần qua.

Diễn biến đáng lo ngại tại Tây Ban Nha thúc đẩy chính phủ Anh và Đức khuyến cáo công dân tránh tới các hòn đảo và bãi biển của nước này để nghỉ mát dù Bộ Y tế Tây Ban Nha ngày 30/7 nói đây “không phải là làn sóng thứ hai”.

Anh báo cáo thêm 871 ca nhiễm và 98 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 309.005 và 46.511. Theo báo cáo công bố hôm 14/7 của viện Khoa học Y khoa Anh, làn sóng Covid-19 thứ hai ở nước này có thể khiến 120.000 người chết từ tháng 9 tới tháng 6 năm sau “trong trường hợp xấu nhất”.

Thủ tướng Anh Boris Johnson yêu cầu các vùng phía bắc đất nước tái áp đặt phong tỏa một phần trong bối cảnh lo ngại về làn sóng Covid-19 thứ hai. Hàng trăm nghìn người ở Greater Manchester, Bradford, Blackburn và nhiều khu vực khác ở miền bắc nước Anh bị cấm tụ tập trong nhà với các gia đình khác từ đêm 30/7.

Johnson trước đó cảnh báo người dân không nên lầm tưởng mối nguy hiểm về dịch bệnh đã qua, trong khi Phố Downing cũng cảnh báo không loại trừ khả năng tái phong tỏa toàn quốc.

Iran, vùng dịch lớn nhất Trung Đông, ghi nhận thêm 156 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong ở nước này lên 18.132. Trong khi đó, số ca nhiễm tăng thêm 2.450, lên tổng cộng 322.567 ca.

Thủ đô Tehran nằm trong số 15/31 tỉnh đang được đặt trong tình trạng cảnh báo đỏ về Covid-19. Phát ngôn viên Bộ Y tế Iran Sima Sadat Lari cho biết tình hình tại nước này đáng lo ngại, đồng thời kêu gọi thực thi nghiêm ngặt các hướng dẫn y tế.

Số liệu chính thức cho thấy xu hướng gia tăng đáng chú ý các ca nhiễm và tử vong vì nCoV tại Iran từ cuối tháng 6. Chính quyền đã ra lệnh bắt buộc đeo khẩu trang ở những không gian công cộng kín và các tỉnh được trao quyền để cân nhắc tái áp đặt các biện pháp giới hạn, phong tỏa.

Arab Saudi ghi nhận thêm 1.567 ca nhiễm và 38 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 285.793 và 3.093. Quan chức hải quan đang triển khai việc sử dụng chó đánh hơi được huấn luyện đặc biệt để xác định hành khách di chuyển bằng đường hàng không nhiễm nCoV sau khi nước này nối lại đường bay quốc tế.

Ấn Độ, vùng dịch lớn thứ ba thế giới, báo cáo thêm 61.455 ca nhiễm và 940 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 2.086.864 và 42.578.

Theo khảo sát của một trung tâm nghiên cứu chính phủ, hơn một nửa số người sống ở khu ổ chuột tại Mumbai có thể đã nhiễm virus và sản sinh kháng thể. Tuy nhiên, đề tài này còn gây tranh cãi.

Mặc dù ca nhiễm vẫn tăng mạnh, Ấn Độ sẽ mở lại phòng tập gym, trung tâm dạy yoga và dừng áp giờ giới nghiêm vào ban đêm từ ngày 5/8. Trường học, dịch vụ tàu điện ngầm, rạp chiếu phim, bể bơi, công viên giải trí, nhà hát, quán bar tiếp tục đóng cửa.

Trung Quốc chưa công bố số liệu mới.

Tại Đông Nam Á, Philippines đã vượt Indonesia, trở thành vùng dịch lớn nhất khu vực với 122.754 ca nhiễm và 2.168 ca tử vong, tăng lần lượt 3.379 và 24 ca trong 24 giờ qua.

Thủ đô Manila và các vùng lân cận như Laguna, Cavite, Rizal và Bulacan bị tái áp đặt lệnh phong toả nghiêm ngặt trong vòng hai tuần từ 4/8 đến 18/8 do số các nhiễm mới tăng nhanh chóng từ khi các hạn chế được nới lỏng hồi tháng 6.

Cảnh sát Philippines đã được triển khai để buộc những người dương tính với virus và không thể tự cách ly tại nhà vào các khu cách ly tập trung do chính phủ điều hành. Cảnh sát cũng được bố trí tại các trạm kiểm soát để đảm bảo chỉ người có thẻ thông hành đặc biệt mới được ra ngoài, số còn lại phải ở nhà theo lệnh phong tỏa.

Tổng thống Rodrigo Duterte quyết không mở cửa trường học cho đến khi có vaccine. Ông cũng xin lỗi người dân Manila vì không còn tiền viện trợ cho họ và kêu gọi đội ngũ y tế tiếp tục chiến đấu với dịch bệnh.

Indonesia ghi nhận 121.226 ca nhiễm, tăng 2.473 trường hợp so với hôm trước, trong đó 5.593 người chết, tăng 72 ca.

Budi Sadikin, người đứng đầu nhóm chuyên trách phục hồi kinh tế của chính phủ Indonesia giữa đại dịch Covid-19, hôm 29/7 hối thúc người dân “ra khỏi nhà” để thúc đẩy phát triển kinh tế.

Các văn phòng ở Jakarta bắt đầu mở cửa trở lại vào tuần đầu tiên của tháng 6, với lịch làm việc được sắp xếp so le, đồng thời người dân được khuyến cáo tránh tập trung đông trong giờ ăn và trong thang máy. Các trung tâm mua sắm cũng được phép mở cửa trở lại từ giữa tháng 6. Bali, một trong những trung tâm du lịch của Indonesia, mở cửa trở lại từ hôm 31/7 cho du khách trong nước và lên kế hoạch đón du khách nước ngoài, có thể vào 11/9.

Chuyên gia dịch tễ Pandu Riono, giảng viên khoa Sức khoẻ cộng đồng tại Đại học Indonesia, cho rằng người dân Indonesia chỉ có thể bước vào “bình thường mới” dưới sự giám sát và tuân thủ các quy trình y tế nghiêm ngặt gồm đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên và cách biệt cộng đồng. Indonesia hiện tiến hành khoảng 20.000 – 30.000 xét nghiệm Covid-19 mỗi ngày.

Singapore là vùng dịch lớn thứ ba khu vực với 54.555 người nhiễm, tăng 301 ca, trong đó 27 người chết.

Singapore đang tiến hành nới lỏng các biện pháp hạn chế theo từng giai đoạn. Nước này dự kiến nối lại di chuyển với Malaysia cho mục đích chính thức và kinh doanh thiết yếu vào tháng này, trong khi siết chặt quy định nhập cảnh với người đi từ hay gần đây đến những vùng dịch đang tăng nhiệt trở lại, bao gồm Hong Kong, Nhật và bang Victoria của Australia.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nói rằng có thể không bao giờ có “viên đạn bạc” vaccine cho Covid-19, bất chấp cuộc đua tìm ra vaccine toàn cầu. Theo WHO, có thể sẽ cần nhiều loại vaccine khác nhau để chống lại Covid-19.

(Theo AFP/Reuters)

Bài mới
Đọc nhiều