+
Aa
-
like
comment

Hơn 100 người chết vì dịch, người nước ngoài chạy đua để rời khỏi TQ

28/01/2020 13:49

Mỹ, Pháp và Nhật có kế hoạch sơ tán công dân mắc kẹt ở Vũ Hán trở về nước, trong bối cảnh virus corona đã khiến hơn 100 người thiệt mạng và hơn 4.500 người nhiễm bệnh.

Virus chết người mà các chuyên gia tin rằng bắt nguồn từ một chợ bán động vật tươi sống ở thành phố Vũ Hán, có tên gọi chính thức là 2019 n-CoV, đang có dấu hiệu diễn biến phức tạp khi số người thiệt mạng đã lên tới 106, trong khi số ca nhiễm bệnh đã lên tới hơn 4.500.

Hon 100 nguoi chet vi dich, nguoi nuoc ngoai chay dua de roi khoi TQ hinh anh 1 29Briefing_Asia_slide_B5TT_superJumbo.jpg
Công viên ở thành phố Vũ Hán vắng vẻ trong những ngày dịch bệnh virus corona hoành hành. Ảnh: AFP.

Mắc kẹt ở Vũ HánTheo AFP, trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh vào lúc dịp Tết Nguyên đán kết thúc, chính phủ Trung Quốc đã phong toả khu vực rộng lớn của tỉnh Hồ Bắc, bao gồm toàn bộ thành phố Vũ Hán, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của hơn 50 triệu người, bao gồm hàng nghìn người ngoại quốc.

Khi những người mắc kẹt lại ở thành phố hơn 11 triệu dân này đang hết sức lo lắng về tương lai của họ, chính phủ nhiều nước đã lên kế hoạch di tản công dân của mình khỏi tâm điểm của đợt bùng phát.

Mỹ, Pháp và Nhật Bản là những nước đầu tiên dự kiến đưa công dân ở Vũ Hán về nước qua đường hàng không. Nhưng một tuần sau khi lệnh phong toả được ban bố, những kế hoạch này vẫn chưa được thực hiện.

Một máy bay từ Mỹ đã đến Vũ Hán và dự kiến rời đi vào ngày 28/1, mang theo các nhân viên lãnh sự và một số công dân Mỹ, nhưng Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết chuyến bay đã được dời lịch sang ngày 29/1 mà không nói rõ lý do.

Chính phủ Pháp cho biết họ có kế hoạch đưa công dân ở Vũ Hán về nước vào giữa tuần này, và Nhật Bản cũng có kế hoạch tương tự trong ngày 28/1.

Một số nước khác thì đang nỗ lực đưa công dân của họ ở vùng dịch về nước, trong đó có Ấn Độ. Đức cũng cân nhắc việc đưa công dân ra khỏi thành phố Vũ Hán.

Virus được xác định là có thể lây truyền giữa người và người, nhưng các nhà khoa học vẫn chưa xác định mức độ và phương thức lây lan của nó.

Tuy nhiên, nhằm ngăn chặn khả năng lây lan do tiếp xúc giữa người và người, chính quyền Trung Quốc đã áp đặt hạn chế giao thông ở nhiều vùng trên đất nước. Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán cũng được kéo dài thêm đến hết tuần này.

Bộ Giáo dục thông báo kỳ học mùa xuân của các trường học và đại học trên toàn quốc sẽ được hoãn vô thời hạn.

Mặc dù chính phủ đã đưa ra những biện pháp quyết liệt chưa từng có, virus corona vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, đặc biệt là ở thành phố Vũ Hán.

Hon 100 nguoi chet vi dich, nguoi nuoc ngoai chay dua de roi khoi TQ hinh anh 2 wuhan_airport_nc_jt_200127_hpEmbed_3x2_992.jpg
Kiểm tra thân nhiệt cho hành khách tại sân bay quốc tế thành phố Vũ Hán. Ảnh: Tân Hoa Xã.

Ủy ban Y tế Quốc gia hôm 28/1 cho biết có 26 trường hợp tử vong xảy ra trong 24 giờ trước đó, bao gồm trường hợp thiệt mạng đầu tiên ở Bắc Kinh, nâng tổng số người thiệt mạng lên con số 106.

Số ca nhiễm virus được xác nhận cũng lên tới 4.515 trường hợp, tăng 64% so với con số 2.744 người nhiễm trước đó một ngày. Cũng theo uỷ ban, đang có 7.000 trường hợp nghi nhiễm và đang chờ kết quả xét nghiệm.

WHO đã đánh giá thấp tình hìnhVirus cũng tiếp tục lan ra toàn cầu, với những trường hợp đầu tiên được ghi nhận ở Đức, Sri Lanka và Canada.

Sự hoảng loạn tăng lên khi thị trưởng thành phố Vũ Hán là ông Chu Tiên Vượng cho biết ước tính có khoảng 5 triệu người đã rời khỏi thành phố để đi tới các khu vực khác trên đất nước trước khi lệnh phong toả được ban hành.

Tổng thống Donald Trump cho biết Mỹ đã đề nghị giúp đỡ Trung Quốc trong việc chống chọi với virus. Nhưng Mỹ cùng Thổ Nhĩ Kỳ và Đức cũng đưa ra cảnh báo công dân và yêu cầu cân nhắc lại việc đi tới Trung Quốc.

Malaysia hôm 27/1 ra lệnh cấm nhập cảnh đối với khách du lịch đến từ tỉnh Hồ Bắc. Mông Cổ thì còn có biện pháp mạnh hơn khi đóng cửa đường biên giới với xe cộ Trung Quốc, bất chấp việc phụ thuộc chặt chẽ vào giao thương với nước láng giềng.

Trong khi đó tại thành phố Vũ Hán, mặc dù đường phố vắng vẻ như thị trấn ma, các cơ sở y tế lại đang quá tải trong việc tiếp nhận người bệnh. Chính quyền trung ương đã điều động hàng trăm sĩ quan quân y để hỗ trợ thành phố, và hai bệnh viện dã chiến đang được cấp tốc xây dựng.

Hàng trăm công nhân đeo khẩu trang đang làm việc ngày đêm để hoàn thành hai cơ sở này, với công suất 1.000 và 1.300 giường, dự kiến hoàn thành trong tuần tới.

Những người nước ngoài bị kẹt lại đang rất căng thẳng và lo ngại cho sức khoẻ, khi nguồn dự trữ lương thực cạn dần.

“Cứ mỗi ngày trôi qua tôi lại thấy lo nhiều thêm”, anh Duy Đỗ, một sinh viên Việt Nam đang học thạc sĩ ở Vũ Hán, chia sẻ với AFP.

Hon 100 nguoi chet vi dich, nguoi nuoc ngoai chay dua de roi khoi TQ hinh anh 3 1000_3_.jpeg
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đến thăm một siêu thị ở thành phố Vũ Hán, nơi người dân đang thu gom thực phẩm. Ảnh: AP.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuần trước đã không tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu – động thái từng được đưa ra với bệnh SARS, MERS hay ebola – điều có thể đã giúp các nước khác đưa ra phản ứng mạnh mẽ hơn về lệnh cấm du lịch.

Nhưng WHO hôm 27/1 thừa nhận đã có sai lầm khi đánh giá mối de doạ toàn cầu của virus 2019 n-CoV là “vừa phải”, và đã đưa ra bản cập nhật trong đó xác định rủi ro ở mức “cao trên phạm vị toàn cầu”.

Người đứng đầu WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus vào tuần này đã bay tới Bắc Kinh để thảo luận với các quan chức Trung Quốc nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng.

Sơn Trần/ZN

Bài mới
Đọc nhiều