+
Aa
-
like
comment

Hơn 1.600 nhà đầu tư ăn “trái đắng” vì tin vào sàn tài chính ảo

20/02/2022 07:38

Cơ quan Công an điều tra vừa triệt phá nhóm đối tượng chuyên lừa đảo bằng hành vi lập trang web, rồi tổ chức quảng cáo kêu gọi đầu tư tài chính, qua đó chiếm đoạt hàng tỉ đồng của hơn 1.600 nhà đầu tư.

Nhận “trái đắng” vì tin vào sàn tài chính ảo

Là nạn nhân trong vụ lừa đảo tiền trên internet, chị Lê Tuyết H. (36 tuổi, TP.Hạ Long, Quảng Ninh) kể tháng 11.2021, qua mạng xã hội Facebook chị có quen một người giới thiệu tham gia đầu tư tài chính vào trang web vuonlanrongnghe.net (đầu tư trồng lan – PV).

Qua lời quảng cáo, tư vấn của “chuyên gia tài chính” tự xưng, việc đầu tư vào trang này sẽ mang lại lợi nhuận cao và đảm bảo an toàn, không có rủi ro. Để đánh vào lòng tin của người chơi, các tư vấn viên còn gửi ảnh chụp hóa đơn chuyển tiền của các nhà đầu tư (NĐT) khác. Ban đầu, tư vấn viên chỉ gợi ý mọi người tham gia đầu tư vào các dự án với số tiền nhỏ, thậm chí không tốn tiền cũng có thể tham gia.

Sàn tài chính ảo lừa hơn 1.600 nhà đầu tư - ảnh 1
Mạc Văn Lai cầm đầu đường dây.

“Mới đầu tôi chỉ đầu tư 55.000 đồng để thử xem sao. Quả nhiên, sau 1 ngày đã lập tức có lãi ngay. Không những thế, việc rút tiền khá thuận lợi nên những ngày sau tôi tăng số tiền đầu tư lên 500.000 đồng”, chị H. kể lại.

Cũng theo chị H., các gói đầu tư sau 24 giờ sẽ được cộng lợi nhuận và tiền về rất đúng giờ. Đặc biệt, qua tham khảo, chị H. còn thấy nhiều khách hàng tham gia đầu tư chụp lại hóa đơn rút tiền lãi, nên càng tin tưởng và mạnh dạn tiếp tục đầu tư. Tuy nhiên, đến gói đầu tư với mức 36 triệu đồng thì chị H. không thể rút tiền lãi được nữa.

Lúc này chị H. cũng như nhiều người mới biết mình bị lừa. Số tiền mà chị đã trót xuống tay để góp vào các dự án tài chính ảo đã lên tới hàng trăm triệu đồng.

Tương tự, tháng 12.2021, thông qua mạng xã hội Zalo, chị Nguyễn Thị T. (45 tuổi, trú TX.Quảng Yên) nhận được nhiều tin nhắn quảng cáo tham gia đầu tư tài chính vào trang web dautunuoichim.net (đầu tư nuôi chim – PV), với lãi suất hơn 100%, cam kết hoàn tiền nếu dừng đầu tư.

Theo chị T., sau khi kết nối với các “chuyên gia tư vấn” của các trang web kêu gọi đầu tư (núp bóng dưới hình thức dự án nuôi cá koi, nuôi chim, trồng lan VAR…), chị được nghe các đối tượng quảng cáo rằng các dự án này đang rất “hot” trên thị trường. Thậm chí, có thời điểm làm ăn được các dự án này còn tăng lãi suất 300%. Sau đó, chị T. đã mạnh dạn “xuống tiền” và đến khi đã góp một số tiền lớn cho các dự án thì mới ngã ngửa ra là mình bị lừa.

Không chỉ chị H. và chị T., hơn 1.600 NĐT khác cũng đã rơi vào cảnh mất tiền tương tự. Theo đó, khi thấy NĐT đông dần, lượng tiền đổ về đầu tư lớn, các đối tượng sẽ tự đánh sập trang web và chặn số điện thoại của NĐT hoặc hủy sim điện thoại dùng để kết nối với NĐT trước đó hòng làm cho các NĐT không biết làm cách nào để đòi lại tiền.

