Hơn 1 triệu người Pháp bỏ việc đi biểu tình, đốt tòa thị chính Bordeaux
Hơn một triệu người dân Pháp đình công, biểu tình, đập phá đốt luôn tào sản công tại nhiều thành phố ở nước này, sau khi Tổng thống Macron quyết tâm thực hiện cải cách hưu trí.
Gần 1,1 triệu người tham gia các cuộc biểu tình ở Pháp ngày 23/3 để phản đối cải cách hưu trí của Tổng thống Emmanuel Macron, trong đó ở Paris là khoảng 119.000 người, Bộ Nội vụ Pháp cho biết.
Công đoàn cánh tả CGT đưa ra con số cao hơn là tổng cộng 3,5 triệu người tuần hành, bao gồm 800.000 người ở thủ đô.
Các cuộc biểu tình, đình công diễn ra một ngày sau khi Tổng thống Macron trả lời phỏng vấn truyền hình, giữ vững quan điểm với luật cải cách hưu trí mà ông vượt quyền quốc hội thông qua tuần trước. Trong số các cải cách có nâng tuổi nghỉ hưu từ 62 lên 64 vào năm 2030 và yêu cầu người lao động làm việc ít nhất 43 năm để nhận đủ lương hưu.
Tòa thị chính TP Bordeaux đã bị phóng hỏa trong bối cảnh hơn một triệu người trên khắp nước Pháp xuống đường biểu tình phản đối cải cách hưu trí của Tổng thống Emmanuel Macron.
BBC mô tả cảnh sát Pháp đã bắn hơi cay vào đám đông biểu tình và 80 người trên khắp đất nước đã bị bắt giữ.
Tòa thị chính TP Bordeaux, thủ phủ của vùng Nouvelle-Aquitaine, còn bị người biểu tình phóng hỏa tối 23/3 nhưng nhà chức trách nhanh chóng khống chế được ngọn lửa. Hiện chưa xác định được ai chịu trách nhiệm gây ra vụ phóng hỏa này.
Biểu tình, đình công khiến giao thông tại Pháp bị gián đoạn. Người biểu tình phong tỏa nhiều nhà ga tàu hỏa, sân bay, cơ sở lọc dầu và cảng. Khoảng 30% số chuyến bay tại sân bay Paris Orly bị hủy. Tháp Eiffel, Cung điện Versailles phải đóng cửa.
Tại ga tàu Gare de Lyon ở Paris, khoảng vài trăm người đã đi xuống đường ray, đốt pháo sáng ngăn các đoàn tàu khởi hành.
“Các kỳ nghỉ của chúng tôi năm nay có thể không còn tốt đẹp”, Maxime Monin, 46 tuổi, nói, cho biết nhân viên vận tải công cộng như ông sẽ không được trả lương vào các ngày đình công. “Nhưng tôi nghĩ sự đánh đổi là xứng đáng”.
Đây là lần thứ 9 các công đoàn Pháp tổ chức biểu tình trên toàn quốc kể từ tháng 1.
“Chúng tôi muốn lên tiếng trước khi luật có hiệu lực rằng cần phải tìm lối thoát cho vấn đề. Và chúng tôi vẫn cho rằng lối thoát đó chính là thu hồi đạo luật”, Laurent Berger, lãnh đạo công đoàn CFDT, nói.
Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gerald Darmanin cho biết 12.000 cảnh sát đã được điều động khắp nước Pháp ngày 23/3.
Tại Paris, cảnh sát đụng độ với một nhóm bịt mặt đã tấn công ít nhất hai cửa hàng, siêu thị và ngân hàng. Bạo lực cũng xuất hiện trong các cuộc biểu tình ở các thành phố khác, như Nantes, Renne, Lorient và Lyon. Các tòa nhà hành chính, thậm chí đồn cảnh sát cũng bị tấn công.
Bộ trưởng Nội vụ Darmanin lên án “bạo lực từ những kẻ côn đồ cực tả”. Ông cho biết có “1.500 kẻ bạo loạn” đã tham gia biểu tình ở Paris để tấn công cảnh sát và các tòa nhà công cộng”. Cảnh sát Pháp đã bắt 172 người, trong đó có 77 người ở Paris.
Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne nói bạo lực và phá hoại trong các cuộc biểu tình ngày 23/3 là “không thể chấp nhận”. Bà cảm ơn cảnh sát và các cơ quan khẩn cấp khác đã ứng phó tình hình.
Với số lượng người tham gia ngày càng tăng, các công đoàn tiếp tục kêu gọi tổ chức biểu tình và đình công khi Vua Anh Charles III đến thành phố Bordeaux ngày 28/3 trong chuyến thăm Pháp.
Tờ Sud Ouest đưa tin một nhóm biểu tình đã châm lửa và đốt cháy cửa gỗ của tòa thị chính Bordeaux trong tối 23/3.
Ngoài biểu tình, nhiều thành phố ở Pháp còn đối mặt tình trạng rác thải tràn ngập đường phố ngày càng nghiêm trọng khi không có người thu dọn do nhân viên môi trường đình công.
Một số người biểu tình đã châm lửa đốt các đống rác này, khiến lực lượng cứu hỏa phải can thiệp.
Ông Macron ngày 16/3 kích hoạt Điều 49.3 trong hiến pháp để vượt quyền quốc hội, phê chuẩn luật cải cách hưu trí. Điều 49.3 cho phép chính phủ có thể thông qua một dự luật sau khi họp nội các mà không cần bỏ phiếu tại Hạ viện.
Động thái vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ các công đoàn và phe đối lập. Phe đối lập gửi hai kiến nghị quốc hội bỏ phiếu bất tín nhiệm nhưng chính phủ Tổng thống Macron đều đã vượt qua. Điều này đồng nghĩa luật cải cách hưu trí coi như được thông qua và đang chờ Hội đồng Bảo hiến Pháp phê chuẩn.
Tổng thống Macron ngày 22/3 tuyên bố sẵn sàng chấp nhận mất lòng người dân. Ông đang trong nhiệm kỳ hai và không thể tái tranh cử năm 2027. Kết quả một cuộc thăm dò ngày 19/3 cho thấy chỉ 28% người được hỏi ủng hộ ông Macron, thấp nhất kể từ cao điểm phong trào “Áo Vàng” phản đối chính phủ năm 2018 – 2019.
“Giữa kết quả các cuộc thăm dò ý kiến ngắn hạn và lợi ích chung của quốc gia, tôi chọn vế sau”, ông nói.
Bảo Trâm