Thủ đoạn tinh vi

Từ trình báo của các nạn nhân, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh Quảng Ninh) đã vào cuộc, thu thập chứng cứ và bắt giữ Mạc Văn Lai (39 tuổi, trú tại xã Vĩnh Thực, TP.Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh) là người giữ vai trò chủ mưu, cầm đầu và 3 đối tượng khác là những “chuyên gia tư vấn tài chính”, gồm: Lê Ngọc Hoàng Anh (23 tuổi, trú tại TT.Nghĩa Đàn, H.Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An) cùng với Trần Thị Minh (29 tuổi), Trần Văn Quân (27 tuổi) đều trú TP.Móng Cái, Quảng Ninh.

Làm việc với cơ quan chức năng, Lai khai nhận đã lên kịch bản, sau đó thuê Hoàng Anh lập trình, đồng thời giữ vai trò quản trị (admin) các trang web.

Sàn tài chính ảo lừa hơn 1.600 nhà đầu tư - ảnh 2
Lê Ngọc Hoàng Anh đang khai báo với cơ quan công an về hành vi phạm tội của mình.

Sau khi các trang web đi vào hoạt động, Lai đóng vai trò là admin thứ hai để quản trị, vừa là người quản lý các tài khoản nhận tiền chiếm đoạt được, vừa tổ chức các hoạt động quảng cáo thu hút người khác mở tài khoản và đầu tư vào các web mà các đối tượng này lập ra.

Lai cũng cho hay để tạo niềm tin với khách hàng, các đối tượng sẵn sàng trả cả gốc lẫn lãi trong vòng 1 – 5 ngày nếu NĐT dừng góp vốn. Tiền của người góp nhiều được dùng để trả cho người góp ít. Về các hóa đơn chuyển tiền đầu tư và rút tiền lãi được đưa ra làm “mồi nhử” NĐT, Lai đã thực hiện chuyển tiền qua lại giữa các tài khoản ngân hàng của chính mình số tiền từ 15 – 80 triệu đồng; sau đó đăng các hóa đơn này lên web, nhóm để củng cố niềm tin của NĐT.

Khi web bị người tham gia phát hiện bản chất lừa đảo, Lai chỉ đạo Hoàng Anh nhanh chóng đánh sập trang web để xóa dấu vết, rồi lại lập trang web khác.

Kiếm tiền ảo không phải dễ… xơi

Qua điều tra, Công an tỉnh Quảng Ninh đã truy xuất dữ liệu và xác định 45 trang web được đường dây này xây dựng với nội dung đầu tư tài chính để lừa đảo, bước đầu đã xác định số bị hại lên đến hơn 1.600 người là NĐT đến từ Quảng Ninh và các tỉnh, thành khác. Tuy nhiên, hiện Mạc Văn Lai đã chỉ đạo xóa khỏi hệ thống 38 trang, chỉ còn lưu lại tên miền. Sao kê từ 24 tài khoản ví điện tử của nhóm đối tượng trên, điều tra viên phát hiện 5 tài khoản được NĐT chuyển vào với số tiền 3,6 tỉ đồng.

Thượng tá Đinh Ngọc Văn, Trưởng phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, cảnh báo người dân phải cảnh giác với những lời quảng cáo đầu tư, góp vốn. Khi tham gia vào hoạt động trên không gian mạng, phải tìm hiểu kỹ thông tin; tuyệt đối không vội tin tưởng vào những nguồn thông tin không chính thống, không rõ nguồn gốc để tránh rơi vào cạm bẫy lừa đảo, rồi tiền mất tật mang!

Từ năm 2021 đến nay, Công an Quảng Ninh đã nhận hơn 30 trình báo về hành vi lừa đảo qua các sàn giao dịch tiền ảo. Qua đó, lực lượng chức năng đã xử lý hơn 114 vụ việc, với tổng tài sản bị chiếm đoạt trên 83 tỉ đồng.

Hồng Anh 

Bài mới
Đọc nhiều